Giữ lửa tình yêu nghề giáo: Nhóm chút than hồng thành ngọn lửa

GD&TĐ - Rất nhiều thầy cô đang “truyền lửa” cho HSSV theo cách riêng. Chính tình yêu nghề đã trở thành động lực mãnh liệt, giúp họ vượt qua những thời khắc nản lòng, khó khăn trong cuộc sống để neo lại với nghề.

Thầy Hồ Sỹ Hùng – GV Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An.
Thầy Hồ Sỹ Hùng – GV Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An.

Sự nghiệp và sứ mệnh của nghề giáo vô tận; nó là thứ ánh sáng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác mà không bao giờ tắt…

TS Lê Thị Giao Chi  - Trưởng khoa Sư phạm Ngoại ngữ, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng): Cả người dạy và người học đến trường là phải vui

Tôi thường so sánh nghề giáo cũng như người làm vườn. Trong mảnh vườn của mình, có những loài cây chịu hạn, mình không tưới nó cũng sống. Nhưng có cây cần sự chăm chút cẩn thận. Có cây lớn nhanh nhưng cũng có cây lớn chậm; có chỗ trồng được hoa nhưng cũng có vị trí chỉ trồng được cây cảnh.

Cũng như học trò của mình, mỗi em có điều kiện kinh tế, hoàn cảnh gia đình và tâm thế bước vào trường khác nhau. Có em vào đúng ngành học mình yêu thích, cũng có em chỉ vì bố mẹ muốn học nghề này, có em vì không thể đi học xa mà phải chọn. Phải hiểu học sinh của mình, có cách tác động để các em thấy đến trường là một niềm vui. Người giảng viên cũng phải chọn cho mình niềm vui khi đến trường mỗi ngày. Nghề mình theo đuổi mà mình không truyền được tình yêu nghề thì mình thất bại.

Giữ lửa nghề giáo thực ra không quá khó nếu người dạy vững về chuyên môn, thực sự yêu nghề. Yêu nghề, có lòng tự trọng nghề nghiệp, bản thân mỗi người làm nghề dạy học sẽ luôn có ý thức tự gia tăng tri thức. - TS Nguyễn Thị Hằng Phương

Tôi luôn ý thức rằng trong mỗi giờ lên lớp, mình phải truyền cho những giáo viên tương lai không chỉ kiến thức mà còn thêm cả tình yêu nghề, sự chuẩn mực trong tác phong sư phạm, phương pháp dạy học tích cực… thông qua ứng xử, cử chỉ, ánh mắt của mỗi giờ lên lớp… Những điều này, đều không có trong giáo trình, bài soạn giảng cũng không thể hiện được cái tâm của người thầy như thế nào, ảnh hưởng đến nghề nghiệp sau này của các em ra sao.

Những cố gắng của tôi chỉ cốt để sau này, khi trở thành giáo viên, các em sẽ yêu nghề bằng cả tấm lòng. Quan điểm giờ học là phải vui, phải có tiếng cười mà sinh viên sư phạm được thụ hưởng trong môi trường đại học sẽ giúp các em, khi trở thành giáo viên, tạo ra môi trường học mang tính hỗ trợ, xóa khoảng cách giữa thầy và trò.

Giảng viên, mà nhất là giảng viên đào tạo sư phạm, phải làm sao để mỗi ngày sinh viên đều có sự thôi thúc đến trường chứ không phải lên lớp chỉ vì sợ điểm danh. Các em phải có gì đó mang về sau một ngày học. Những kiến thức cần phải chuyển tải, tôi luôn gắn với hiện thực sinh động. Đó có thể là cách xử lý những tình huống sư phạm, kinh nghiệm biên dịch… mà không tiết học nào giống nhau. Nhờ vậy, kiến thức sinh viên nắm được đôi khi xa hơn bài giảng, các em cũng bớt đi những bỡ ngỡ khi đi thực tập và dạy học thực tế.

TS Lê Thị Giao Chi – Trưởng khoa Sư phạm Ngoại ngữ, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng).
TS Lê Thị Giao Chi – Trưởng khoa Sư phạm Ngoại ngữ, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng).

TS Nguyễn Thị Hằng Phương, Khoa Tâm lý - Giáo dục (Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng): Vòng tròn sẻ chia - kết nối

Tôi quan niệm rằng, một nhà giáo hạnh phúc, ngoài việc dạy tốt, được người học, đồng nghiệp tín nhiệm còn có những học sinh, sinh viên đi tiếp con đường dạy học như họ đã chọn. Ngoài ghi dấu ấn lên những người mà giảng viên đào tạo, họ còn truyền được lửa yêu nghề sang những thế hệ tiếp nối.

Tôi lập một nhóm có nguyện vọng làm nghiên cứu sinh để giới thiệu với giáo sư đã hướng dẫn tôi làm đề tài tiến sĩ. Chúng tôi chia sẻ với nhau nhiều kiến thức, phương pháp mới trong nghề nghiệp. Tôi thấy cô giáo của tôi rất hạnh phúc khi học trò cũ vẫn còn nhớ đến mình, còn giữ liên lạc, tham khảo ý kiến, kinh nghiệm của cô trong nghề nghiệp. Giáo sư và những nghiên cứu sinh do cô hướng dẫn đã tạo một vòng tròn kết nối và sẻ chia giữa các thế hệ người học, dưới sự dìu dắt của cô, để tạo nên những giá trị mới cho nghề nghiệp cũng như trong cuộc sống.

Giảng viên, để trở thành người truyền lửa thì phải có những giá trị tốt đẹp mà người học muốn học. Khi trở thành giảng viên trong môi trường đào tạo sư phạm, tôi đã hình dung làm sao để 5 năm, 10 năm sau, mình có một lớp học trò luôn muốn tìm về cô giáo cũ để chia sẻ, học hỏi thêm kinh nghiệm, cho dù có thể kiến thức, phương pháp dạy học của các em đã khác, hiện đại, hiệu quả hơn những gì tôi đang có. Như cách mà chúng tôi đang duy trì sợi dây kết nối với thầy cô giáo cũ của mình.

Kiến thức là vô hạn và thay đổi mỗi ngày, nếu không vững vàng về chuyên môn, người dạy dễ nản lòng khi vấp phải những vấn đề khó phát sinh từ thực tế dạy học. Và bạn không thể cho đi thứ mà bạn không có. Người dạy có sẵn sàng giao tiếp với người khác để có thêm thông tin, lắng nghe và học hỏi hay không.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, thu nhập từ nghề dạy học cùng với chế độ đãi ngộ chưa đủ để thu hút. Tôi không nghĩ như vậy, dù kinh tế cũng là một yếu tố quan trọng. Trong cuộc sống, chỉ cần mình biết đủ là đủ. Những người đầu quân cho giáo dục đại học đều sẽ có chung suy nghĩ rằng mình chọn con đường nghiên cứu chuyên sâu nên đây là môi trường phù hợp, không lãng phí thời gian đào tạo, và quan trọng hơn cả, họ thấy công việc của mình có ý nghĩa hơn.

TS Nguyễn Thị Hằng Phương, Khoa Tâm lý – Giáo dục (Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng).
TS Nguyễn Thị Hằng Phương, Khoa Tâm lý – Giáo dục (Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng).

Thầy Hồ Sỹ Hùng - Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An: Thầy nỗ lực, trò mới thêm cố gắng

Tôi may mắn và có nhiều thuận lợi khi dạy tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, khi chất lượng học sinh đã được khẳng định, các em có đam mê và nỗ lực theo đuổi môn chuyên của mình. Nhưng đổi lại, giáo viên cũng sẽ gặp nhiều áp lực để làm sao phát triển, đồng hành, giúp học sinh đạt được ước mơ, khát vọng của mình.

Hành trình ôn thi học sinh giỏi quốc gia, hay chinh phục huy chương Olympic quốc tế không hề dễ dàng, thậm chí phải hi sinh, đánh đổi nhiều thời gian đối với cả thầy lẫn trò. Học sinh vào trường chuyên, qua thời gian sẽ chia làm 2 xu hướng: Theo đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, Olympic quốc tế, hoặc phấn đấu đạt điểm cao xét tuyển đại học. Khi mới nhập học, các em đều ngang bằng nhau về vạch xuất phát, dù điểm đầu vào có chênh lệch.

Tuy nhiên, điểm số đó chưa phải là tất cả, mà còn qua nhiều bài kiểm tra, đánh giá khác. Trong quá trình đó, giáo viên cũng là người quan sát về tinh thần, thái độ học tập, khả năng phát triển, sức bật của từng em qua mỗi lần khảo sát. Giống như đi bừa ruộng, sau khi bừa một lượt, gốc rạ nào trỗi được dậy thì tiếp tục phát triển. Ngược lại, nếu gốc rạ nào nằm rạp xuống, không có lực thì sẽ rút lui. Và mỗi khóa, chỉ có 10 - 12 học sinh vào đội tuyển - là những em có tư duy đột phá.

Hai lần đưa học sinh dự thi Olympic Toán học quốc tế là trải nghiệm đặc biệt của tôi cùng với em Nguyễn Cảnh Hoàng, đoạt Huy chương Vàng năm 2017 và em Vũ Đức Vinh (Huy chương Bạc năm 2019). Thật xúc động và cũng hết sức vui mừng vì thầy trò chúng tôi đã tạo được những dấu ấn nhất định trong sự phát triển của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Chiến thắng ở các kỳ thi, cũng góp phần khẳng định được hình ảnh của toán học tỉnh Nghệ An và tạo động lực cho đội tuyển các năm sau có tự tin khi bước ra các diễn đàn trong nước, quốc tế.

Ở các kỳ thi Olympic quốc tế, điều thú vị là đề thi mỗi năm đều có “mới”, không có sự trùng lặp, bắt buộc thí sinh phải tư duy, sáng tạo. Thầy cô vì thế không thể là cuốn giáo án cũ, duy nhất, mà phải cập nhật thông tin thường xuyên, thu thập nguồn tài liệu cho học sinh. Trong quá trình dạy, tôi cũng như những giáo viên khác trong tổ bồi dưỡng phải tự thay đổi mình: Mạnh dạn nâng cấp hệ thống bài, mời thêm các chuyên gia về để tập huấn, nâng cao trình độ. May mắn là trong quá trình này, chúng tôi nhận được sự ủng hộ của nhà trường đã tạo các điều kiện tốt nhất để chúng tôi có cơ hội phát triển.

Cô Ngũ Hà Trang - GV Lịch sử Trường THPT Lê Lợi, huyện Tân Kỳ (Nghệ An): Nuôi lớn lửa đam mê nghề giáo

Cô Ngũ Hà Trang – GV Lịch sử Trường THPT Lê Lợi, huyện Tân Kỳ (Nghệ An).
Cô Ngũ Hà Trang – GV Lịch sử Trường THPT Lê Lợi, huyện Tân Kỳ (Nghệ An).

Năm học 2021 - 2022, tôi chính thức trở thành giáo viên Lịch sử Trường THPT Lê Lợi (huyện Tân Kỳ, Nghệ An). Đây là niềm vui lớn khi bản thân chỉ vừa tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trước đó hơn 2 tháng.

Khi còn là học sinh, tôi có tiền đề khá thuận lợi khi đoạt Nhất, Nhì học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử năm lớp 11, 12. Thời điểm đó, tôi có nhiều lựa chọn trước ngưỡng cửa đại học và từng băn khoăn giữa sư phạm hay luật. Nhưng sau đó, tôi đã chọn vào Khoa Sư phạm Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội theo ước mơ và đam mê với môn học này.

Một lý do khác là khi còn đi học, tôi được thầy cô truyền lửa đam mê học tập. Đặc biệt, là những bài giảng sinh động, cảm xúc, thúc đẩy bản thân tìm hiểu sâu hơn nữa về lịch sử hơn cả một môn học trong chương trình phổ thông. Khi học sư phạm, đó là môi trường tuyệt vời với những giảng viên tâm huyết, mẫu mực, nhiệt tình. Các thầy cô đã truyền lửa tình yêu nghề giáo cho sinh viên sư phạm chúng tôi, cùng với kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ khác.

Sau khi tốt nghiệp, quay trở về Nghệ An và được tuyển dụng là giáo viên Lịch sử tại Trường THPT Lê Lợi – ngôi trường vùng khó khăn của huyện miền núi Tân Kỳ (Nghệ An) tôi luôn cố gắng để bắt nhịp. Bởi học sinh ở đây chủ yếu là con em nông thôn, vùng khó khăn, còn nhiều thiếu thốn, vất vả. Không có một khuôn mẫu bài giảng nào cho các lớp, học sinh khác nhau, tình huống sư phạm khác nhau.

Càng tiếp xúc với học sinh, tôi càng cảm nhận rõ hơn vai trò của người giáo viên và trân trọng nghề mình theo đuổi. Đang ở tuổi trẻ nhiệt huyết, say mê cống hiến, bản thân tôi luôn nỗ lực nâng cao chuyên môn, không ngừng học hỏi ở các thầy cô đi trước, đồng nghiệp có nhiều kinh nghiệm. Tiếp cận những đổi mới của giáo dục, tìm ra phương pháp dạy gây hứng thú với học sinh. Tham gia các khóa học mở rộng kĩ năng, phương pháp dạy học mới. Đặt ra cho mình mục tiêu thành tích trong tương lai như giáo viên giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia... Tiếp thu ý kiến đóng góp của học sinh để điều chỉnh cách dạy và có động lực trong nghề.

Bước chân vào nghề giáo, tôi luôn ý thức bản thân phải giữ lửa đam mê với nghề. Bởi đây là nghề sẽ theo mình đến suốt cuộc đời. Sẽ có thời điểm mình cảm thấy vất vả, áp lực, hoặc không thể giữ mãi mãi nhiệt huyết ban đầu. Nếu không tự tạo động lực cho bản thân mình rất dễ nản chí và bỏ nghề. Với môn Lịch sử có đặc thù vừa dễ lại vừa khó. Muốn học sinh yêu mến môn học, bản thân người dạy phải luôn nhiệt huyết, tâm huyết và đổi mới sáng tạo. Nếu không giữ lửa thì mục tiêu giáo dục ban đầu mất dần đi, nếu có người thắp lửa mà không giữ ngọn lửa đó sẽ không có một ánh sáng hi vọng nào cả. - Cô Ngũ Hà Trang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.