Ngày 11/10, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư 2017. Hội nghị thu hút khoảng 500 đại biểu, gồm lãnh đạo các sở, ngành cùng hàng trăm nhà đầu tư trong và ngoài nước tham dự.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, năm 2013, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội TPHCM đến 2020, tầm nhìn 2025 với quan điểm phát triển TPHCM dựa trên nền tảng phát triển bền vững, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, nâng cao nhận thức dân cư, gắn với bảo vệ môi trường.
Từ quan điểm phát triển nêu trên, nhiều chỉ tiêu được lãnh đạo Thành phố đề ra như: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn Thành phố (GRDP) bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt từ 8,5%/năm; tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 30% GRDP. Đến năm 2020, GRDP bình quân đầu người đạt 9.800 USD/người/năm.
Để đạt được các mục tiêu trên, TPHCM tập trung kêu gọi đầu tư vào 9 nhóm ngành dịch vụ và 4 ngành công nghiệp trọng yếu là: Cơ khí; điện tử-công nghệ thông tin; hóa chất-nhựa-cao su; chế biến tinh lương thực thực phẩm.
133 dự án mời gọi đầu tư
Tại Hội nghị, TPHCM đã mời gọi đầu tư vào 116 dự án xã hội hóa, 11 dự án quốc gia, 6 dự án thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trong 116 dự án xã hội hóa có: 64 dự án hạ tầng giao thông, 5 dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị, 7 dự án giảm ngập nước, 3 dự án nông nghiệp, một dự án công nghiệp, 4 dự án thương mại dịch vụ, 21 dự án chỉnh trang đô thị và xây dựng nhà ở tái định cư, 6 dự án giáo dục, một dự án y tế, 4 dự án văn hóa thể thao. Trong 11 dự án quốc gia có 9 dự án hạ tầng giao thông, một dự án giáo dục đào tạo, một dự án y tế.
Đặc biệt, tổng quan hệ thống đường sắt đô thị TPHCM kêu gọi đầu tư gồm 8 tuyến metro và 3 tuyến xe điện mặt đất (tramway) hoặc đường sắt một ray (monorail), tổng chiều dài hơn 219 km.
Ban Quản lý Đường sắt Đô thị cho biết mục tiêu của Thành phố là đến năm 2020 hoàn thành tuyến metro số 1, năm 2024 hoàn thành tuyến metro số 2 giai đoạn 1 và tuyến metro số 5 giai đoạn 1. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Hong Kong đang rất quan tâm các dự án này.
Bà Tina Phan, Giám đốc Khu vực Đông Dương của Cục Phát triển mậu dịch Hong Kong (Trung quốc) cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) Hong Kong rất quan tâm tới vấn đề đầu tư tại Việt Nam và hiện Hong Kong đang là nhà đầu tư lớn thứ 6 tại việt Nam.
Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Hong Kong và ASEAN mới được thông qua gần đây và khi có hiệu lực, chắc chắn sẽ có nhiều nhà đầu tư Hong Kong tới ASEAN hơn nữa, đặc biệt là Việt Nam. Hiện nay, các DN Hong Kong đang rất quan tâm tới các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng tại TPHCM, đặc biệt là các tuyến Metro, và thông tin cụ thể về các dự án cũng như vấn đề mặt bằng là điều mà các DN quan tâm nhất.
Các chương trình ưu tiên chiến lược của TPHCM
Ông Huỳnh Văn Thụ, Giám đốc Trung tâm Thông tin quy hoạch, Sở Quy hoạch kiến trúc TPHCM cho hay, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, tăng cường liên kết vùng để trở thành một thành phố văn minh, hiện đại, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển của khu vực phía nam và cả nước, từng bước trở thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ, khoa học công nghệ của khu vực, Sở Quy hoạch kiến trúc đã nêu ra các chương trình ưu tiên chiến lược của TPHCM.
Theo đó, định hướng các khu đô thị mới ưu tiên đầu tư gồm: Khu công nghệ cao tại Quận 9; Khu đô thị mới Thủ Thiêm Quận 2 (737 ha); Khu đô thị mới nam TPHCM; Khu đô thị mới Nam Thanh Đa; Khu đô thị Tây Bắc Thành phố (6.000 ha); Khu đô thị cảng Hiệp Phước-huyện Nhà Bè (3.900 ha, trong đó diện tích sông rạch khoảng 1.000 ha); Khu trung tâm hiện hữu mở rộng (930 ha).
Chương trình chống ngập và vệ sinh môi trường có: Dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè; dự án cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hủ-Bến Nghé-Kênh Đôi-Kênh Tẻ; dự án cải thiện môi trường Thành phố - Tiểu dự án rạch Hàng Bàng; dự án nâng cấp đô thị lưu vực Tân Hóa-Lò Gốm.
Các chương trình bảo tồn có một số dự án: Khu vực bảo tồn kiến trúc cổ trên địa bàn quận 1 và quận 3 (gồm: Bưu điện Thành phố, Bảo tàng lịch sử Việt Nam, trụ sở Ủy ban nhân dân Thành phố, Bảo tàng TPHCM, Bệnh viện Mắt); dự án Rừng ngập mặn Cần Giờ. Các chương trình nhà ở xã hội gồm: Khu chung cư Đông Hưng quận 12; Khu chung cư 99 Bến Bình Đông; Khu chung cư Bàu Cát-Tân Bình; khu chung cư Tân Mỹ-Tân Bình; Ký túc xá Đại học bách khoa và Đại học Quốc gia; Khu lưu trú công nhân và nhà ở thu nhập thấp Tân Nhựt-Bình Chánh…