TPHCM quyết liệt ngăn chặn 'cát tặc'

GD&TĐ - Trên khu vực vùng biển huyện Cần Giờ và một số luồng sông lớn của TPHCM tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn biến phức tạp.

Trạm Biên phòng cửa khẩu cảng Nhà Rồng đưa các phương tiện hút cát trên sông Đồng Nai về khu vực neo đậu của đơn vị để điều tra, xử lý.
Trạm Biên phòng cửa khẩu cảng Nhà Rồng đưa các phương tiện hút cát trên sông Đồng Nai về khu vực neo đậu của đơn vị để điều tra, xử lý.

Trên khu vực vùng biển huyện Cần Giờ và một số luồng sông lớn như: Sài Gòn, Soài Rạp… của TPHCM tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn biến phức tạp. Mặc dù, các cơ quan chức năng trong quá trình tuần tra, kiểm soát liên tục phát hiện, bắt giữ, nhưng do nguồn lợi thu được khá lớn nên các đối tượng vẫn ráo riết hoạt động.

Manh động, liều lĩnh

Khoảng 23 giờ ngày 11/8 vừa qua, tổ công tác của Trạm Biên phòng cửa khẩu cảng Nhà Rồng (TPHCM) gồm 12 cán bộ, chiến sĩ điều khiển 3 phương tiện cano tuần tra trên sông Đồng Nai (khu vực giáp ranh xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai và phường Long Phước, TP Thủ Đức, TPHCM) đã phát hiện 3 phương tiện (ghe lặn) đang hút cát lên phương tiện ghe tải nên đã tiến hành truy đuổi.

Phát hiện lực lượng biên phòng, các đối tượng điều khiển ghe lặn nẹt pô chống đối, ngăn cản lực lượng làm nhiệm vụ, sau đó trốn thoát vào rạch Đồng Môn (xã Long Tân). Quá trình truy đuổi, tổ công tác đã bắt giữ phương tiện, số đăng ký TG 1221 do Lưu Minh Lương (SN 1991) trú tại tỉnh Tiền Giang điều khiển. Trên ghe có khoảng 3 mét khối cát sông nước ngọt, lẫn tạp chất.

Trước đó, vào lúc 1 giờ sáng ngày 20/5, tổ công tác Trạm Biên phòng cửa khẩu cảng Nhà Rồng trong quá trình tuần tra cũng đã phát hiện một số phương tiện đang hút cát trái phép dưới sông Đồng Nai, khu vực giáp ranh giữa xã Long Tân và phường Long Trường (TP Thủ Đức).

Khi phát hiện có đội tuần tra tới, các đối tượng trên ghe tải đã tháo chạy theo nhiều hướng vào các kênh rạch trốn thoát. Sau khi truy đuổi, tổ tuần tra đã bắt giữ ghe tải LA 01618 do Lê Văn Phượng (SN 1981) trú tại Đồng Nai điều khiển, trên ghe tải có 2 mét khối cát sông lẫn tạp chất.

Tại thời điểm kiểm tra, ông Phượng không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của số cát có trên ghe tải, không có chứng chỉ chuyên môn thuyền trưởng và máy trưởng, sử dụng phương tiện có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hết hiệu lực, không đăng ký lại phương tiện.

Thời gian qua, không chỉ trên khu vực sông Đồng Nai mà tại vùng biển Cần Giờ, nơi có trữ lượng cát nhiễm mặn lớn, “cát tặc” thường tổ chức khai thác ở cách bờ từ 6 - 10 hải lý. Các đối tượng bố trí người thường xuyên giám sát 24/24 đối với lực lượng chức năng, cán bộ biên phòng.

Theo Thượng tá Phạm Văn Thắng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng TPHCM, có những hôm trên khu vực biển Cần Giờ có khoảng 8 - 12 sà lan trọng tải từ 500 - 1.000 tấn hoạt động vận chuyển, khai thác cát trái phép.

Thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi, thường khai thác từ 21 giờ đêm hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau, địa điểm khai thác thường chọn những vùng biển xa bờ và là địa bàn giáp ranh giữa TPHCM với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Tiền Giang, Bến Tre…

“Trong quá trình khai thác, các đối tượng luôn có lực lượng quan sát, cảnh giới. Khi phát hiện lực lượng chức năng triển khai tuần tra, kiểm soát liền thông báo cho các đối tượng khai thác rút vòi bơm, xả cát xuống biển và chạy trốn qua địa bàn các tỉnh giáp ranh...”, Thượng tá Thắng cho hay.

Phương tiện khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ bị Đồn Biên phòng Long Hòa (TPHCM) bắt giữ đợt tháng 5/2023.

Phương tiện khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ bị Đồn Biên phòng Long Hòa (TPHCM) bắt giữ đợt tháng 5/2023.

Nỗ lực ngăn chặn

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, hoạt động khai thác cát, kinh doanh cát trái phép được đánh giá là thu lợi nhuận cao mà lại ít chi phí đầu tư. Vì vậy, các đối tượng dùng mọi thủ đoạn để đối phó với lực lượng chức năng, sẵn sàng chống trả quyết liệt, đánh chìm phương tiện để tẩu thoát.

Hậu quả khai thác cát trái phép làm thất thoát tài nguyên, gây ra tình trạng xói mòn, sạt lở bờ sông, tác động xấu công trình ven bờ, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản người dân.

Được biết, trong những năm qua, các tỉnh trong khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ nói chung và TPHCM nói riêng có tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế diễn ra mạnh mẽ, kéo theo nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp, vật liệu xây dựng tăng mạnh. Tuy nhiên, thực tế trữ lượng nguồn cát xây dựng, cát san lấp không đủ phục vụ nhu cầu xây dựng.

Trong khi đó, một số quy định pháp luật về khoáng sản còn nhiều kẽ hở, quy định xử phạt đối với hành vi khai thác cát trái phép còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Các phương tiện và trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, truy bắt các đối tượng khai thác cát trái phép còn thiếu và không đáp ứng được trong điều kiện địa hình, thời tiết phức tạp… Do vậy, tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn diễn ra dai dẳng và chưa xử lý dứt điểm.

Tại Hội nghị tổng kết đề án phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và khu vực giáp ranh TPHCM giai đoạn 2019 - 2022, tiếp tục giai đoạn 2023 - 2026 vào cuối tháng 7 vừa qua, ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, đề nghị, các cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát những quy định còn chồng chéo, kiến nghị bổ sung, thay thế các quy định chưa phù hợp so với tình hình thực tiễn.

Cùng với đó là điều chỉnh chế độ, chính sách hỗ trợ các lực lượng tham gia kiểm tra, phòng chống khai thác cát trái phép; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản.

Đặc biệt, cần tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các địa phương đến xã, phường vùng giáp ranh với TPHCM, tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng…

“Hoạt động phòng chống khai thác cát trái phép trên biển Cần Giờ và giữa TPHCM với các tỉnh không thành công nếu như chúng ta chỉ hoạt động riêng lẻ trong nội bộ địa phương. Cần có sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa TP và các tỉnh giáp ranh”, ông Ngô Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh.

“Để nâng cao hiệu quả đề án giai đoạn 2023 - 2026, TPHCM cần tiếp tục kiểm soát nguồn gốc cát xây dựng, cát san lấp tại các bãi kinh doanh vật liệu xây dựng, đặc biệt là công tác quản lý hóa đơn thuế đối với việc mua bán cát, sỏi, ngăn chặn hành vi mua hóa đơn, hợp thức hóa chứng từ… Một giải pháp trọng tâm được đề xuất là sớm triển khai xây dựng trạm kiểm soát biên phòng trên biển (theo quy mô nhà giàn nhỏ), trang bị các phương tiện, kỹ thuật để phục vụ công tác tuần tra, kiểm tra, đồng thời thực hiện nhiệm vụ canh giữ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo”. Phó Giám đốc Sở TN&MT TPHCM Nguyễn Thị Thanh Mỹ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.