Triển khai đồng loạt nhiều dự án trọng điểm
Sở GTVT TPHCM vừa trình đề án phát triển hạ tầng từ năm 2021 - 2030 với nhiều mục tiêu trọng điểm. Theo đề án, tổng nhu cầu vốn cần phải có khoảng hơn 904.293 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách là hơn 438 nghìn tỉ đồng. Các nguồn vốn khác là hơn 465 nghìn tỉ đồng.
Trong đề án, giai đoạn 2020 - 2025, Sở GTVT đề xuất triển khai 3 tuyến cao tốc chính gồm: TPHCM - Mộc Bài (xây dựng mới), TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và TPHCM - Trung Lương (mở thêm làn ô tô). Tập trung các tuyến quốc lộ 1A phía Nam, quốc lộ 13, quốc lộ 22, quốc lộ 50 - đường song hành quốc lộ 50. Tập trung các dự án đầu tư xây dựng các tuyến đường vành đai 2 và vành đai 3.
Giai đoạn 2020 - 2025, tập trung nguồn lực đầu tư 7 đường trục chính đô thị. Đó là các đoạn ngã tư Bảy Hiền - Âu Cơ. Đoạn từ nút giao Thoại Ngọc Hầu - Vành đai trong đến nút giao Vành đai trong - đường số 29. Đoạn từ Kinh Dương Vương (khu vực đường Đỗ Năng Tế) đến Nguyễn Văn Linh. Đường song song quốc lộ 50. Đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa. Cầu đường Nguyễn Khoái và cầu đường Bình Tiên…
TP cần đầu tư 5 tuyến đường trên cao gồm tuyến số 1 dài khoảng 9,5km, tuyến số 2 dài khoảng 11,8km, tuyến số 3 dài khoảng 8,1km, tuyến số 4 dài khoảng 7,3km và tuyến số 5 dài khoảng 34km từ nút giao Trạm 2 (quận Thủ Đức) đến An Lạc (quận Bình Tân). Đồng thời, triển khai xây dựng 4 cây cầu có quy mô lớn vượt sông gồm cầu Thủ Thiêm 3 và Thủ Thiêm 4, cầu Cát Lái và cầu Cần Giờ.
Các dự án đầu tư hạ tầng quan trọng đã được phê duyệt thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương trên địa bàn, Sở kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho phép huy động theo phương thức đối tác công tư để sớm hoàn thành.
Thực tế, hạ tầng đô thị TPHCM đã và đang phải đối mặt với áp lực quá tải vô cùng lớn. Thống kê của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, từ năm 1993 - 2018, TP có khoảng 770 dự án khu dân cư mới, tổng diện tích khoảng 5.673ha, thu hút hơn 2 triệu người đến sinh sống. Trong khi đó, hạ tầng không theo kịp tốc độ đô thị hóa, khiến TP luôn đối mặt vấn nạn ngập úng, ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Cần huy động nguồn lực bằng nhiều cách
Nhìn nhận thực tế mà hạ tầng đô thị đang phải đối, đại diện Sở GTVT cho biết, việc phát triển hệ thống giao thông TP hiện đang rất chậm so với quy hoạch. Giai đoạn 2016 - 2021, TP mới đầu tư được 12.600 tỉ đồng (đạt 27%) cho các công trình giảm ùn tắc giao thông. Nhiều dự án giao thông triển khai chậm là do kinh phí giải phóng mặt bằng, tỉ lệ điều tiết ngày càng thấp, trước kia là 35%, nay còn 18%.
Hiện TP có 7 nhóm giải pháp để giải quyết ùn tắc và tai nạn giao thông. Song với tỉ lệ tăng cơ học về dân số và phương tiện tăng nhanh, đòi hỏi TP phải có nền tảng hạ tầng giao thông đô thị tương xứng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Được biết, trong kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông ngắn hạn 2021 - 2025, TPHCM đang ưu tiên phát triển tám tuyến đường sắt đô thị. Nếu các dự án trọng điểm trên "về đích" đúng tiến độ, diện mạo giao thông TPHCM năm 2025 sẽ có sự thay đổi nhất định.
TS Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM cho rằng, thành phố đang triển khai nhiều chương trình đột phá về giảm ùn tắc giao thông và phát triển đô thị. Tuy nhiên, để việc phát triển hạ tầng phù hợp với nhu cầu thực tế, TP nên mạnh dạn phác thảo một đề án mang tính tổng thể và toàn diện hơn.
"Nếu dựa vào những gì mục tiêu đề án đề ra như phải xây dựng xong 8 tuyến metro, song song đó là phát triển và hoàn thành các tuyến đường xuyên tâm, vành đai trong thời gian 10 năm, tôi e rằng số tiền thật sự cần đầu tư rất lớn. Có thể riêng các hạng mục trên đã chiếm gần hết số tiền dự kiến 900.000 tỉ đồng" - TS Võ Kim Cương nhận định.
Tại buổi làm việc với TP về các dự án giao thông trọng điểm, dự án ODA sắp triển khai, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, các bộ, ngành và TPHCM cần tranh thủ thời gian để được hưởng ưu đãi. Nhanh chóng phát hiện các hiệp định vay sắp hết hạn để kịp thời gia hạn. Hoàn tất thủ tục nội bộ trước khi yêu cầu phía nhà tài trợ gia hạn vốn vay.
Phó Thủ tướng lưu ý TPHCM cần cân nhắc vốn vay, tính đến hiệu quả của các dự án thuộc danh mục, kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2026. Bởi thực tế, nhiều địa phương vay vốn ODA làm các dự án nhưng cũng có một vài dự án chưa hiệu quả.
Để các dự án hiệu quả, TS Nguyễn Kim Cương cho rằng, ngoài việc tập trung hoàn thành các tuyến metro, TP cũng nên phát triển các tuyến đường lớn mới đem lại hiệu quả kinh tế và kết nối vùng cao. Đó là các tuyến như đường kết nối với sân bay Long Thành. Vùng kinh tế trọng điểm khu vực Đông Nam Bộ là Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.
"900 nghìn tỉ đồng là số tiền rất lớn trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt rất nhiều khó khăn và thách thức. Vì vậy, TP nên kêu gọi các nguồn lực đầu tư từ nước ngoài, tập đoàn kinh tế lớn để khai thác kinh phí phát triển đô thị mới sẽ mang lại hiệu quả cao hơn" - TS Nguyễn Kim Cương nói.