TPHCM: Hợp nhất nhà siêu mỏng chỉnh trang đô thị

GD&TĐ - Để hạn chế tình trạng nhà siêu mỏng, méo băm nát quy hoạch, TPHCM sẽ thí điểm việc giao đất nhỏ hẹp, không còn sử dụng cho chủ liền kề thông qua hình thức có thu tiền. Đây là giải pháp được nhiều người dân kỳ vọng sẽ tháo gỡ triệt để vấn nạn trên.

Một căn nhà có diện tích đất vỏn vẹn 6m2 trên đường Phạm Văn Đồng, quận Gò Vấp được chủ nhà tận dụng làm quán café.
Một căn nhà có diện tích đất vỏn vẹn 6m2 trên đường Phạm Văn Đồng, quận Gò Vấp được chủ nhà tận dụng làm quán café.

Tháo “nút thắt” nhu cầu - tài chính

Nhà siêu mỏng, siêu méo là câu chuyện không mới tại các tuyến đường chỉnh trang mở rộng tại TPHCM. Dù rất quyết tâm xử lý, nhưng sau mỗi lần chỉnh trang đô thị, hiện tượng nhà siêu mỏng, siêu nhỏ vẫn mọc lên. 

Để giải quyết triệt để, TPHCM vừa có văn bản xin Chính phủ cho phép thí điểm việc giao đất có thu tiền sử dụng đất thay cho hình thức giao đất có diện tích nhỏ hẹp, không còn sử dụng chung cho chủ đất liền kề để hợp khối theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất. Việc thay đổi hình thức giao đất, theo UBND TP là vì không phải người nào cũng có đủ khả năng đấu giá, hợp khối phần đất không thể sử dụng cạnh mình. 

Theo Sở Tài nguyên & Môi trường, hiện TPHCM có nhiều khu đất diện tích không đủ chuẩn quy hoạch đô thị. Nguồn gốc các khu đất này khá đa dạng. Những khu đất này hiện không còn sử dụng, nên chỉ có thể chuyển nhượng quyền cho chủ sử dụng đất liền kề có nhu cầu hợp khối. Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất này phải dựa trên cơ sở thỏa thuận hoặc không có tranh chấp, khiếu nại của các hộ có quyền lợi liên quan. 

Khảo sát hộ dân tại nhiều quận, huyện: Quận 1, 3, 7, Gò Vấp, Bình Thạnh và Phú Nhuận… của Sở TN&MT cho thấy, nhu cầu sử dụng đối với các khu đất nói trên để hợp khối với nhà ở hiện hữu của người dân tương đối nhiều. Tuy nhiên, vướng mắc duy nhất nằm ở chỗ không phải người sử dụng đất liền kề nào cũng có đủ khả năng tài chính để đấu giá và hợp khối. 

Nhìn nhận giải pháp thí điểm này là thực tế, KTS Hà Thiệu Phô - Giám đốc Công ty Kiến trúc Việt cho biết: “Đề xuất thí điểm trên cá nhân tôi cho là ổn. Vì nó thỏa mãn được cả hai chiều, giữa chủ đất với người có nhu cầu sử dụng. Giữa cơ quan Nhà nước với người được giao, cho thuê sử dụng. Nút thắt tài chính được tháo gỡ thì nút thắt giải tỏa, chỉnh trang đô thị cũng sẽ được người dân hài lòng chấp thuận”. 

Vẫn cần những hướng dẫn và tháo gỡ

Mới đây Sở TN&MT tiếp tục kiến nghị UBND TPHCM có văn bản gửi Thủ tướng yêu cầu Bộ TN&MT khẩn trương hoàn thiện một số điều của Luật Đất đai, trong đó có nội dung về đất xen cài. 

Thực tế, trước đó tháng 3/2017, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng với nội dung đồng ý về nguyên tắc với đề xuất của Bộ TN&MT (dựa trên các kiến nghị của UBND TPHCM). Qua đó, giao Bộ TN&MT phối hợp với UBND TPHCM và các cơ quan liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thí điểm việc giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất đối với phần diện tích đất liền kề có diện tích hình thể nhỏ hẹp cho chủ sử dụng đất liền kề trên địa bàn TPHCM.

Ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Sở TN&MT nhìn nhận, nhà méo mó còn tồn tại là vì các quy định còn chưa đầy đủ và rõ ràng. Vì vậy, theo ông Thắng, việc sớm ban hành quy định về đất xen cài sẽ giúp TPHCM tháo gỡ nhiều vướng mắc trong việc triển khai các dự án đang thực hiện. Qua đó, đẩy mạnh tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công, góp phần chỉnh trang không gian đô thị, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Ông Trần Trung Quân - Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Trung Quân, Quận 9, TPHCM cho rằng, giải pháp thí điểm ở khía cạnh tích cực khá ổn. Vì nó đáp ứng được tương tác, giao dịch giữa hai phía. 
Tuy nhiên, từ văn bản đến thực tế theo ông Quân lại là vấn đề không đơn giản. Bởi thực tế những diện tích đất sau giải tỏa còn quá nhỏ, không thể xây dựng hay sử dụng phần nhiều đều có vị trí đắc địa. Vì vậy, ngoài giải pháp thu hồi, giải tỏa trắng, phần đất dùng chung… những phần đất còn lại đấu giá ra sao, xác định giá trị đất thế nào để làm căn cứ cho thuê, giao đất có thu tiền sử dụng đất cần phải có quy định rõ ràng. 

Thực tế, thời gian qua các cơ quan quản lý Nhà nước đang lúng túng trong việc xử lý quỹ đất thuộc Nhà nước quản lý xen cài trong dự án nhà ở, khu dân cư, hộ dân…. Việc phân loại quỹ đất thuộc Nhà nước quản lý xen cài trong dự án nhà ở, khu dân cư, khu dân cư tập thể… cũng đang còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA), Chính phủ cần sớm tháo gỡ các vướng mắc, chồng chéo, mâu thuẫn trong một số quy định pháp luật và xây dựng.

“Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung cần có quy định về hình thức “giao đất” đối với thửa đất do Nhà nước quản lý xen cài trong dự án nhà ở, khu dân cư. Với những thửa đất diện tích nhỏ, không thể sử dụng hoặc quy hoạch xây dựng thì nên có quy định chung về đấu giá (nếu của Nhà nước) hoặc cơ sở xác định giá (với đất tư) để làm cơ sở định giá để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Tháo gỡ tốt điểm nghẽn trên thì công tác đầu tư chỉnh trang đô thị sẽ hết vướng” - ông Châu chia sẻ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...