Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp” là một trong 9 nhiệm vụ trọng tâm của Ngành giáo dục trong giai đoạn hiện nay.
Để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, cần phải cập nhật được đầy đủ thông tin về số lượng, chất lượng, cơ cấu và tình hình phát triển của đội ngũ, từ đó đưa ra được các biện pháp, giải pháp quản lý đúng. Với số lượng giáo viên và cán bộ quản lý lớn, việc sử dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là các phần mềm là một tất yếu khách quan.
ePMIS là một phần mềm tốt, có nhiều tính năng ưu việt, kế thừa đầy đủ các chắc năng của PMIS và cập nhật thêm một số chức năng mới hữu ích, đặc biệt là kết hợp tính toán chỉ số phát triển giáo viên.
ePMIS giúp các nhà quản lý có tầm nhìn đúng trong chỉ đạo thực hiện các hoạt động nâng cấp nâng lương, quy hoạch đội ngũ, tuyển dụng, thuyên chuyển, bồi dưỡng, đào tạo nhà giáo và cán bộ quản lý nhà trường.
ePMIS cung cấp dữ liệu chi tiết và đáng tin cậy về hệ thống nhân sự giáo dục địa phương. Chế độ khai thác dữ liệu linh hoạt, có thể chiết suất thông tin dễ dàng. Môi trường online giúp người dùng tiếp cận, sử dụng thuận lợi, thông tin nhanh chóng, kịp thời giảm bớt khâu trung gian.
Trong khuôn khổ của Hội thảo, Thứ trưởng muốn nghe ý kiến đánh giá của các Sở GD&ĐT tham gia thí điểm sử dụng phần mềm, ý kiến đề xuất việc đưa vào sử dụng rộng rãi ePMIS trên toàn quốc. Đồng thời giao cho Cục Công nghệ Thông tin (Bộ GD&ĐT) chịu trách nhiệm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong quản lý các phần mềm kỹ thuật, hỗ trợ người dùng, duy trì hệ thống và đảm bảo an ninh thông tin;
Sau hội thảo này, Cục Công nghệ Thông tin, phối hợp với Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, tổ chức triển khai thí điểm ePMIS và các đơn vị liên quan tham mưu cho lãnh đạo Bộ về phương án khai thác, sử dụng thông tin, bố trí cán bộ quản trị và xây dựng quy chế cập nhật, sử dụng, khai thác số liệu, hướng dẫn sử dụng cho người dùng trong toàn hệ thống.
Trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ, các Sở GD&ĐT tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố để bố trí nhân lực, tài chính cho việc sử dụng phần mềm thống nhất trong toàn ngành, nhằm tạo ra một cơ sở số liệu chính xác về nguồn nhân lực của ngành.