Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh phong giáo sư, phó giáo sư danh dự chưa đúng

GD&TĐ - Việc Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh (Bộ Y tế) ban hành Quy định về phong giáo sư, phó giáo sư danh dự là chưa đúng với quy định hiện hành.

Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh phong giáo sư, phó giáo sư danh dự chưa đúng

Trước đó, ngày 14/9/2017, Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh Quyết định “Về việc ban hành Quy định về phong giáo sư, phó giáo sư danh dự”, Quyết định này do PGS.TS Trần Diệp Tuấn – Hiệu trưởng nhà trường ký ban hành với các quy định cụ thể như: Đối tượng được xét; tiêu chuẩn phong và thủ tục quy trình xét phong chức danh giáo sư, phó giáo sư danh dự.

Tuy nhiên, đối chiếu với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và sau khi xem xét các văn bản của Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh - cho thấy, văn bản quy định về việc phong giáo sư, phó giáo sư danh dự nêu trên là chưa đúng với quy định hiện hành.

Theo Khoản 1 Điều 13 Điều lệ trường đại học (Ban hành kèm theo Quyết định số: 70/2014/QĐ-TTg ngày 10/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ), chỉ cho phép hiệu trưởng trường đại học được trao tặng danh hiệu giáo sư danh dự, không có hình thức phong giáo sư danh dự và không có đối tượng là phó giáo sư.

Cụ thể, Khoản 1 Điều 13 Điều lệ Trường Đại học – có nêu: Hội đồng khoa học và đào tạo có nhiệm kỳ 5 năm theo nhiệm kỳ của hiệu trưởng, thực hiện nhiệm vụ tư vấn cho Hiệu trưởng về những công việc: đổi mới và phát triển chương trình đào tạo; định hướng phát triển nghiên cứu khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế; thẩm định chương trình đào tạo; xem xét công nhận chuyển đổi tín chỉ; kế hoạch hợp tác với cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu khoa học, cơ sở sản xuất kinh doanh, tổ chức và cá nhân ở trong nước, nước ngoài để triển khai các hoạt động liên quan đến đào tạo, khoa học và công nghệ; đề xuất danh sách thành viên hội đồng chức danh giáo sư cơ sở; bổ nhiệm các chức danh giáo sư, phó giáo sư trong trường; trao tặng danh hiệu giáo sư danh dự, tiến sĩ danh dự của nhà trường cho các cá nhân; lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng nhà trường; các phương thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của sinh viên; các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo và đảm bảo chất lượng đầu ra; đánh giá giảng viên, đánh giá chất lượng của trang thông tin điện tử, tạp chí, tập san khoa học công nghệ (nếu có), đánh giá việc tổ chức và quản lý đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ của các đơn vị trong trường.

Được biết, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cũng đã nhận khuyết điểm về việc này và sẽ có điều chỉnh để đúng với các quy định hiện hành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ