Tuy nhiên, trước khó khăn thực tế, cần có giải pháp đồng bộ để nâng cao cả số lượng và chất lượng đội ngũ Tổng phụ trách Đội trong trường học.
Ông Giáp Xuân Cảnh - Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Bắc Giang: Chọn đúng người
Khi đất nước hội nhập và phát triển, công tác chăm sóc, giáo dục thế hệ trẻ ngày càng được quan tâm, nâng cao. Do đó, đội ngũ giáo viên Tổng phụ trách Đội đóng vai trò quan trọng trong giáo dục, rèn luyện những chủ nhân tương lai của đất nước. Đáp ứng nhu cầu thực tiễn trên, đòi hỏi Tổng phụ trách Đội phải có kỹ năng, nghiệp vụ chuyên sâu, không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp, đặc biệt cần thực sự tâm huyết với nhiệm vụ được giao.
Ông Giáp Xuân Cảnh. |
Bên cạnh những Tổng phụ trách Đội tâm huyết, yêu nghề, tình cảm, nhiệt huyết, hăng hái, xốc vác và năng động, còn một bộ phận giáo viên được giao nhiệm vụ Tổng phụ trách Đội chưa phát huy nhiệt huyết, có biểu hiện e ngại, thụ động trong nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng; chưa bám sát và triển khai hoạt động phù hợp tâm tư, nguyện vọng, độ tuổi của học sinh.
Thực tế trong những năm qua, một bộ phận nhỏ Tổng phụ trách Đội trên địa bàn tỉnh còn thiếu chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức kỹ năng, chưa dành thời gian thỏa đáng để thực hiện các nhiệm vụ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do:
Lực lượng Tổng phụ trách còn mỏng, nhiều nơi Tổng phụ trách phải đảm nhiệm số tiết dạy nhiều hơn theo quy định, phải kiêm nhiệm thêm nội dung công việc khác do nhà trường phân công, dẫn đến việc không thể dành thời gian thỏa đáng cho công tác Đội.
Chất lượng đội ngũ Tổng phụ trách chưa đồng đều: Một số Tổng phụ trách chưa có đầy đủ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm về công tác Đội nên tâm lý còn e ngại, chưa tự tin. Nhiều Tổng phụ trách thiếu tích cực đổi mới phương pháp, tiếp cận ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số dẫn đến việc tổ chức các hoạt động Đội chưa hiệu quả.
Sự quan tâm và nhận thức của một bộ phận trong xã hội đối với công tác thiếu nhi chưa cao, cho rằng đây là công tác lâu dài nên tiến hành từ từ, không cần làm vội vã. Sự phối hợp chưa chặt chẽ, thiếu khoa học giữa ngành Giáo dục và các cấp bộ Đoàn, Đội trong việc tuyển chọn, quyết định bổ nhiệm giáo viên làm Tổng phụ trách và tổ chức các hội thi giáo viên làm Tổng phụ trách Đội giỏi các cấp... Cá biệt một số giáo viên có tâm lý bị ép buộc, giao nhiệm vụ trên tinh thần không sẵn sàng nên ảnh hưởng đến phong trào.
Để nâng cao chất lượng lẫn số lượng Tổng phụ trách Đội trong nhà trường, thời gian tới chúng ta cần làm tốt một số nhiệm vụ sau:
Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa Hội đồng Đội và ngành Giáo dục trong tuyển chọn, quyết định bổ nhiệm giáo viên làm Tổng phụ trách Đội và tổ chức các hội thi giáo viên làm Tổng phụ trách Đội giỏi các cấp.
Tăng cường tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên làm Tổng phụ trách Đội thường xuyên, định kỳ; đặc biệt quan tâm về kỹ năng nghiệp vụ, những phương pháp tiếp cận mới, hiệu quả.
Thường xuyên rà soát, kiểm tra việc thực hiện chính sách đối với Tổng phụ trách Đội, đảm bảo đúng các quy định của Nhà nước về chế độ, chính sách. Đề xuất thêm chính sách, cơ chế hỗ trợ, ưu tiên có lợi cho Tổng phụ trách Đội, đặc biệt là tổng phụ trách ở khu vực miền núi, vùng cao.
Tăng cường công tác tuyên truyền về vai trò, vị trí của Tổng phụ trách Đội trong nhà trường. Tạo điều kiện cho Tổng phụ trách Đội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Thường xuyên trẻ hóa đội ngũ cán bộ Đội, tuyển chọn những giáo viên trẻ có năng khiếu, tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, đam mê với hoạt động Đoàn, Đội, phát huy tính kế thừa, kinh nghiệm từ các thế hệ phụ trách Đội.
Cô Nguyễn Hồng Liên - giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường THCS Bế Văn Đàn (Đống Đa, Hà Nội): Cần thêm cơ chế, chính sách thu hút
Cô Nguyễn Hồng Liên. |
Gần gũi với học trò qua những sinh hoạt, phong trào của trường học, Tổng phụ trách không chỉ là thầy cô, mà còn là người anh, chị, bạn đồng hành với học sinh trên đường “thành nhân”.
Giáo viên Tổng phụ trách góp phần xây dựng tổ chức Đội, đào tạo đội ngũ kế thừa cho đất nước. Đặc biệt, trong Chương trình GDPT 2018, Tổng phụ trách Đội đóng vai trò quan trọng: Thường xuyên tham mưu với ban giám hiệu, phối hợp giáo viên chủ nhiệm xây dựng kế hoạch dạy học môn Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp, vừa đảm bảo phù hợp kế hoạch hoạt động Đội, nhưng cũng phải đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018.
Trong các tiết Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp đầu tuần, Tổng phụ trách phải phối hợp, lựa chọn nội dung phù hợp các khối để lồng ghép với hoạt động chung toàn trường.
Hình thức trải nghiệm do Tổng phụ trách lựa chọn và xây dựng phải đa dạng, phù hợp nội dung, lứa tuổi (hoạt động câu lạc bộ, tổ chức các trò chơi, sân khấu hóa, thực địa, hội thi, hoạt động chiến dịch hay các hoạt động nhân đạo…).
Bên cạnh đó, Tổng phụ trách ngoài việc đề ra các hoạt động trải nghiệm, còn phải hướng nghiệp cho học sinh. Tình trạng Tổng phụ trách chưa tự tin hướng nghiệp cho học sinh là thực trạng ở nhiều trường từ trước đến nay vì đa số thầy cô là “tay ngang”.
Để nâng cao số lượng, chất lượng Tổng phụ trách Đội, cần các lớp đào tạo về chuyên ngành Tổng phụ trách Đội, bao gồm cả môn Hoạt động trải nghiệm. Các hoạt động nhà trường có nhiều đổi mới, năng động nên cần trẻ hóa đội ngũ Tổng phụ trách.
Cần lựa chọn giáo viên có khả năng về âm nhạc, mỹ thuật, thể dục thể thao, thuyết trình, tổ chức sự kiện, truyền thông để giúp nhà trường tổ chức tốt các hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi. Nên có thêm cơ chế, chính sách để thu hút như chế độ khen thưởng, phụ cấp cho Tổng phụ trách cần quan tâm nhiều hơn nữa. Hiện nay, giáo viên dạy giỏi thì được xét nâng lương, còn Tổng phụ trách giỏi chỉ dừng lại ở danh hiệu...
NGƯT Tô Ngọc Sơn - Trường ĐH Đồng Tháp: Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn
NGƯT Tô Ngọc Sơn. Ảnh: NVCC |
Tổng phụ trách Đội có vai trò quan trọng ở mỗi trường. Đặc biệt, trong tình hình mới, các nhà trường đang triển khai Chương trình GDPT 2018, thầy cô Tổng phụ trách Đội là nòng cốt triển khai Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.
Do đó, đội ngũ này ngoài thông thạo chuyên môn phụ trách Đội còn phải am tường, thấu rõ chương trình giáo dục phổ thông; hiểu mục tiêu, đặc điểm, nội dung Hoạt động trải nghiệm để xây dựng kế hoạch phát triển nhà trường. Cùng đó, đồng hành với giáo viên xây dựng và phát triển mối quan hệ nhà trường, gia đình, xã hội để rèn luyện kỹ năng, phát triển toàn diện đạo đức, nhân phẩm học sinh.
Tuy nhiên, còn những khó khăn liên quan đến đội ngũ Tổng phụ trách Đội hiện nay. Trong đó có hạn chế về hoạt động bồi dưỡng; trang thiết bị, phương tiện bổ trợ cho các hoạt động giáo dục, trải nghiệm trong nhà trường chưa được đầu tư đúng mức; chế độ tiền lương, chính sách ưu đãi chưa xứng tầm với số lượng công việc phải đảm nhận.
Việc cấp bách cần làm hiện nay là nâng cao chất lượng đội ngũ Tổng phụ trách Đội. Trường đại học cần mở chuyên ngành đào tạo Tổng phụ trách Đội mang tính chuyên nghiệp, đồng bộ với Chương trình GDPT mới, đáp ứng xu thế phát triển thời đại 4.0.
Tổng phụ trách Đội phải được bồi dưỡng chuyên môn chuyên ngành, tập huấn nội dung giảng dạy hoạt động trải nghiệm cùng giáo viên. Đặc biệt, những thầy cô làm công việc này cần được hưởng chế độ như giáo viên chủ nhiệm và phải có phụ cấp trách nhiệm đặc thù công việc. Có chế độ khen thưởng, khuyến khích Tổng phụ trách hoàn thành tốt nhiệm vụ; được tính đến khi chiến sĩ thi đua...
Bên cạnh quyền lợi và ưu đãi trên, thầy cô làm nhiệm vụ Tổng phụ trách Đội cần thực hiện cam kết xây dựng kế hoạch phát triển phẩm chất năng lực học sinh, đảm bảo an ninh, an toàn trong trường học khi tổ chức, thực hiện các hoạt động giáo dục trong nhà trường.
Thầy Đặng Khai Nguyên - Chủ nhiệm CLB Tổng phụ trách Đội tỉnh Bến Tre, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thới Thuận (Bình Đại, Bến Tre): Làm đúng chức năng, nhiệm vụ
Thầy Đặng Khai Nguyên. |
Trong trường học, để góp phần bồi dưỡng thiếu nhi trở thành con ngoan trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ thì vai trò của giáo viên Tổng phụ trách Đội rất quan trọng.
Hiện có không ít giáo viên đến với công tác Đội mang tính gượng ép, không tự nguyện, tự giác thực hiện công việc được giao. Một bộ phận giáo viên Tổng phụ trách Đội còn ngại khó, chưa chịu tìm tòi, sáng tạo các mô hình mới, cách làm hay để tổ chức thường xuyên cho thiếu nhi tham gia.
Nhiều giáo viên Tổng phụ trách Đội đã lớn tuổi, sức khỏe suy giảm, trình độ và năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong thời đại 4.0 còn hạn chế, nhưng công tác trẻ hóa đội ngũ gặp nhiều khó khăn. Giáo viên dạy chuyên môn được phân công làm thay công việc của giáo viên Tổng phụ trách Đội do thuyên chuyển công tác hoặc nghỉ thai sản... Vì vậy, hoạt động Đội nhiều lúc, nhiều nơi bị gián đoạn và không đều tay.
Trách nhiệm của giáo viên Tổng phụ trách Đội rất lớn, thời gian làm việc cũng nhiều hơn, nhưng quyền lợi lại không hơn giáo viên đứng lớp. Do đó, việc phân công giáo viên Tổng phụ trách Đội ở các trường tiểu học, THCS gặp khó khăn, thường phải thay đổi liên tục, không ổn định.
Ở một số trường, ngoài nhiệm vụ chính là phụ trách các chương trình công tác Đội và phong trào thiếu nhi, giáo viên Tổng phụ trách Đội phải kiêm nhiệm thêm công việc khác như: Công tác phổ cập, giáo viên chủ nhiệm lớp, trung tâm học tập cộng đồng... Điều này làm họ cảm thấy khối lượng công việc nặng nề, có tâm lý buông bỏ để xin ra dạy lớp.
Để hoàn thành tốt công việc, điều tiên quyết là giáo viên Tổng phụ trách Đội phải thực sự yêu nghề, mến trẻ, dám nghĩ dám làm, năng động sáng tạo, hết lòng hết sức vì đàn em thân yêu; toàn tâm, toàn ý với công tác Đội; phải biết suy nghĩ, trăn trở tìm ra điều mới, mô hình hay có sức hấp dẫn, thu hút đông đảo thiếu nhi tham gia để có thể áp dụng cho đơn vị mình; thường xuyên học hỏi, nghiên cứu, trao đổi nghiệp vụ công tác Đội.
Hội đồng Đội cần tổ chức thêm nhiều lớp tập huấn chuyên sâu, cuộc thi và hoạt động giao lưu dành cho giáo viên Tổng phụ trách Đội, giúp đội ngũ này trong toàn tỉnh được gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm.
Ngành Giáo dục cần tham mưu để có chính sách đãi ngộ tương xứng với công việc của giáo viên Tổng phụ trách Đội đang làm (chế độ về trang phục, bồi dưỡng ngoài trời, làm việc trong thời gian hè...); để khi được phân công nhiệm vụ này, giáo viên không tìm cách thoái thác và dành nhiều tâm huyết hơn cho công việc.
Ngành Giáo dục cần chỉ đạo các trường quan tâm hơn đến giáo viên Tổng phụ trách Đội; phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, xác định công việc nào là trách nhiệm chính của Tổng phụ trách Đội, công việc nào là trách nhiệm của giáo viên, nhân viên khác; để đội ngũ Tổng phụ trách Đội được làm đúng chức năng, nhiệm vụ.
Đội ngũ giáo viên làm Tổng phụ trách Đội đóng vai trò quan trọng, là “cánh tay nối dài” của tổ chức Đội trong chăm sóc, giáo dục, bảo vệ thiếu niên, nhi đồng. Với kiến thức, kỹ năng tổ chức hoạt động Đội vững chắc, Tổng phụ trách Đội sẽ triển khai hiệu quả các phong trào, hướng dẫn cụ thể cho đội viên, nhi đồng thực hiện nội quy, quy chế, rèn luyện, phát triển đội viên góp phần xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. - Ông Giáp Xuân Cảnh