TP Hồ Chí Minh: Doanh nghiệp than khó vì giấy đi đường

GD&TĐ - Ngày 25/8, UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, một số nhóm đối tượng được ra đường sẽ phải thay mẫu giấy đi đường mới. Giấy này do Phòng PC08 hoặc công an quận, huyện, TP Thủ Đức, phường, xã, thị trấn cấp.

CSGT TPHCM kiểm tra giấy đi đường một người dân.
CSGT TPHCM kiểm tra giấy đi đường một người dân.

Trở tay không kịp với sự thay đổi liên tục

Nói về vấn đề trên, ông Trương Tiến Dũng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn, Phó Chủ tịch Hội Lương thực, Thực phẩm TPHCM - cho biết: Ngày 22/8, Sở Công Thương TP đã tích cực cấp giấy đi đường cho các doanh nghiệp (DN). Nhưng do mẫu giấy cấp bị thay đổi nên có nhiều DN không kịp trở tay. Đến sáng 23/8, các DN mới được cấp lại mẫu giấy mới, hợp lệ.

Tuy vậy, ngày 24/8 TP lại một lần nữa thay đổi mẫu giấy đi đường mới với yêu cầu chậm nhất trước 0 giờ ngày 25/8 thì chúng tôi thật sự không thể nào xoay kịp cho người lao động.

Ngoài việc thay đổi mẫu giấy đi đường liên tục trong thời gian ngắn, việc TP giảm quy mô và số lượng giấy đi đường cấp cho các đơn vị, DN xuống mức thấp nhất đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các DN.

Ông Lê Phúc Hiền - Tổng Giám đốc Nhà máy nước B.O.O Thủ Đức - cho biết: Ở công văn trước số lượng giấy đi đường được cấp không bó buộc nhưng ở công văn mới nhất (2850) số lượng giấy đi đường được cấp đã giảm ở mức thấp nhất.

Toàn nhà máy được cấp 5 giấy đi đường. Một con số quá ít so với yêu cầu nhân lực cho công việc. Trước mắt, nhà máy phải ưu tiên cho nhân viên bảo trì đường ống cấp nước và vận hành, xử lý trạm bơm nước.

Bà Lê Hạnh Trần - Tổng Giám đốc một DN về thủy hải sản tại TP Thủ Đức - cho biết: Công ty của bà ngoài lực lượng sản xuất đã bố trí “3 tại chỗ” tạm ổn, công ty có 40 nhân viên làm nhiệm vụ phân phối hàng trực tiếp đến các siêu thị và 20 nhân viên giao vận.

Thế nhưng với công văn mới, DN tôi chỉ được Sở Công Thương TP cấp cho 5 phiếu đi đường cho khâu giao vận nên DN đang cực kỳ khó khăn. Mọi hoạt động phân phối, điều chuyển hàng gần như “đóng băng” khi số nhân lực được cho phép ra đường quá ít.

Cần sự điều chỉnh và linh hoạt hơn

Theo quy định của TP, để làm hồ sơ xin cấp phép đi đường, các đơn vị phải thực hiện các khâu gồm: Đơn đăng ký cấp giấy đi đường; bản scan, bản chụp giấy chứng nhận đăng ký DN; bản chụp thông tin cơ bản và ngành nghề hoạt động: DN có thể tra   cứu theo mã số thuế (MST) của đơn vị mình tại https://dangky  kinhdoanh.gov.vn/vn/Pages/ Trangchu.aspx; danh sách chi tiết nhân viên đăng ký cấp giấy đi đường; tài liệu chứng minh có đơn hàng xuất khẩu - nhập khẩu trong thời gian từ ngày 23/8/2021 đến 6/9/2021.

Sau khi khai báo đầy đủ, các đơn vị, DN phải điền đầy đủ, ký tên, đóng dấu… và gửi 5 tài liệu nêu trên về email phụ trách địa bàn thuộc Phòng Quản lý xuất nhập khẩu - Sở Công Thương TP để được hỗ trợ cấp giấy lưu thông cho nhân viên.

Theo ông Trần Bá Phương - Trưởng bộ phận Marketing của một công ty chuyên về ngành hàng thực phẩm tại quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh thì với các yêu cầu và quy định như trên, cùng việc TP đang lập nhiều vòng rào chắn khắp các tuyến, quận, huyện thì việc DN xoay xở giấy đi đường trong vòng 1 ngày như điều chỉnh vừa qua của TP là vô cùng nhọc nhằn.

Trước sự thay đổi chóng mặt từ TP, nhiều DN cho rằng: TP cần linh động hơn trong các quy định. Với những DN sản xuất hàng hóa không thiết yếu và chỉ giao hàng theo đơn đã chốt, TP có thể linh động cấp trước hoặc sau giấy đi đường để tránh ùn ứ.

Nhưng với ngành hàng sản xuất thực phẩm tươi sống phải thực hiện giao hàng cho siêu thị hàng ngày, hay những DN sản xuất nhưng kết hợp với mô hình thương mại, có nhân viên bán hàng tại các siêu thị, các công ty logistics… thì TP cần linh động cấp giấy đi đường theo số lượng phù hợp chứ cứ cứng nhắc 5 giấy 1 đơn vị thì không DN nào có thể bảo đảm sản xuất.

Trao đổi về việc này, đại diện Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ, Sở Công Thương TP, cho biết, để giải quyết vấn đề trên, ngay trong ngày 24/8 khi TP ban hành Công văn 2850 với yêu cầu mẫu giấy đi đường mới thay cho Công văn 2800, Sở Công Thương TP cũng đã công khai phương thức đăng ký trực tuyến, bằng cách gửi đường link tới DN.

Trong đó, hướng dẫn cụ thể những trường hợp nào thuộc thẩm quyền cấp phép của sở hoặc quận, huyện để DN biết và đăng ký. Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc thay đổi gấp gáp trên khiến không chỉ DN mà bản thân sở cũng gặp nhiều khó khăn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ