Thủy Hử có rất nhiều hảo hán thạo cưỡi ngựa đánh trận (mã binh). Nhưng ngựa mà các đầu lĩnh Lương Sơn cưỡi khi ra trận thì ít khi được Thi Nại Am miêu tả chi tiết, ngoài đoạn nhắc tới “Ngựa Xích Thố” của Quan Thắng (dĩ nhiên không phải “Xích Thố” huyền thoại), cơ bản thường chỉ nói tới màu sắc của ngựa mà thôi.
Nhưng có một ngoại lệ, ở hồi 59, nhân chuyện Đoàn Cảnh Trụ mang ngựa quý “chôm” được để tặng Tống Giang, coi như lễ ra mắt Lương Sơn, giữa đường bị bọn Tăng Đầu thị đánh cướp mất, bèn tới “Bến nước” mách chuyện, Thi Nại Am đã viết rất kĩ về con tuấn mã khởi nguyên cho cái chết của Tiều Cái này.
“Tôi họ Đoàn tên Cảnh Trụ, người ta thấy tóc đỏ râu vàng, nên thường gọi là Kim Mao Khuyển. Nguyên tôi quán ở Trác Châu, bình sinh kiếm ăn bằng nghề trộm ngựa ở mạn Bắc.
Tới mùa xuân năm nay qua núi Sơn Cang lấy được con ngựa rất quý toàn trắng như tuyết, suốt mịn không có một cái lông nào khác sắc; Từ đầu chí cuối vừa dài được một trượng, từ lưng tới móng cao tám thước hơn, một ngày có thể đi được nghìn dặm, vẫn có tiếng là Chiếu Dạ Ngọc Sư Tử xưa nay. Con ngựa đó nguyên chúng tôi lấy của con vua Đại Kim, định đem làm lễ mừng để yết kiến ngài đây...”.
Ngày đi ngàn dặm thì “Chiếu Dạ Ngọc Sư Tử” đẳng cấp ngang hàng Xích Thố huyền thoại mà Lã Bố, Quan Vũ từng cưỡi thời Tam Quốc, trong khi “ngoại hình” của tuấn mã này còn có phần nổi trội đẹp đẽ hơn.
Ngay từ khi mới sinh ra phía dưới cổ đã có một hàng lông dày, trông giống như sư tử, tính khí nóng nảy, khó thuần. Buổi tối con ngựa này còn phát ra ánh sáng trắng bạc, vì vậy mới có tên là Chiếu Dạ Ngọc Sư Tử. Đúng là vật quý ngàn năm có một vậy!
Ngựa quý “Chiếu Dạ Ngọc Sư Tử”.
Sau khi Sử Văn Cung bị Lư Tuấn Nghĩa – Yến Thanh bắt và xử tử để tế Tiều Cái, thì không thấy tác gia họ Thi nhắc đến chuyện “Chiến Da Ngọc Sư Tử” thuộc sở hữu của đầu lĩnh nào ở Lương Sơn. Nhưng chắc có lẽ tuấn mã này được sử dụng bởi Tống Giang.
Áo giáp Kim Đường Nghê
Thất điên bát đảo với trận Liên hoàn giáp mã của Hô Diên Chước, Tống Giang được Thang Long mách về người anh họ “Kim sang thủ” Từ Ninh, giáo đầu Đông Kinh, sở hữu phép đánh câu liêm gia truyền xuất quỷ nhập thần, có thể phá trận pháp này. Trong lớp mưu kế lừa Từ Ninh lên Lương Sơn, trộm vật báu của “Kim Sang Thủ” có ý nghĩa quyết định.
Vật báu đó là gì? Trước tiên hãy nghe lời Thang Long kể về nó, ở hồi 55 như thế này: “Là một cái áo giáp khuyên kim bằng lông chim nhạn linh khâu lại, thiên hạ không ai có bao giờ. Khi trước tôi theo phụ thân có qua tới Đông Kinh, đã một lần đến chơi nhà cô tôi, mới được nom thấy.
Khoác lên mình vừa nhẹ vừa ấm, đao gươm không thấu, người ta lại gọi là Kim Đường Nghê. Cái áo giáp ấy cũng như là tính mạng của Từ Ninh, ông ta vẫn bỏ vào cái hòm da treo trên phòng nằm rất cẩn thận. Nay nếu lấy được cái áo ấy, thì tất ông ta phải đến đây ngay”.
Áo giáp “Kim Đường Nghê” của Từ Ninh.
Giá trị của Kim Đường Nghê tới mức nào, chỉ cần nghe lời than của Từ Ninh sau khi phát hiện áo giáp quý bị mất trộm, chúng ta sẽ biết: “Cái áo ấy là của báu từ bốn đời ngày xưa lưu lại đến nay. Trước Hoa Nhi Vương Thái Úy đã trả vạn quan, ta không chịu bán cốt để những khi ra trận mà dùng, cho nên mới cẩn thận mà buộc treo trên đó. Có ai hỏi đến phải dối là mất rồi... Nay lại quả nhiên bị mất như thế, tất là thiên hạ biết chuyện, họ chê cười không còn ra trò gì nữa”.
Bảo đao Dương Gia Tướng
Thanh diện Thú Dương Chí, đầu lĩnh thứ 17 Lương Sơn Bạc, là hậu duệ của Ngũ Hầu Dương Lệnh Công nổi tiếng, dòng dõi năm đời của Dương Gia Tướng, từng làm đến chức Điện Tư chế Sứ quân, sau được giao nhiệm vụ tải đá hoa về nộp kinh sư. Chẳng may khi đi đến giữa sông Hoàng Hà, thuyền đắm, mất cả đá hoa nên Dương Chí phải trốn đi nơi khác.
Khi đi ngang qua Lương Sơn Bạc, gặp lúc Lâm Xung đang bị ép phải giết người để có “Đầu danh trạng”, Dương Chí đánh nhau với “Báo tử đầu”.
Vương Luân thấy võ nghệ của Dương Chí cao siêu, bèn mời nhập đảng nhưng họ Dương nhất mực từ chối vì không muốn làm cướp. Từ giã Lương Sơn Bạc, Dương Chí về kinh tính kiếm một chức quan nhỏ. Ông được triều đình ân xá, nhưng bị Cao Cầu đuổi đi.
Bảo đao Dương Gia tướng của Dương Chí.
Cùng đường, Dương Chí phải ngậm đắng nuốt cay đi bán đao. “Đường xa tiền hết, đất khách quê người, không biết làm sao cho ổn được! Nhân nhớ đến ông cha ngày trước, còn để lại thanh bảo đao, xưa nay vẫn đeo luôn ở bên mình, liền nghĩ kế đem ra phố bán, để lấy ít tiền mà đi nơi khác lập thân.
Khi đem ra bán, đứng ở phố Quần Ngựa, có tới mấy giờ đồng hồ, cũng không thấy ai đến hỏi mua cả, chàng lấy làm nóng ruột, lại vác ra một chỗ náo nhiệt ở trên cầu Thiên Hán để bán”.
Đoạn Dương Chí đối đáp và biểu diễn với tay Mao Đại Trùng Ngưu Nhị, ở hồi 11 cho chúng ta thấy phần nào giá trị thanh bảo đao nhà họ Dương: “Thanh bảo đao này của tổ phụ tôi để lại, tôi định bán lấy 3.000 quan tiền… Một là có thể chặt đồng chặt sắt mà lưỡi không quằn, hai là thổi lông đi qua được, ba là chém người mà đao không có máu, thế cho nên gọi là bảo đao”.
Nóng máu vì bị tên Ngưu Nhị phá rối, Dương Chí giết họ Ngưu rồi đầu thú. Hành trình thăng trầm của Dương Chí sau này, không thấy Thi Nại Am nhắc đến cây bảo đao gia truyền nhà họ Dương nhưng có thể tin rằng, đó là vật bất ly thân của “Thanh Diện Thú” cho đến tận cuối đời.
Đao trong Thủy hử thì nhiều không kể xiết nhưng Bảo đao Dương Gia Tướng thì đích thị là đệ nhất vậy!
Đan thư Thiết Khoán của gia tộc họ Sài
Đan thư Thiết Khoán được sở hữu bởi Sài Tiến. Tổ tiên của Sài Tiến là Chu Thế Tông Sài Vinh – vốn được coi là minh quân đệ nhất thời Ngũ Đại.
Từ khi binh biến Trần Kiều nhường ngôi vào năm 960, sau khi Sài Vinh mất, nhà Hậu Chu diệt vong và nhà Tống ra đời, Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn đã ban cho gia tộc họ Sài cuốn Đan Thư Thiết Khoán.
Đan thư Thiết khoán được Tống Thái Tổ ban cho gia tộc họ Sài.
Đan Thư Thiết Khoán không phải kỳ trân dị bảo hay báu vật ngàn năm nhưng lại sở hữu giá trị khuynh thành. Bởi với một thứ hệt như “Kim bài miễn tử” này, gia tộc họ Sài nghiễm nhiên được sự bảo hộ tối thượng của Hoàng đế nhà Tống.
Tội nặng đến đâu cũng không phải chết, ngay cả Thiên Tử các đời sau cũng không được phép tùy ý mà vượt qua giới hạn của Đan thư thiết Khoán.
Giữ Đan thư Thiết Khoán trong nhà, từ Vua cho tới bọn quan sai triều đình muốn đặt chân vào gia trang của Sài Tiến thì phải được “Tiểu Toàn Phong” cho phép, tuyệt nhiên không được tự ý.
Đấy là lý do nhà Sài Tiến lúc nào cũng “nuôi đến năm bảy mươi hảo hán”, không ít trong số đó là những tay rách trời rơi xuống, từng kinh qua tù tội và trở thành nơi mà nhiều anh hùng mắc tội bị đày (như Lâm Xung, Võ Tòng, Tống Giang…) thường ghé qua.