PV: Theo quy chế tuyển sinh đào tạo trình độ TC-CĐ đã được sửa đổi, cho phép HS tốt nghiệp THCS được học và lấy bằng CĐ. Đến nay, nhà trường đã áp dụng chương trình tuyển sinh cho đối tượng này thế nào, thưa ông?
- Theo Thông tư 07/2019/TT-BLĐTBXH ngày 07/3/2019 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), các trường CĐ được phép tuyển sinh HS tốt nghiệp THCS và tổ chức đào tạo liên thông lên trình độ CĐ. Tuy nhiên, việc tổ chức đào tạo liên thông từ TC lên trình độ CĐ cũng đã được thực hiện từ những năm trước tại HIAST theo các quy định của Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH.
Đối với đối tượng HS tốt nghiệp THCS, HIAST tổ chức đào tạo kiến thức và kỹ năng giáo dục nghề nghiệp bậc TC theo khung trình độ quốc gia với thời lượng 50 tín chỉ. Song song đó, Trường cũng tổ chức giảng dạy văn hóa phổ thông theo quy định của Bộ GD&ĐT. Vào đầu khóa học, nhà trường sẽ tư vấn phụ huynh, học sinh (PH-HS) để quyết định lựa chọn hình thức học văn hóa phổ thông:
* Học văn hóa phổ thông theo Thông tư 16/2010/TT-BGDĐT ngày 28/6/2010, quy định chương trình khung TC chuyên nghiệp do Nhà trường tổ chức, để được cấp bảng điểm và chứng nhận hoàn thành chương trình văn hóa phổ thông theo quy định cùng với bằng tốt nghiệp TC;
* Học văn hóa phổ thông theo chương trình Trung học phổ thông hệ Giáo dục thường xuyên của Bộ GD&ĐT, do Trung tâm Giáo dục thường xuyên tại địa phương phối hợp giảng dạy, để đủ điều kiện tham dự kỳ thi THPT quốc gia. Nếu đạt kết quả sẽ được nhận văn bằng THPT quốc gia cùng với bằng tốt nghiệp TC.
Như vậy, cùng với hoàn thành chương trình giáo dục nghề nghiệp được cấp bằng TC và được học hoàn thành chương trình văn hóa phổ thông theo quy định của Bộ GD&ĐT, HS tốt nghiệp hoàn toàn đủ điều kiện học tiếp ngay lên trình độ CĐ.
TS Nguyễn Cảnh Cam - Hiệu trưởng, Trường CĐ Kinh tế - Công nghệ TPHCM |
* Theo ông, khi triển khai chương trình đào tạo cho HS tốt nghiệp THCS, các trường CĐ nghề gặp những thuận lợi và khó khăn nào?
- Việc đào tạo nghề đối với HS tốt nghiệp THCS gặp nhiều khó khăn hơn so với HS tốt nghiệp THPT. Đối tượng HS tốt nghiệp THCS có độ tuổi 15, còn hạn chế về nhận thức nên rất cần vai trò tham vấn, hỗ trợ từ phía phụ huynh và thầy cô. Đào tạo nghề đối với HS tốt nghiệp THCS cần có chương trình, kế hoạch phù hợp để lôi cuốn HS, đồng thời công tác hỗ trợ, tư vấn, quản lý HS cũng phải được thực hiện cụ thể, tỉ mỉ, bám sát HS thường xuyên và liên tục.
Trước hết, các Trường cần phải xây dựng chương trình đào tạo khoa học, xác định rõ hướng đào tạo nghề nghiệp, đặt biệt dành thời lượng lớn bố trí thực hành, thực tập, thực tế doanh nghiệp, sản xuất. Đội ngũ giáo viên cần am hiểu sâu về nghề nghiệp chuyên môn và kiến thức, kỹ năng giảng dạy HS, có kinh nghiệm thực tế và quan hệ với các doanh nghiệp sản xuất để tham gia thực hiện chương trình đào tạo hướng nghiệp của trường.
Bố trí thời lượng và lịch giảng dạy cân đối và hợp lý giữa đào tạo nghề với học văn hóa phổ thông, tránh để HS nhàm chán do phải học cùng lúc quá nhiều kiến thức lý thuyết văn hóa phổ thông tại lớp.
* Thực tế đã có rất đông HS tốt nghiệp THCS tham gia học tại các trường CĐ, nhưng tỷ lệ “rơi rụng” cũng nhiều. TS có thể đưa ra lời khuyên nhằm giúp PH- HS chuẩn bị tâm lý tốt trong việc lựa chọn học nghề tại các cơ sở GDNN?
- Thực tế không chỉ là HS tốt nghiệp THCS học tại các trường CĐ “rơi rụng” nhiều, mà hiện nay, ngay cả HS tốt nghiệp THPT học ĐH và CĐ cũng “rơi rụng” nhiều nữa. Đó là do hoạt động tư vấn hướng nghiệp chọn nghề đối với học sinh THCS, THPT chưa hiệu quả cao, còn thiếu đồng bộ. Đặc biệt, đối với học sinh THCS, nhận thức, tầm nhìn còn hạn chế, các tố chất và sở trường của HS chưa bộc lộ rõ ràng.
Đối với HS bước vào chọn nghề, cả đối tượng THPT lẫn THCS, nên tư vấn cho các em chọn nghề trước, sau đó mới chọn trường, vì nghề nghiệp là thứ quan trọng gắn bó với công việc và cuộc sống của mỗi người.
* Thưa TS, cơ hội phát triển nghề nghiệp của những học sinh này như thế nào?
- Thực tế những năm qua, ngày càng có nhiều học sinh THCS, THPT đã chọn con đường học tập khác mà không vào ĐH ngay sau khi tốt nghiệp. Trong đó, học sinh tốt nghiệp THCS mạnh dạn hướng đến chọn học nghề theo chủ trương phân luồng của Nhà nước, cũng là một lựa chọn tốt. Các em hoàn toàn được học những kiến thức và kỹ năng trong môi trường đào tạo chuyên nghiệp, để hướng đến một nghề nghiệp vững vàng, đảm bảo vững chắc tương lai bản thân và gia đình.
Sau khi hoàn thành chương trình GDNN, các em có thể chọn con đường học tiếp ngay lên các trình độ cao hơn; hoặc chọn lựa con đường đi làm để có thu nhập chăm lo cuộc sống bản thân, đồng thời vẫn có thể học tiếp vươn lên trình độ nghề nghiệp cao hơn bất cứ lúc nào. Con đường phát triển sự nghiệp và bản thân các em hoàn toàn rộng mở, chỉ phụ thuộc và ý chí, nghị lực phấn đấu của các em.
* Xin cảm ơn TS!