Từ cổ chí kim, con người đã cố gắng tìm đủ mọi cách để đạt được sự bất tử, trẻ mãi không già: từ những huyền thoại như suối nguồn tươi trẻ hay những biện pháp khoa học viễn tưởng như đặt người vào trạng thái ngủ đông. Nhưng tuổi trẻ vĩnh cửu hiện vẫn chỉ là một giấc mơ.
Tuy nhiên, thế giới động vật lại dường như đã thành công trong việc “ngăn chặn” tuổi già. Có những loài động vật đã tồn tại trên Trái đất với khoảng thời gian khổng lồ mà không hề... lão hóa. Cùng điểm lại một vài loài động vật có khả năng “trường sinh bất lão” dưới đây.
1. Tôm hùm
Ít ai biết rằng, tôm hùm - món ăn khoái khẩu và xa xỉ của con người lại có tuổi thọ lớn đến nỗi khiến nhiều người phải kinh ngạc. Các chuyên gia đã khám phá ra rằng, tôm hùm trên thực tế không “già” đi mà chúng chỉ... to lên.
“Già” ở đây có thể hiểu là tôm hùm không bị yếu đi theo thời gian. Thay vào đó, chúng chỉ càng ngày càng to lên về kích cỡ.
Tôm hùm không hề gặp phải bất cứ vấn đề tuổi già nào của con người mà thậm chí lại càng khỏe hơn theo thời gian. Khi lớp vỏ ngoài trở nên quá nhỏ, cản trở sự phát triển, chú tôm đơn giản chỉ lột vỏ và tiếp tục lớn.
Người ta đã bắt được nhiều chú tôm hùm với kích cỡ khoảng 9 kg cùng độ tuổi đáng nể - lên đến 140 tuổi. Tuy nhiên, nếu tuổi của chúng tỉ lệ thuận với cân nặng và kích thước thì theo bạn, chú tôm hùm đạt kỉ lục Guiness với cân nặng đến 23 kg (được bắt vào năm 1926 tại Maine) sẽ thọ đến bao nhiêu tuổi?
2. Rùa
Trong thế giới động vật, loài rùa nổi tiếng với tuổi thọ đáng nể của mình. Tuy nhiên một điều thú vị mà bạn có thể chưa biết đó là rùa không già đi mà luôn giữ ở tuổi “vị thành niên”.
Về mặt sinh học, các nhà khoa học đã tìm ra rằng, không có điều gì khác biệt giữa một chú rùa trẻ tuổi và một con rùa già hơn 100 tuổi.
Điều này chỉ ra rằng, khi đạt đến mức độ trưởng thành hoàn toàn về chức năng sống, cơ thể chú rùa sẽ đột ngột dừng lại và không già đi nữa.
Bên cạnh nhiều cơ quan không hề lão hóa theo thời gian, các nhà nguyên cứu cũng tìm ra rằng, tim của rùa không phải luôn luôn đập theo phản ứng với các dây thần kinh, có lúc nó thậm chí còn không đập. Có vẻ như loài động vật chậm chạp này lại có khả năng... “tắt” tim của chúng đi khi chúng muốn.
Mặc dù vẫn có cá thể rùa chết song nguyên nhân lại không phải là tuổi tác. Những chú rùa có thể mất do bệnh tật, tai nạn hay yếu tố bên ngoài khác.
Với tuổi thọ “khủng” và khả năng sinh sản không giới hạn tuổi tác, loài rùa được xếp vào danh sách những loài sống thọ và dẻo dai nhất trên thế giới.
3. Cá voi Bowhead
Cá voi Bowhead là loài cá voi được ưu đãi với cái miệng lớn nhất trong tất cả các loài động vật. Không chỉ thế, chúng cũng được cho là loài thú có vú sống lâu nhất từng biết đến.
Các nhà khoa học từng nghĩ rằng, cá voi Bowhead chỉ có tuổi thọ vào khoảng 60 đến 70 năm. Tuy nhiên vào năm 2007, chú cá voi Bowhead bị bắt bởi người bản địa vùng Alaska đã chứng minh điều ngược lại.
Người ta tìm thấy trên lưng chú cá voi này phần đầu của một chiếc móc neo nổ - loại vũ khí được dùng từ thập niên 1890. Điều này có nghĩa là chú cá voi Bowhead đã bơi lội quanh đáy biển với thứ đồ cổ này trong khoảng 117 năm hoặc hơn thế nữa.
Các nhà khoa học ước tính, chú cá này sinh vào năm 1877, tức là nó được 130 tuổi tính đến lúc mất. Và nếu nó không bị bắt và sát hại thì có lẽ, nó đã có thể sống thêm khoảng 2 thế kỷ nữa.
4. Bọt biển thủy tinh
Nhiều người nghĩ rằng, bọt biển chỉ là một sinh vật đơn giản, thậm chí chúng là một loài thực vật chứ không phải động vật. Tuy nhiên không chỉ được liệt vào danh sách động vật chính gốc, tuổi thọ của loài bọt biển thủy tinh còn khiến bạn choáng váng khi số tuổi vượt xa con số... 10.000 năm.
Nhiều mẫu vật bọt biển thủy tinh còn sống đến ngày nay được cho là đã có tuổi đời lên đến 15.000 năm, biến chúng trở thành loài động vật “già” nhất trên hành tinh.
Chúng thậm chí còn già hơn các kim tự tháp hay cả nền văn minh nhân loại. Các nhà khoa học nghĩ rằng, loài bọt biển này đã có được vẻ ngoài hiện giờ từ khoảng 700 triệu năm trước. Chúng giữ nguyên dáng vẻ này và thảnh thơi sống đến tận bây giờ với mỗi cá thể có thể lên đến hàng nghìn tuổi.
5. Sứa Turritopsis Nutricula
Những loài sứa bình thường có vòng đời không dài, thường chỉ từ vài giờ đến vài tháng, một số loài sống được vài năm. Tuy nhiên loài sứa Turritopsis Nutricula lại trở thành “vua” của tất cả loài sứa khi tính theo vòng đời sinh học, chúng có khả năng bất tử.
Khả năng đặc biệt của loài sứa này không phải là dừng sự lão hóa mà là “cải lão hoàn đồng”. Theo đó, mỗi khi điều kiện môi trường tự nhiên trở nên quá khó khăn, hoặc con sứa bị thương hay thức ăn quá thưa thớt, một cơ chế đặc biệt trong người con sứa sẽ được kích hoạt.
Cơ chế này được thực hiện thông qua quá trình chuyển biệt hóa (transdifferentiation) - khi các tế bào trong cơ thể con sứa tự biến đổi trở thành tế bào mới.
Những tế bào sẽ liên tục biến đổi cho đến khi con sứa trẻ lại thành dạng polip - dạng thức trước khi hình thành cá thể sứa hoàn chỉnh.
Sau đó, chúng sẽ lại phát triển và sinh sôi những thế hệ sứa mới. Theo lý thuyết, quá trình này có thể lặp đi lặp lại mãi, biến loài sứa này thành sinh vật đa bào duy nhất được biết đến có khả năng quay ngược vòng đời của mình.
Tuy nhiên với kích thước lớn nhất chỉ là 4,5 mm, loài sứa này gặp nhiều rủi ro trước khi chúng có thể “cải lão hoàn đồng”. Chúng thường phải đối mặt với việc bị săn bắt hoặc dễ mắc bệnh trong giai đoạn còn là sinh vật phù du.