Trăn trở quá tải trong trường mầm non
- Không đủ giáo viên, thiếu phòng học, số học sinh/lớp vượt quá so với quy định,... ở giáo dục mầm non là khó khăn của nhiều tỉnh/thành và có lẽ Bắc Giang cũng không ngoại lệ, thưa ông?
Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh, sự nghiệp GD&ĐT nói chung, giáo dục mầm non nói riêng tỉnh Bắc Giang không ngừng phát triển, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của nhân dân trong tỉnh. Quy mô trường, lớp và huy động trẻ đến trường ngày càng tăng. 100% học sinh mầm non được học 2 buổi/ngày theo Chương trình giáo dục mầm non mới. Công tác chăm sóc nuôi dưỡng, bảo vệ sức khỏe trẻ, đảm bảo an toàn, phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống dịch bệnh cho trẻ được thực hiện tốt. 100% trẻ được đảm bảo an toàn; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng (SDD) thể nhẹ cân ở nhà trẻ 3,2%, mẫu giáo 3,4%; SDD thấp còi ở nhà trẻ 3,9%; mẫu giáo 4,3%.
Tuy nhiên, do nhu cầu ra lớp ngày càng tăng, số trẻ trong độ tuổi ra lớp hằng năm tăng từ 5.000 đến 7.000 cháu (tăng cơ học), nên giáo dục mầm non Bắc Giang còn gặp rất nhiều khó khăn. Trẻ trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp là 22.257 cháu (19.124 công lập, 3.133 ngoài công lập), đạt tỷ lệ 30,2% (1 tuổi và 2 tuổi); trẻ trong độ tuổi mẫu giáo ra lớp là 104.635 trẻ (102.487 công lập, 2.148 ngoài công lập), đạt tỷ lệ 98,05%. Do thiếu phòng học, nhiều trường mầm non hiện phải sử dụng các phòng chức năng, phòng học tạm, phòng học nhờ để tổ chức các hoạt động giáo dục.
Đến tháng 4/2017, Bắc Giang có 276 trường mầm non, trong đó 268 trường mầm non công lập và 8 trường mầm non tư thục, 150 nhóm trẻ độc lập tư thục; toàn tỉnh vẫn còn 442 phòng học tạm, nhờ các loại. Tỷ lệ giáo viên/lớp toàn tỉnh bình quân đạt 1,46 - thiếu nhiều so với quy định của Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ. Số nhóm, lớp có học sinh quá tải (chỉ tính trên 30 trẻ đối với nhóm trẻ và trên 40 trẻ lớp mẫu giáo) toàn tỉnh là 848 nhóm lớp chiếm tỷ lệ 22,7%. Tình trạng “quá tải” trong các trường mầm non công lập đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ, đến kết quả phổ cập giáo dục mầm non và việc thực hiện đổi mới GD&ĐT theo Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
Nhằm củng cố và duy trì kết quả phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi ngày càng vững chắc, thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Sở GD&ĐT đã tham mưu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình HĐND tỉnh Bắc Giang ban hành Nghị quyết số 28/2014/NQ-HĐND ngày 11/12/2014 quy định mức hỗ trợ xây dựng trường mầm non trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 870/QĐ-UBND phê duyệt Đề án xây dựng cơ sở vật chất giáo dục mầm non tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2015 -2020, trong đó đặc biệt có chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, các nhóm trẻ độc lập, tư thục tại cộng đồng. Song, sau hơn 2 năm triển khai, tình trạng quá tải trong các trường mầm non trên địa bàn vẫn chưa được khắc phục triệt để.
- Vậy theo ông, đâu là vấn đề căn bản cần điều chỉnh để giải quyết tình trạng thiếu lớp học, thiếu giáo viên ở bậc học mầm non?
Để giải quyết tình trạng thiếu lớp học, thiếu giáo viên ở bậc học mầm non, vấn đề căn bản là cần điều chỉnh cách tiếp cận và cơ cấu của bậc học này, cụ thể:
Một là, chuyển từ cơ chế nhà nước bao cấp (về cơ sở vật chất, giáo viên) là chính sang nhà nước và xã hội cùng chăm lo; khuyến khích, tạo điều kiện để giáo dục mầm non ngoài công lập ngày càng phát triển, chia sẻ bớt gánh nặng với nhà nước;
Hai là, thực hiện phương châm: Nhà nước tập trung các nguồn lực lo các điều kiện để huy động trẻ trong độ tuổi mẫu giáo (từ 3-5 tuổi) ra lớp; còn đối với nhà trẻ (dưới 36 tháng tuổi) chủ yếu là xã hội hóa, có sự hỗ trợ và quản lý của nhà nước;
Ba là, ưu tiên đầu tư giáo dục mầm non đối với các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc; địa bàn xung quanh các khu công nghiệp, khu đông dân cư.
Giáo viên hợp đồng được hưởng chính sách như giáo viên biên chế
Sân phát triển vận động Trường MN Mai Trung 1 (Bắc Giang) |
- Cụ thể, những giải pháp, nhiệm vụ nào được đặt ra trong năm học 2017-2018 để khắc phục những khó khăn của giáo dục mầm non Bắc Giang?
Chúng tôi chú trọng vào 2 nhiệm vụ, giải pháp chính, đó là: Khắc phục tình trạng thiếu phòng học và thiếu giáo viên trong các trường mầm non.
Về khắc phục tình trạng thiếu trường, lớp mầm non: Chỉ đạo tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trường mầm non, phấn đấu đến hết năm 2018 xóa 442 phòng học tạm. Trước mắt, ở những xã đang thiếu phòng học mầm non, UBND xã xây dựng Đề án trình HĐND cùng cấp để huy động sự đóng góp, ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp, phụ huynh học sinh cùng với ngân sách địa phương xây dựng số phòng học còn thiếu (thực hiện từ kỳ họp HĐND giữa năm 2017).
Khuyến khích và tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư xây dựng trường mầm non tư thục và mở các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục. Tại các phường thuộc thành phố Bắc Giang và các thị trấn, ngân sách nhà nước không đầu tư xây mới phòng học tại các trường mầm non công lập; tăng mức học phí trong các trường mầm non công lập lên để thu hẹp khoảng cách về học phí đối với các trường tư thục.
Ưu tiên bố trí diện tích đất kêu gọi đầu tư xây dựng các trường mầm non tư thục; xác định cụ thể và công khai rộng rãi địa điểm, diện tích các khu đất để kêu gọi xã hội hóa. Đối với các dự án đầu tư khu dân cư, khu đô thị mới (trên 10 ha) nhất thiết phải quy hoạch quỹ đất để thu hút đầu tư xây dựng trường mầm non.
Hằng năm, bố trí ngân sách tỉnh thực hiện các chính sách thu hút, khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng trường mầm non tư thục và mở các nhóm lớp độc lập tư thục theo Nghị quyết số 28/2014/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang và Quyết định số 870/QĐ-UBND của UBND tỉnh.
Với đội ngũ giáo viên: Bắc Giang phấn đấu năm học 2017-2018, trong các trường mầm non công lập đạt tỷ lệ 1,8 giáo viên/lớp (hiện nay tỷ lệ chung toàn tỉnh đạt 1,46) và nâng dần trong các năm học tiếp theo để đến năm 2020 đạt tỷ lệ bình quân 2,2 giáo viên/lớp.
Sau khi điều chỉnh giảm các nhóm trẻ và thực hiện “giảm tải” trong các trường mầm non công lập, UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm bố trí, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên để đảm bảo cân đối giữa các trường mầm non công lập trong huyện. Năm học 2017-2018 toàn tỉnh còn thiếu 621 giáo viên (để đạt 1,8 giáo viên/lớp).
Cho phép UBND các huyện, thành phố thực hiện cơ chế hợp đồng giáo viên mầm non đối với các trường mầm non công lập, cụ thể: Giáo viên hợp đồng có trình độ từ Trung cấp sư phạm mầm non trở lên; tự nguyện tham gia giảng dạy hợp đồng theo địa bàn được phân công; được hưởng các chế độ chính sách theo quy định (đối với trình độ cao cẳng, đại học áp dụng hệ số lương 2,1). Ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ đóng BHXH, BHYT và các khoản đóng góp bắt buộc (tổng 24%); trong đó, ngân sách huyện, thành phố đảm nhiệm 50%, ngân sách tỉnh 50%. Riêng hợp đồng giáo viên mầm non tại huyện Sơn Động và các xã đặc biệt khó khăn do ngân sách tỉnh chi trả.
Ngành giáo dục Bắc Giang đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang ban hành Kết luận số 43-KL/TU ngày 11/5/2017, theo đó, đồng ý để UBND tỉnh tổ chức tuyển dụng giáo viên mầm non còn thiếu trên cơ sở số lớp thực tế theo hình thức hợp đồng để đảm bảo định mức 1,8 giáo viên/lớp. Chế độ, chính sách tiền lương và các chính sách về con người được nhà nước đảm bảo như giáo viên biên chế sự nghiệp. Việc tuyển dụng giáo viên hợp đồng phải được tiến hành công khai, minh bạch và xem xét ưu tiên người có đủ tiêu chuẩn ngay tại địa phương.
Tỉnh cũng đồng ý đào tạo lại số giáo viên Nhạc, Họa dôi dư tại các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh để điều chuyển dạy ở bậc mầm non từ năm học 2017- 2018, đồng thời, đồng ý nâng mức học phí của bậc học mầm non theo báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh ngay từ năm học 2017-2018...
Có thể nói, đây là những cơ chế vô cùng quan trọng, giúp giáo dục mầm non Bắc Giang vượt qua khó khăn, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc trẻ, đáp ứng yêu cầu Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương.
- Xin cảm ơn ông!