Tuy nhiên, rất ít nơi có Tổng phụ trách Đội được đào tạo đúng chuyên ngành mà thường là giáo viên bộ môn kiêm nhiệm. “Một vai nhiều gánh” nên khó khăn là điều khó tránh khỏi. Thế nhưng đội ngũ Tổng phụ trách Đội đã có nhiều nỗ lực để đưa phong trào Đội trở thành điểm sáng, đào tạo ra những Liên đội trưởng thành, xuất sắc.
Một vai nhiều gánh
Trường THCS Tô Hiến Thành là một trong những Liên đội mạnh của Hội đồng Đội huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Ngoài triển khai hiệu quả các phong trào do Hội đồng Đội Trung ương phát động, Liên đội đã khởi xướng và xây dựng một số sân chơi phù hợp với điều kiện nhà trường như câu lạc bộ (CLB) Môi trường xanh, CLB Dân ca ví dặm...
Đặc biệt, đơn vị nhiều năm liền được Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng bằng khen. Thầy Nguyễn Trung Sơn - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, Liên đội có được thành tích cao nhờ sự tận tâm của cô giáo Nguyễn Cẩm Lê - Tổng phụ trách Đội. Các hoạt động, phong trào do cô Lê khởi xướng được học sinh tích cực tham gia.
Ngoài làm Tổng phụ trách Đội, cô Nguyễn Cẩm Lê còn là giáo viên Âm nhạc kiêm vai trò tư vấn tâm lý học đường, Hội chữ thập đỏ và Bí thư Đoàn trường. Năm 2007, cô Lê được điều chuyển về Trường THCS Tô Hiến Thành dạy môn Âm nhạc. Đến năm 2012, sau khi giáo viên làm công tác Tổng phụ trách Đội của trường chuyển công tác, cô Lê kiêm nhiệm vai trò này cho đến nay.
“Kiêm nhiều vị trí công việc khiến bản thân gặp không ít khó khăn trong quá trình công tác. Vai trò Tổng phụ trách Đội đòi hỏi chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng riêng. Qua thời gian đầu bỡ ngỡ, bằng sự say mê và nhiệt tình, tôi luôn cố gắng học hỏi để hoàn thành tốt nhất công việc được giao”, cô Cẩm Lê chia sẻ.
Tương tự, cô Nguyễn Phong Thu có hơn 20 năm giảng dạy âm nhạc, kiêm nhiệm Tổng phụ trách Đội tại Trường Tiểu học Thạch Khê (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh). Ngoài giảng dạy trên lớp, cô Thu còn đảm đương nhiều công việc như xây dựng kế hoạch, lên kịch bản thực hiện các hoạt động phong trào đến quản lý học sinh, trang trí, có khi làm cả quản trò, dẫn chương trình...
Cùng đó, cô Thu phụ trách y tế của trường. Dù ở vai trò nào, cô cũng say mê công việc, mỗi ngày quãng đường di chuyển từ nhà đến trường của cô khoảng 40km. Có nhiều thời điểm làm việc ngoài giờ, ở lại trưa, làm việc buổi tối, cô vẫn không nề hà.
Cô Thu chia sẻ: “Khi mới làm Tổng phụ trách Đội ai cũng bỡ ngỡ. Tuy nhiên, muốn thành công, ngoài năng khiếu phải đam mê, ham học hỏi và kế hoạch cụ thể, trọng tâm trong năm để bố trí thời gian phù hợp”. Từ đầu năm học, cô Nguyễn Phong Thu đã lên ý tưởng và xây dựng chương trình cụ thể, chi tiết phù hợp với đặc điểm tình hình nhà trường.
“Để tạo sự thích thú, thu hút học sinh, giáo viên phải thường xuyên cập nhật các xu hướng, học hỏi kinh nghiệm từ trường bạn để đổi mới phương pháp, nội dung. Trong một số hoạt động, phải thiết kế nội dung để thu hút cả phụ huynh tham gia nhằm tăng tương tác giữa nhà trường – phụ huynh – học sinh. Ngoài ra, mạng xã hội, công nghệ thông tin đã hỗ trợ giáo viên rất nhiều trong các hoạt động”, cô Thu chia sẻ.
Những năm qua Liên đội Trường Tiểu học Thạch Khê là một trong những lá cờ đầu hoạt động Đội tại huyện Thạch Hà. Đặc biệt, nhiều thế hệ đội viên cô đào tạo đã trở thành Liên đội trưởng xuất sắc, đoạt nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi. Em Nguyễn Bảo Ngọc - lớp 4, Liên đội trưởng Trường Tiểu học Thạch Khê chia sẻ: “Nhờ có sự dìu dắt của cô, em đã tự tin, học thêm nhiều kỹ năng ở vai trò Liên đội trưởng. Đầu năm học, được cô hướng dẫn em đã giành giải Ba tại cuộc thi Giới thiệu sản phẩm Ocop của huyện”.
Liên đội Trường THCS Tô Hiến Thành (Thạch Hà, Hà Tĩnh) tổ chức tuyên truyền phòng chống đuối nước cho học sinh. Ảnh: Hồ Phương |
Người truyền lửa
Cô Nguyễn Phạm Hồng Uyên - giáo viên Ngữ văn kiêm Tổng phụ trách Đội tại Trường THCS Thái Nguyên (TP Nha Trang, Khánh Hòa). So với một số Tổng phụ trách Đội, cô thuận lợi hơn vì được đào tạo thêm công tác Đoàn – Đội.
13 năm làm công tác Đội, cô Hồng Uyên cho biết: “Phong trào hoạt động Đội trong trường học có vai trò không nhỏ cùng nhà trường giáo dục toàn diện, giúp học sinh lĩnh hội thêm kiến thức xã hội, kỹ năng sống, hiểu về lịch sử, làm giàu lòng yêu nước... Nếu có các sân chơi, học sinh được “trao quyền” sẽ có nhiều đội viên ưu tú, “thủ lĩnh” kế cận cho phong trào Đoàn”.
Như trường hợp em Đặng Cát Tiên là 1 trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023, Liên đội trưởng Trường THCS Thái Nguyên. Tháng 9/2023, Đặng Cát Tiên xuất sắc vượt qua các đại biểu thiếu nhi khác ở vòng phỏng vấn, đảm nhận vai trò Chủ tịch Quốc hội trong lần đầu tiên phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” được tổ chức. 263 trẻ em của cả nước cùng thảo luận về “Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em” và “Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng”.
Cô Hồng Uyên cho biết: “Năm học lớp 6 và lớp 7, Đặng Cát Tiên đảm nhận vai trò Liên đội phó trong Ban chỉ huy Liên đội. 2 năm này, tùy tính chất của sự kiện, tôi sẽ hướng dẫn để Cát Tiên có thể điều hành những hoạt động tập thể quy mô khối lớp, giúp em quen dần cách chỉ huy, khả năng tổ chức, điều khiển các hoạt động Đội”. Bắt đầu từ năm lớp 8, Đặng Cát Tiên được bầu chọn là Liên đội trưởng khi tích lũy đủ kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng trong hoạt động Đội.
Tổng phụ trách Đội của Trường THCS Thái Nguyên chia sẻ kinh nghiệm để có thể phát huy vai trò tự quản, nâng cao chất lượng của Ban chỉ huy Liên đội: “Trước khi bầu chọn Ban chỉ huy Liên đội, phải bám sát các tiêu chuẩn như gương mẫu về học tập, rèn luyện, tinh thần đoàn kết, nhanh nhẹn… Tổng phụ trách Đội cũng cần tham khảo thêm nhận xét của giáo viên chủ nhiệm vì đây là người sâu sát, nắm rõ nhất đặc điểm, cá tính cũng như năng lực từng em. Ngoài ra, có thể thử thách một số nhiệm vụ với vai trò tự quản, tạo tình huống có vấn đề để thử thách, tìm hiểu các em”.
Phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ huy Liên đội, cùng đó, cô Tổng phụ trách Đội Hồng Uyên còn tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động Đội để “tin tưởng, theo sát nhưng không làm thay” các đầu việc.
Với cách tổ chức, điều hành của cô Tổng phụ trách Đội, em Đặng Cát Tiên có nhiều cơ hội thể hiện năng lực của mình trong các hoạt động tập thể như làm dẫn chương trình, rèn kỹ năng tổ chức, điều hành các hoạt động Đội của trường, lớp. Danh sách đoạt giải của Đặng Cát Tiên trong các cuộc thi, hoạt động Đội cấp tỉnh, Trung ương dày lên theo từng năm học.
Có thể kể đến: Giải Nhất kể chuyện cuộc thi “Bác Hồ một tình yêu bao la” cấp tỉnh năm 2020; giải Nhất cuộc thi Nhà sử học nhỏ tuổi toàn quốc năm 2021; giải Nhì cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc cấp quốc gia năm 2021; giải Nhất Hội thi tiếng Anh online - Cán bộ chỉ huy Đội giỏi cấp tỉnh năm 2022; danh hiệu “Dũng sĩ nghìn việc tốt” cấp tỉnh năm 2023; đạt thành tích xuất sắc tại Liên hoan Chỉ huy Đội giỏi toàn quốc lần thứ IV, năm 2023…
Những trải nghiệm này là vốn quý giúp Đặng Cát Tiên tự tin điều hành phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” thành công. Lần đầu tham gia hoạt động quy mô lớn có cả lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự. Đặng Cát Tiên cho biết, trước khi tham gia hoạt động, em đã tìm hiểu kỹ các nội dung liên quan đến trẻ em, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ trong việc thực hiện quyền, Luật Trẻ em. Do đó, các nội dung tại phiên họp giả định, em đều nắm rõ và điều hành suôn sẻ.
Ngoài dạy Âm nhạc, Tổng phụ trách Đội Nguyễn Cẩm Lê còn làm công tác tư vấn tâm lý cho học sinh. Ảnh: Hồ Phương |
Thu hút học sinh đến trường
Sau Tết Nguyên đán năm 2024, Trường THCS Trà Mai (Nam Trà My, Quảng Nam) tổ chức giải thể thao trong đó có môn bóng đá, bóng rổ cho học sinh nam và nữ. “Trước khi học sinh nghỉ Tết, nhà trường thông báo với các lớp, sau khi trở lại trường, sẽ thành lập đội tuyển từng lớp để tập luyện. Nhà trường sẽ trích kinh phí hỗ trợ cho huấn luyện viên cũng như lo nước uống, sữa tươi… bồi dưỡng cho các đội tuyển”, thầy Trần Tuấn Hoàn - Tổng phụ trách Đội cho biết.
Theo thầy Nguyễn Khắc Điệp - Hiệu trưởng Trường THCS Trà Mai, sau Tết Nguyên đán, học sinh hay nghỉ học để vào rừng hái đót bán, phụ giúp kinh tế gia đình. Một số em không phải mưu sinh lại muốn kéo dài thời gian nghỉ học để chơi. Khi được thông báo sẽ tổ chức tập luyện để thành lập đội thi đấu, các em rất háo hức và gần như đến trường đầy đủ trong buổi học đầu tiên.
Từ khi được công nhận nông thôn mới, Trà Nam không còn được hưởng các chế độ hỗ trợ của địa bàn xã đặc biệt khó khăn. Thầy Nguyễn Khắc Điệp cho biết, để hạn chế tình trạng học sinh nghỉ học dài ngày dẫn đến bỏ học, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động thể dục - thể thao, văn nghệ, giáo dục trải nghiệm...
Điều này phù hợp với đặc điểm tâm lý của học sinh dân tộc thích hoạt động văn nghệ - thể thao. Vì vậy, ngay từ đầu năm học, ban giám hiệu nhà trường đã cùng Tổng phụ trách Đội xây dựng các hoạt động trọng điểm từng tháng, quý.
“Các chủ điểm năm nào cũng giống nhau nhưng nhà trường và Tổng phụ trách Đội phải bàn bạc để thay đổi cách thức, nội dung tổ chức, tránh cho học sinh bị nhàm chán”, thầy Điệp chia sẻ. Đơn cử như cùng là hoạt động kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng năm nay Liên đội tổ chức thi kể chuyện, giới thiệu sách thay vì học sinh trả lời câu hỏi qua cuộc thi Rung chuông vàng như năm trước.
Năm học 2023 – 2024, thầy Trần Tuấn Hoàn trở lại nghề dạy học với vị trí là giáo viên hợp đồng môn Ngữ văn, đảm nhận thêm vai trò Tổng phụ trách Đội nên không tránh khỏi những bỡ ngỡ.
“Tôi vừa làm vừa học việc. Học từ đồng nghiệp đang là Tổng phụ trách Đội ở các trường học trên địa bàn, học cả kỹ năng, cách thức tổ chức các hoạt động Đội qua các văn bản, clip tổ chức sinh hoạt tập thể. Thậm chí, ngay cả động tác múa của những bài hát tập thể, múa dân vũ cũng phải học, dù chưa thuần thục. Rất may, bản thân và Liên đội nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của Chi bộ, ban giám hiệu nhà trường để phong trào Đội phát triển mạnh, giúp học sinh có thêm nhiều sân chơi”, thầy Hoàn bày tỏ.
Với đặc thù học sinh người đồng bào, nếu chỉ tập trung cho hoạt động dạy – học văn hóa dễ tạo ra cảm giác chán, sợ học. Vì vậy, công tác Đoàn, Đội được đẩy mạnh để tạo thêm sân chơi, giúp các em rèn luyện kỹ năng xã hội. Tham gia nhiều hoạt động tập thể, các em cũng mạnh dạn, tự tin, khả năng diễn đạt, kỹ năng tổ chức tốt dần lên. Điều này hỗ trợ nhiều trong việc nâng cao nhận thức cho đồng bào khi không ít học sinh cũ của trường đã và đang là cán bộ thôn, bản hoặc chính quyền cấp xã… Với vị trí công việc này, các em chính là người tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, vận động bà con từ bỏ hủ tục lạc hậu…. - Thầy Nguyễn Khắc Điệp (Hiệu trưởng Trường THCS Trà Mai, Nam Trà My, Quảng Nam)