Tiến độ bàn giao mặt bằng đã gần hoàn thành và các công trình hạ tầng kỹ thuật đang gấp rút triển khai.
Hoàn thành sớm để tránh lãng phí
“Tuyến metro Bến Thành - Tham Lương là tuyến đường sắt đô thị thứ 2 tại TPHCM được khởi công xây dựng sau khi tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên đạt khoảng 95% khối lượng công trình. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 47.890 tỉ đồng. Thời gian thực hiện và hoàn thành dự án dự kiến vào năm 2026. Sự hình thành của tuyến metro số 2 sẽ góp phần quan trọng trong việc giảm tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông và cải thiện môi trường đô thị dọc tuyến. Tổng cộng, TPHCM sẽ có 8 tuyến metro có tổng chiều dài 220 km với kinh phí đầu tư hơn 25 tỉ USD”.
Dự án Metro số 2 Bến Thành - Tham Lương có tổng chiều dài 11,2 km (gồm 9,2 km đi ngầm và 2 km trên cao), với 11 ga (9 ga ngầm, 1 ga trên cao). Điểm đầu của tuyến metro tại ga trung tâm Bến Thành và điểm cuối tại ngã tư An Sương, đi qua địa bàn sáu quận 1, 3, 10, Tân Bình, Tân Phú và Quận 12 với tổng diện tích thu hồi 251.136 m2, 603 trường hợp bị ảnh hưởng.
Căn nhà rộng 173 m2 của ông N.V.K. (đường Trường Chinh, quận Tân Bình, TPHCM) nằm ngay trên tuyến đường đi qua của tuyến metro Bến Thành - Tham Lương. Nhà ông N.V.K. là một trong số 603 trường hợp bị ảnh hưởng khi TPHCM xây dựng tuyến metro này, nhưng đã nhanh chóng di dời.
“Căn nhà rộng 173m2 tôi đã để lại cho Nhà nước làm công trình công cộng từ hồi tháng 6/2020. Đến nay, sau 3 năm, số tiền đền bù tuy nhiều thật, nhưng nếu tính toán kỹ thì hóa ra không thể so với giá trị thực tế của bất động sản.
Chúng tôi thấy đây là dự án rất quan trọng, có thể giúp thay đổi cả bộ mặt của thành phố nên quyết định di dời. Vậy nên, tuyến metro phải hoàn thành sớm để người dân an lòng, để thấy sự chuyển dời của mình không phải là vô ích”, ông N.V.K. nói.
Cũng như ông N.V.K., anh N.D.B. (phường 5, quận Tân Bình) cũng chấp nhận chuyển đi từ cách đây 2 năm với mức giá đền bù có phần thấp hơn giá thị trường.
Theo ông Bùi Anh Huấn, Phó Trưởng BQL Đường sắt đô thị TPHCM (MAUR), hiện nay công tác giải phóng mặt bằng của toàn dự án đã đạt gần 87%. Tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho dự án hơn 4.350 tỉ đồng. Hiện dự án còn chỉ vướng mắc tại Quận 3 với 66 trường hợp liên quan đơn giá bồi thường.
Bà L.T.H. (đường Cách mạng Tháng Tám, Quận 3) là một trong những trường hợp còn “lấn cấn” chuyện di dời. Bà L.T.H. cho biết lý do: “Nếu Nhà nước lấy đất làm metro có bồi thường hợp lý thì chúng tôi sẽ sẵn sàng giao đất để hoàn thành công trình. Nhưng Nhà nước phải chuẩn bị chỗ ở mới cho dân, chứ nhà 7 - 8 người mà đền bù bằng một cái chung cư nhỏ xíu thì không ở được”.
BQL Đường sắt đô thị TPHCM đang phối hợp với các quận để tiến hành các thủ tục nhằm hoàn tất giai đoạn giải phóng mặt bằng ngay trong năm 2023 để nhà thầu thi công chính triển khai các hạng mục trọng điểm.
“Lãnh đạo thành phố cũng đã xác định sẽ hoàn tất giải phóng mặt bằng cho tuyến metro số 2 ngay trong năm 2023. Với kinh nghiệm từ tuyến metro số 1, chúng ta sẽ tránh những khiếu nại, khiếu kiện do vướng công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo dự án thi công thông suốt và đúng tiến độ theo kế hoạch đề ra”, ông Bùi Anh Huấn nói.
20 tháng để di dời và tái lập hạ tầng kỹ thuật
Hầu hết các hộ dân nằm trên trục đường Cách mạng Tháng Tám - Trường Chinh đã di dời, nhường chỗ cho không gian xây dựng tuyến metro số 2. Ảnh: Anh Tú |
Với gần 87% mặt bằng đã có, ngày 22/6, TPHCM quyết định khởi công ngay gói thầu đầu tiên của dự án với kinh phí khoảng 1.000 tỉ đồng để di dời và tái lập hạ tầng kỹ thuật như: Công trình cấp thoát nước, công trình điện, viễn thông, cây xanh, chiếu sáng…
BQL Đường sắt đô thị TPHCM cho biết, gói thầu này dự kiến thực hiện trong 20 tháng tại 12 vị trí trải dọc 9 ga ngầm, 2 đoạn đào hở, 1 ga trên cao.
Gói thầu chia làm 2 giai đoạn thực hiện. Giai đoạn 1, thi công xây dựng hệ thống cấp và thoát nước; lắp đặt đường điện cao thế; di dời tạm các công trình điện (gồm trung thế và hạ thế), công trình viễn thông vào hành lang các nhà ga. Giai đoạn 2, thi công di dời tái lập ngầm vĩnh viễn công trình điện (trung và hạ thế), công trình viễn thông vào hào kỹ thuật ngầm.
Ông Vũ Văn Vịnh là Giám đốc BQL dự án 2 (thuộc BQL Đường sắt đô thị TPHCM) cho biết, tuyến metro 2 chạy dọc theo trục đường Cách mạng Tháng Tám, Trường Chinh có mật độ giao thông lớn, mật độ dân cư cao.
Để tránh gây ảnh hưởng đến giao thông và đời sống người dân, các đơn vị thi công vào ban đêm, theo từng module 20m và sau đó tái lập mặt đường. Các đơn vị thi công sẽ hết sức hạn chế việc cắt điện cũng như mạng viễn thông của các hộ dân trên địa bàn.
Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, khẳng định, việc chuẩn bị mặt bằng và không gian ngầm thông thoáng sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Metro số 2, đưa vào khai thác vào năm 2030 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở hoàn thành việc di dời và tái lập cơ sở hạ tầng, các nhà thầu chính sau này của dự án sẽ xây dựng các hạng mục công trình chính của dự án vào năm 2025 như nhà ga ngầm, nhà ga trên cao... thuận lợi và hoàn thành dự án đúng tiến độ, đạt chất lượng, hiệu quả và tiết kiệm chi phí tối ưu.
BQL Đường sắt đô thị TPHCM cũng cho biết, Dự án Metro số 2 Bến Thành - Tham Lương ứng dụng nhiều công nghệ mới như: Công nghệ khoan kích ngầm, mô hình thông tin công trình nhằm giúp thi công nhanh chóng, chuẩn xác đối với các hạng mục ngầm.
Cụ thể, ngay từ giai đoạn thiết kế, gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật đã ứng dụng mô hình BIM (Building Information Modeling - mô hình thông tin công trình). Mô hình BIM sẽ giúp chủ đầu tư và nhà thầu sớm phát hiện xung đột giữa các hạng mục hạ tầng kỹ thuật để đưa ra các biện pháp thi công phù hợp. Mô hình BIM tiếp tục được áp dụng trong giai đoạn quản lý thi công công trình, giai đoạn nghiệm thu và bàn giao công trình, đưa vào vận hành.
Dự án Metro số 2 Bến Thành - Tham Lương cũng tiên phong trong ứng dụng mô hình TOD (Transit Oriented Development - mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng).