(GD&TĐ)- Phấn đấu giai đoạn 2010-2015, TP.Hà Nội có trên 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; giai đoạn 2016-2020 có 70% xã đạt chuẩn và định hướng đến năm 2030, sẽ hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới ở 401 xã, đạt 100%.
Lễ phát động “toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” được tổ chức tối 9/9. Ảnh, gdtd.vn |
Đồng chí Nguyễn Công Soái- Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội- Trưởng BCĐ Chương trình 02-CTr/TƯ khóa XV (giai đoạn 2010-2015) đã nhấn mạnh mục tiêu trọng điểm trong kế hoạch đã đề ra của TP.Hà Nội tại lễ phát động “toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” do Uỷ ban MTTQ Thành phố phát động tối ngày 9/9 nhằm hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng chí Phạm Quang Nghị- Ủy viên Bộ Chính trị- Bí thư Thành ủy Hà Nội đã dự buổi lễ. Buổi lễ còn có ông Nguyễn Thế Thảo- Ủy viên Trung ương Đảng- Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, Nguyễn Vinh Hiển- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT và đông đảo lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương và Thành phố; lãnh đạo, đại biểu đại diện các huyện, thị xã của Thành phố, các doanh nghiệp ủng hộ cho phong trào, hơn 2.000 đại biểu quần chúng nhân dân Thành phố cùng dự.
Khẳng định vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế- xã hội bền vững, bảo đảm ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; Đồng thời để đạt được mục tiêu kế hoạch trên đây, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái đã phát động phong trào “toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” với 4 yêu cầu cụ thể như sau:
Đồng chí Nguyễn Công Soái. Ảnh, gdtd.vn |
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và mỗi cán bộ Đảng viên, hội viên phải coi trọng công cuộc “xây dựng nông thôn mới” vừa là mục tiêu, yêu cầu phát triển biền vững, vừa là nhiệm vụ cấp bách, là chủ trương có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp Cách mạng của Đảng, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Tăng cường thông tin, tuyên truyền, cùng với việc thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch cụ thể của các ngành, các cấp, các địa phương, đơn vị; đồng thời đẩy mạnh cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới”; phát động phong trào thi đua “toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với thực hiện cuộc vận động thi đua yêu nước “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nhằm tạo sự đồng thuận và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân hăng hái tham gia, góp sức người, sức của xây dựng nông thôn mới.
Phải thực sự phát huy dân chủ, có lộ trình, bước đi, giải pháp cụ thể, phù hợp; khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại; chủ quan, duy ý chí. Các mục tiêu, nhiệm vụ, các dự án xây dựng nông thôn mới phải được công khai để nhân dân thảo luận, quyết định, giám sát và trực tiếp tham gia thực hiện. Tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, lãng phí, thất thoát.
Tập trung các nguồn lực của Nhà nước và xã hội đầu tư xây dựng nông thôn mới trên tinh thần: “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong đó, nguồn lực đầu tư của Nhà nước là quan trọng, nguồn lực đầu tư, đóng góp tại chỗ của nhân dân, của xã hội là yếu tố quyết định sự thành công.
Cấp ủy Đảng, chính quyền từ Thành phố tới xã cần tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa; khẩn trương hoàn thành việc xây dựng, ban hành và hướng dẫn thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách đề ra trong Nghị quyết và Chương trình hành động về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Đại biểu Trung ương và Thành phố dự buổi lễ. Ảnh, gdtd.vn |
Hưởng ứng phong trào “toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, ngay tại Lễ phát động, Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm Lê Văn Thư đã nêu ra mục tiêu cụ thể của huyện nhà đến năm 2015: phấn đấu 80% xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới; duy trì tốc độ tăng giá trị sản xuất hàng năm đạt 15-16%, phấn đấu đạt giá trị 250 triệu đồng/ha đất nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 45 triệu đồng/năm cùng với việc đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững trật tự, anh ninh- quốc phòng…
Buổi Lễ cũng đã biểu dương các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, tập thể, cá nhân đã tích cực xây dựng nông thôn mới; đồng thời vinh danh 38 doanh nghiệp đã đăng kí chung tay góp sức, ủng hộ phong trào xây dựng nông thôn mới của Thành phố với số tiền 213 tỷ đồng.
Trong khuôn khổ buổi lễ, 24 đơn vị, địa phương của TP.Hà Nội đã kí cam kết thi đua quyết tâm phấn đấu, thực hiện hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, vì mục tiêu xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Hà Nội đã triển khai thí điểm mô hình nông thôn mới tại xã Thụy Hương (Chương Mỹ) và 3 xã khác được chọn làm mô hình điểm của Thành phố thuộc các huyện Đan Phượng, Sóc Sơn và Thanh Trì. Sau 2 năm triển khai, các xã này đã thu được những thành tựu đáng kể. Hiện xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ) Hà Nội là mô hình điểm của Trung ương về xây dựng nông thôn mới. Hà Nội phấn đấu đến cuối năm nay xây dựng xã Thụy Hương đạt 18/19 tiêu chí nông thôn mới (riêng tiêu chí về hộ nghèo hoàn thành vào cuối năm 2012). Đây chính là những tiền đề quan trọng để Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung hình thành được mô hình nông thôn mới, tiến tới áp dụng, xây dựng thành công chương trình xây dựng nông thôn mới trên cả nước. |
Những khoảnh khắc đẹp tại Lễ phát động:
Các cơ quan đơn vị, địa phương của TP.Hà Nội kí cam kết thi đua. Ảnh, gdtd.vn |
Đồng chí Phạm Quang Nghị cùng lãnh đạo Thành phố tặng hoa 38 doanh nghiệp đã đăng kí chung tay góp sức, ủng hộ phong trào xây dựng nông thôn mới. Ảnh, gdtd.vn |
Màn nghệ thuật tổng hợp đặc sắc mở đầu cho buổi Lễ phát động. Ảnh, gdtd.vn |
Tiết mục múa có tính ước lệ cao, đậm chất dân gian- nông ngiệp Ảnh, gdtd.vn |
Ảnh, gdtd.vn |
Màn nghệ thuật tổng hợp mô phỏng nếp sinh hoạt của nông thôn đang ngày càng đổi mới. Ảnh, gdtd.vn |
Ảnh, gdtd.vn |