Tổng phụ trách Đội: Người đương nhiệm muốn rút, người thay thế khó tìm

GD&TĐ - Tổng phụ trách Đội các trường học hầu hết là giáo viên kiêm nhiệm.

Một buổi tập huấn công tác Đội do Phòng GD&ĐT huyện Thanh Chương, Nghệ An tổ chức. Ảnh: NVCC
Một buổi tập huấn công tác Đội do Phòng GD&ĐT huyện Thanh Chương, Nghệ An tổ chức. Ảnh: NVCC

Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, họ là người duy trì các hoạt động tập thể, giúp học sinh có trải nghiệm, kỹ năng cần thiết trong học tập và rèn luyện. Đội ngũ Tổng phụ trách Đội trường học đang già hóa, trong khi việc tìm kiếm người trẻ kế cận gặp nhiều khó khăn.

Tổng phụ trách ở tuổi… bà ngoại

Bước sang tuổi 50, cô Nguyễn Thị Minh Hạnh (Trường Tiểu học Thanh Lâm, huyện Thanh Chương, Nghệ An) là một trong số giáo viên nhiều tuổi nhất tham gia Hội thi tổng phụ trách Đội cấp tỉnh Nghệ An 2024. Ở trường, cô đã 25 năm gắn bó với vai trò Tổng phụ trách Đội, còn ở nhà, thời điểm dự thi cũng là lúc cô Minh Hạnh chuẩn bị lên chức bà ngoại.

Nói về việc tham gia cuộc thi ở tuổi “bà ngoại”, cô Hạnh cho biết bản thân luôn yêu thích, tâm huyết với công tác Đội. Cô cũng muốn thử sức mình với đồng nghiệp toàn tỉnh, áp dụng kinh nghiệm, kỹ năng về hoạt động Đội trong bối cảnh đổi mới giáo dục theo hướng phát huy năng năng lực toàn diện người học.

“Nhận kết quả được công nhận giáo viên Tổng phụ trách Đội giỏi cấp tỉnh, tôi rất vui và phấn khởi. Hơn cả danh hiệu, tôi thấy bản thân chưa lạc hậu, đem được thành tích về cho trường và truyền động lực, tâm huyết đến các thế hệ giáo viên trẻ phấn đấu”, cô Minh Hạnh chia sẻ.

Tuy nhiên, nói về mong muốn thời gian tới, cô có nguyện vọng tìm được người thay thế. Theo cô Minh Hạnh, công tác Đội trường học cần người trẻ năng động, nhiệt huyết. Chương trình GDPT 2018 chú trọng đến hoạt động trải nghiệm, thì những người nhiều tuổi sẽ hạn chế về sức khỏe, sáng tạo, nhanh nhạy. Cô đã đề đạt ý kiến với nhà trường 2 năm nay nhưng chưa tìm được người đáp ứng yêu cầu.

Thầy Trần Duy Hùng - giáo viên môn Âm nhạc, Trường THCS thị trấn Quỳ Hợp (Quỳ Hợp, Nghệ An) cũng có thâm niên gần 25 năm kiêm nhiệm Tổng phụ trách Đội. “Dù vất vả nhưng gắn bó lâu năm khiến tôi yêu và đam mê công việc này. Chỉ có điều, bản thân đã qua tuổi Đoàn, Đội từ lâu, nên cũng muốn lui về với công việc chuyên môn. Tuy nhiên, nhà trường chưa tìm được ai thay thế nên bản thân tiếp tục phụ trách”, thầy Hùng cho biết.

Đến nay, thầy Hùng đã có chứng nhận huấn luyện viên bậc 2 – đủ điều kiện đứng lớp tập huấn, bồi dưỡng giáo viên - Tổng phụ trách Đội. Tuy nhiên thầy chia sẻ thực tế ở cấp THCS, nhiều giáo viên có năng khiếu, năng lực chuyên môn lại không muốn nhận công việc này.

Chế độ của Tổng phụ trách Đội so với phụ cấp đứng lớp của giáo viên không có nhiều ưu đãi hơn, nên khó thu hút người bỏ thời gian, công sức, tâm huyết. Kỳ thi giáo viên – Tổng phụ trách Đội giỏi cấp tỉnh vừa qua, huyện Quỳ Hợp chỉ có 4 người đủ điều kiện tham gia, trong đó 3 người cấp tiểu học và duy nhất thầy Hùng ở cấp THCS đã trên 45 tuổi.

Đội ngũ Tổng phụ trách Đội các trường học tại Nghệ An đang “già hóa”. Ảnh: NVCC

Đội ngũ Tổng phụ trách Đội các trường học tại Nghệ An đang “già hóa”. Ảnh: NVCC

Khó tìm người chuyên trách

Thời gian qua, công tác Đội và phong trào thiếu nhi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh được thực hiện đồng bộ và đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên, tại các quận, huyện công tác Đội còn một số khó khăn. Trong đó phải kể đến vấn đề đội ngũ giáo viên Tổng phụ trách Đội nhiều trường học đang kiêm nhiệm, không qua đào tạo chuyên môn về công tác này.

Thầy Nguyễn Văn Tới - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lập Thượng (Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) cho hay, hiện nhiều giáo viên mới ra trường không muốn làm công tác Tổng phụ trách Đội. Có nhiều lý do, trong đó chủ yếu liên quan đến quy định Tổng phụ trách Đội trường học phải đảm bảo 2 điều kiện là tốt nghiệp sư phạm và có chứng chỉ đào tạo Đoàn, Đội. Trường Tiểu học Trung Lập Thượng đang phân công một giáo viên kiệm nhiệm, nhưng do chưa đủ văn bằng chứng chỉ nên không giải quyết được chế độ.

“Tổng phụ trách Đội có hệ số phụ cấp trách nhiệm tương đương với Phó Hiệu trưởng của trường. Nhưng do không đủ điều kiện nên giáo viên này không được hưởng chế độ theo quy định. Đó cũng là nguyên nhân khiến không ít thầy cô khi được đề nghị làm công tác Đội không mặn mà”, thầy Tới cho hay.

Học sinh Trường Tiểu học Phú Thọ (Quận 11, TPHCM) tham quan góc Lịch sử - Địa lý của trường. Công trình được ra mắt tại lễ phát động chủ đề hoạt động Đội năm học 2023 - 2024. Ảnh: Hồ Phúc

Học sinh Trường Tiểu học Phú Thọ (Quận 11, TPHCM) tham quan góc Lịch sử - Địa lý của trường. Công trình được ra mắt tại lễ phát động chủ đề hoạt động Đội năm học 2023 - 2024. Ảnh: Hồ Phúc

Theo quy định của Thông tư 27/2017/TT-BGDĐT: Tổng phụ trách Đội là chuyên trách với hàng loạt tiêu chuẩn cần đáp ứng (đủ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên theo hạng; được đào tạo nghiệp vụ công tác Đội cùng chuyên ngành giảng dạy hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác Đội…). Tuy nhiên, phần lớn đội ngũ này ở các trường làm kiêm nhiệm thay vì chuyên trách. Ngay cả việc tìm kiếm người thay thế cũng khó khăn.

Thầy Nguyễn Sỹ Bằng –Trường THCS Tân Dân (Nam Đàn, Nghệ An) từng là đại diện duy nhất của Nghệ An giành giải thưởng “Cánh én hồng” năm 2021 của Hội đồng Đội Trung ương cho Tổng phụ trách Đội xuất sắc toàn quốc. Trong các cuộc thi tỉnh gần đây, thầy không còn tham gia với tư cách thí sinh nữa, mà chuyển sang làm giám khảo.

Theo thầy Nguyễn Sỹ Bằng, thực tế Tổng phụ trách Đội không phải là nghề đi suốt cuộc đời của giáo viên, mà chỉ gắn bó một thời gian, nên tâm lý không có sự phấn đấu, tâm huyết lâu dài. Nhiệm vụ chính của giáo viên là chuyên môn, do đó nhiều người tập trung vào dạy học, không có thời gian dành cho công tác phụ trách Đội.

Để truyền cảm hứng cho đồng nghiệp, thầy Bằng chia sẻ, công tác Đoàn, Đội bổ trợ nhiều cho việc dạy và học, là điểm xuất phát cho các phong trào giúp dạy và học ngày càng tốt hơn. Với Chương trình GDPT 2018, đặt mục tiêu trọng tâm vào học sinh, thì dù là dạy học kiến thức, năng khiếu hay kỹ năng đều góp phần tạo môi trường giáo dục toàn diện.

Thầy Nguyễn Sỹ Bằng – giáo viên môn Âm nhạc kiêm Tổng phụ trách Đội, Trường THCS Tân Dân (Nam Đàn, Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài

Thầy Nguyễn Sỹ Bằng – giáo viên môn Âm nhạc kiêm Tổng phụ trách Đội, Trường THCS Tân Dân (Nam Đàn, Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài

Tạo nguồn Tổng phụ trách Đội

Tại huyện Thanh Chương (Nghệ An) kỳ cựu nhất chưa phải là cô giáo “bà ngoại” Minh Hạnh, mà là cô Lê Thị Thư (Trường Tiểu học thị trấn) 54 tuổi với 32 năm gắn bó với hoạt động Đội. Dù gần đến tuổi nghỉ hưu, nhưng cô luôn say mê, tâm huyết với công việc của mình. Hiện cô Thư là Tổ trưởng tập huấn, bồi dưỡng Tổng phụ trách Đội của huyện, đồng thời nhiều năm được cử ra đề, làm giám khảo cuộc thi cấp tỉnh.

“Trường Tiểu học thị trấn là cấp độ 1, có gần 1.200 học sinh nên theo quy định tôi chỉ dạy học 2 tiết/tuần. Thời gian còn lại, tôi nghiên cứu tài liệu, phương pháp tổ chức hoạt động giáo dục cho học sinh, ứng dụng điểm mới của Chương trình GDPT 2018 vào thực tế công tác Đội”, cô Lê Thị Thư cho hay.

Ông Trần Xuân Hà – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Chương, Nghệ An cho biết: Hầu hết Tổng phụ trách Đội trên địa bàn là giáo viên kiêm nhiệm và ở độ tuổi từ 40 – 50. Việc tìm kiếm, tạo nguồn giáo viên trẻ hơn thay thế là nhu cầu thực tế, đáp ứng Chương trình GDPT 2018, mà cũng là mong muốn của nhiều thầy cô Tổng phụ trách Đội “đương nhiệm”. Tuy nhiên, không phải giáo viên trẻ nào cũng đủ năng khiếu, đam mê và tố chất để làm nhiệm vụ này.

Tổng phụ trách Đội lớn tuổi gặp khó khăn nhất định nhưng lại có kinh nghiệm, sự gắn bó và tâm huyết; là lực lượng nòng cốt để hỗ trợ, tập huấn cho những người trẻ tuổi. Qua đó nhằm truyền lửa, tạo cơ hội giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, kế hoạch bố trí thời gian công tác phù hợp cho giáo viên.

Như trường hợp cô Lê Thị Thư, dù xuất phát điểm là giáo viên văn hóa, không có năng khiếu âm nhạc hay thể thao, nhưng cô vững vàng về lý thuyết, phương pháp, kinh nghiệm tổ chức hoạt động tập thể, cuốn hút học sinh. Nhờ những người tâm huyết như cô Thư bồi dưỡng, truyền cảm hứng, mà phong trào Đoàn, Đội tại địa phương phát triển sôi nổi.

Tại cuộc thi giáo viên Tổng phụ trách Đội giỏi cấp tỉnh Nghệ An vừa qua, trong khi một số địa phương chỉ có 1 - 2 người tham gia, không đạt chỉ tiêu được giao, thì huyện Thanh Chương có 11 giáo viên dự thi và đoạt giải 100%.

Toàn tỉnh Nghệ An có 889 Tổng phụ trách Đội, nhưng năm học này chỉ 76 giáo viên tham gia thi cấp tỉnh, tỷ lệ chưa đạt 10%. Trong đó, có 9 giáo viên từ 29 – 33 tuổi; 53 giáo viên từ 34 – 43 tuổi và 14 giáo viên từ 44 – 50 tuổi. Ban tổ chức hội thi nhận định “phần lớn giáo viên Tổng phụ trách Đội đã lớn tuổi nên còn tâm lý ngại tham gia”.

Về phía lãnh đạo phòng GD&ĐT các địa phương cũng chia sẻ lý do khó trẻ hóa đội ngũ này vì đây là công việc đòi hỏi năng khiếu, thời gian, công sức. Một nguyên nhân khác, hàng chục năm qua, nhiều địa phương không có chỉ tiêu tuyển dụng mới giáo viên, nhất là cấp THCS. Dẫn đến tình trạng già hóa giáo viên nói chung và khó tìm nguồn Tổng phụ trách Đội trẻ nói riêng.

Quận 12 (TP Hồ Chí Minh) có 24 trường tiểu học và 15 trường THCS với 39 Tổng phụ trách Đội. Đối với tiểu học có 8/24 trường hợp là giáo viên kiêm nhiệm, 16/24 giáo viên chuyên trách công tác Tổng phụ trách Đội. Cấp THCS có 6/15 trường hợp là giáo viên kiêm nhiệm, 9/15 trường hợp chuyên trách công tác Tổng phụ trách Đội. Phần lớn giáo viên Tổng phụ trách Đội có chuyên môn Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật…, ngoài ra vài trường hợp là giáo viên thuộc phân môn Khoa học tự nhiên cấp THCS.

Thông tin từ bà Nguyễn Vĩnh Bảo Châu - Phó Trưởng phòng GD&ĐT Quận 12, công tác quy hoạch nguồn cán bộ quản lý địa phương có chủ trương ưu tiên cho đối tượng là Tổng phụ trách Đội trường học. Qua đó thu hút và khích lệ giáo viên đảm nhận công tác Đội. Hiện nay số lượng Tổng phụ trách Đội trong nguồn quy hoạch cán bộ quản lý là 7/39 (tỷ lệ 18%).

“Từ năm 2023 trở về trước để đưa vào nguồn quy hoạch cán bộ quản lý giáo viên phải có trình độ trung cấp lý luận chính trị. Song để đủ điều kiện học trung cấp chính trị, giáo viên phải đạt độ tuổi từ 33 tuổi đối với nữ và 35 tuổi đối với nam. Điều này dẫn đến nguồn quy hoạch cán bộ quản lý bị hạn chế do không đáp ứng đủ điều kiện quy định”, bà Châu cho hay.

Anh Nguyễn Hồ Phước – Trưởng ban Trường học (Tỉnh đoàn Nghệ An) cho rằng: Quan trọng nhất để trẻ hóa đội ngũ Tổng phụ trách Đội là các nhà trường quan tâm tìm kiếm, bồi dưỡng đội ngũ kế cận và có kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn.

Về phía Tỉnh đoàn Nghệ An sẽ phối hợp với Trung ương Đoàn và các đơn vị liên quan tạo điều kiện để triển khai nhiều hoạt động, tổ chức trại huấn luyện giúp giáo viên, Tổng phụ trách Đội được giao lưu, nâng cao năng lực nghiệp vụ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.