Vì sao 'cát tặc' vẫn lộng hành?

GD&TĐ - Dù chính quyền đã nghiêm cấm khai thác cát, nhưng trên nhiều dòng sông (sông Đuống, sông Hồng sông Lục Nam, sông Thương) hàng đêm vẫn bị 'moi ruột'.

Nhiều vụ việc tàu 'cát tặc' bị bắt giữ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Nhiều vụ việc tàu 'cát tặc' bị bắt giữ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Dù chính quyền đã nghiêm cấm khai thác cát, nhưng trên nhiều dòng sông (sông Đuống, sông Hồng của Hà Nội và sông Lục Nam, sông Thương của Bắc Giang) hàng đêm vẫn bị “moi ruột”.

Thông tin từ Phòng CSGT, Công an tỉnh Bắc Giang cho biết vừa phát hiện, bắt quả tang một tàu không số khai thác cát trái phép trên sông Lục Nam, đoạn chảy qua thôn Nam Sơn (xã Huyền Sơn, Lục Nam, Bắc Giang). Người điều khiển phương tiện trên là ông Vũ Văn Minh (SN 1977) trú tại tổ dân phố Chàng, thị trấn Đồi Ngô (huyện Lục Nam).

Ông Minh khai nhận, cùng hai người khác chung tiền mua tàu để khai thác cát. Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu còn khoảng 10 m3 cát. Toàn bộ phương tiện, hàng hóa được Công an huyện Lục Nam xử lý theo quy định.

Thời gian qua, Bắc Giang là một trong những địa bàn nổi lên hiện tượng khai thác khoáng sản trái phép, gây sạt lở, ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, canh tác nông nghiệp của người dân.

Các đối tượng khai thác cát trái phép thường hoạt động vào ban đêm, di chuyển trên sông, nên các cơ quan chức năng địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện, bắt giữ, xử lý.

Ghi nhận của Báo GD&TĐ cho thấy, trên tuyến sông Đuống và sông Hồng (địa phận Hà Nội), những ngày tháng 6/2023, cơ quan chức năng phát hiện xử lý hàng loạt trường hợp khai thác cát trái phép.

Ngày 7/6, Phòng CSGT, Công an Hà Nội phát hiện phương tiện đường thủy mang số hiệu HD-6598 có biểu hiện nghi vấn, đã tiến hành kiểm tra. Tổ công tác phát hiện, tàu này chở đất sét từ huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh và chỉ được phép chở hàng hóa trong địa phận tỉnh Quảng Ninh. Toàn bộ hàng hóa trên tàu đều có giấy tờ, hóa đơn, chứng từ giả.

Cùng thời điểm, khi phát hiện tàu mang số hiệu HD-8288 lợi dụng đêm tối di chuyển, tổ công tác đã kiểm tra và phát hiện trên tàu chở đầy cát, không có hóa đơn chứng từ.

Hai phương tiện đường thủy trên từng bị Công an Hải Phòng và Công an tỉnh Hải Dương xử lý hành chính.

Tương tự ngày 10/5, Cục CSGT (Bộ Công an) thông tin về việc bắt giữ tàu hút cát trái phép trên sông Hồng, đoạn giáp ranh xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) và huyện Ba Vì (Hà Nội).

Theo đó, 0 giờ 15 phút cùng ngày (10/5), lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện tàu có gắn số đăng kiểm VR07032015 (không gắn biển kiểm soát) có dấu hiệu khai thác cát trái phép nên kiểm tra, phát hiện tàu trên đang sử dụng hệ thống hút cát vào 2 khoang của tàu, đồng thời hút cát sang tàu mang số hiệu HY-0607.

Trên tàu VR07032015 có 5 người. Trong đó, ông Lê Tiến Việt (SN 1982) ở TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, làm đại diện phương tiện. Còn trên tàu HY-0607 có 2 người, ông Lê Văn Hạnh (SN 1981) ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên là chủ phương tiện và là người vận hành tàu.

Chủ hai tàu nói trên không xuất trình được giấy chứng minh nguồn gốc của 500 m3 cát đang chở trên tàu. Riêng tàu mang số hiệu VR07032015 không xuất trình được giấy tờ liên quan đến phương tiện và chứng chỉ chuyên môn.

Khai nhận với cơ quan công an, hai chủ tàu cho biết là họ có hẹn trước để mua cát của nhau trên sông Hồng, nhưng không có hợp đồng mua bán, không có hóa đơn chứng từ hợp pháp. Giá mỗi khối cát mua bán tại tàu là 50.000 đồng. Hiện, các vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

Theo Cục CSGT, thời gian tới tiếp tục phối hợp cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vận tải đường thủy có biểu hiện khai thác, vận chuyển cát, sỏi trái phép, không để xảy ra các “điểm nóng” về hoạt động khai thác trái phép cát, sỏi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ