Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Thực hiện đầy đủ và đồng bộ quyền tự chủ đại học

GD&TĐ - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị, nghiên cứu và ban hành chính sách để các trường đại học thực hiện đầy đủ và đồng bộ quyền tự chủ đại học.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự khai giảng năm học 2024 – 2025 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự khai giảng năm học 2024 – 2025 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Ngày 12/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự khai giảng năm học 2024 – 2025 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Cùng tham dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang; Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Trường đại học phải là một thực thể quan trọng

Gửi lời chúc mừng tới Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm ghi nhận, Học viện là một trong các trường đại học trọng điểm của đất nước. Gần 70 năm qua, Học viện đã đào tạo cho đất nước hơn 120 ngàn cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lý có trình độ đại học, trên 15.000 thạc sỹ và hơn 700 tiến sỹ.

Lực lượng cán bộ do Học viện đào tạo là nguồn nhân lực rất quan trọng trên mặt trận nông nghiệp và phát triển nông thôn, dấu chân họ đã in đậm trên mọi nẻo đường đất nước, họ đã cống hiến sức lực và trí tuệ vào những thành tựu nổi bật của công cuộc phát triển nông nghiệp và nông thôn nước nhà, nhất là trong thời kỳ đổi mới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn nói chung, Học viện Nông nói riêng cần nhận thức sâu sắc tầm nhìn khởi điểm lịch sử mới, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình để không ngừng đổi mới, phấn đấu vươn lên mạnh mẽ, tiến cùng với thời đại, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

tongbithutolam-8476.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại lễ khai giảng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, Đảng ta đã nhiều lần khẳng định giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu, khoa học và công nghệ là then chốt đối với sự phát triển và hưng thịnh của đất nước.

Do vậy, trường đại học phải là một thực thể quan trọng trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi số.

Không những là trung tâm đào tạo, nghiên cứu hàng đầu của đất nước, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cần phấn đấu là cơ sở giáo dục đại học có uy tín cao trong khu vực và thế giới; đồng thời là trung tâm của đổi mới sáng tạo, địa chỉ tin cậy của khởi nghiệp Quốc gia.

Học viện cần xây dựng Đề án phát triển tổng thể với lộ trình phù hợp để trở thành một đại học theo mô hình của các trường đại học nghiên cứu tiên tiến trên thế giới. Các bộ, ngành có trách nhiệm hướng dẫn và hỗ trợ Học viện trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện thật tốt đề án này.

Bên cạnh kiến thức và kỹ năng chuyên môn tốt, sinh viên tốt nghiệp đại học phải có khả năng thích ứng nhanh, kịp thời với những vấn đề mới như: trí tuệ nhận tạo, tự động hóa và chuyển đổi số...; đồng thời, cần có khát vọng cống hiến, kỹ năng tự học suốt đời, kỹ năng đổi mới sáng tạo, cùng với các kĩ năng mềm khác, đảm bảo thích ứng với yêu cầu công việc.

vnuajpg3-5630.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham quan phòng truyền thống của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Hội nhập toàn diện hơn về giáo dục đại học

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ, các cơ sở giáo dục đại học, trong đó có Học viện Nông nghiệp Việt Nam cần tiếp tục thực hiện tự chủ đại học và ở tầm cao mới theo các tiêu chí, thông lệ của giáo dục đại học ở các nước phát triển; đảm bảo hội nhập toàn diện hơn về giáo dục đại học, nhưng vẫn thấm đẫm văn hóa Việt, tâm hồn Việt, xuất phát từ thực tiễn đất nước và con người Việt Nam.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị, Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu và ban hành chính sách để các trường đại học thực hiện đầy đủ và đồng bộ quyền tự chủ đại học, để sớm có một hệ thống giáo dục đại học có thể "sánh vai với các cường quốc năm châu".

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, tự chủ đại học không có nghĩa là Nhà nước không đầu tư, mà là đầu tư theo các "Kết quả đầu ra", cơ sở giáo dục cam kết với Nhà nước; đặc biệt là ưu tiên đặt hàng, giao nhiệm vụ với các ngành nghề khó xã hội hóa, ít hấp dẫn đối với người học, nhưng đất nước đang thực sự cần và là thế mạnh của chúng ta như nông - lâm - ngư nghiệp.

Các bộ, ngành hỗ trợ và hướng dẫn Học viện sớm cho thí điểm và mở rộng mô hình doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ (Spin-off), làm cầu nối giữa nghiên cứu trong trường đại học với doanh nghiệp, với thực tiễn, nhanh chóng thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị, địa phương sở tại cần hợp tác chặt chẽ với Học viện Nông nghiệp Việt Nam và quan tâm hơn nữa đối với việc kết nối hạ tầng, vệ sinh môi trường, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; tích cực phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ Học viện trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng đất đai hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực.

vnuajpg2-3372.jpg
GS.TS Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại Học viện.

Khẳng định, chặng đường 68 năm qua, Học viện Nông nghiệp Việt Nam không ngừng nỗ lực, vượt qua nhiều khó khăn, GS.TS Nguyễn Thị Lan – Giám đốc nhấn mạnh, công cuộc phát triển tiếp tục trao truyền cho Học viện sứ mệnh quan trọng và cao cả là: đào tạo nguồn lực, làm chủ được công nghệ tiên tiến và hiện đại; tạo lập nên các giá trị mới nhằm khai thác tốt hơn các nguồn lực.

Nhiệt liệt chào đón tân sinh viên, GS.TS Nguyễn Thị Lan nhắn gửi, năm học mới bắt đầu với nhiều kỳ vọng. Các em sẽ học tập, nghiên cứu với tinh thần đổi mới sáng tạo, không ngại khó khăn, thử thách để trở thành những chuyên gia giỏi, những nhà lãnh đạo tương lai.

Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hàng đầu thế giới. Năm 2024, dự báo con số xuất khẩu nông sản lên khoảng 60 tỷ USD. GS.TS Nguyễn Thị Lan cho hay, Học viện Nông nghiệp Việt Nam được đầu tư dự án “Tăng cường năng lực khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”.

Đây là dự án mang dấu ấn quan trọng trong lịch sử phát triển 68 năm qua của Học viện. Dự án được đầu tư đồng bộ cả về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phòng nghiên cứu, phòng thực hành và nâng cao năng lực quản trị.

vunua-1416.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham quan phòng các gian trưng bày sản phẩm của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

“Hưởng ứng lời hiệu triệu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, gần 30 nghìn sinh viên và 1.400 cán bộ Học viện Nông nghiệp Việt Nam bày tỏ sự quyết tâm cao nhất, không ngừng nỗ lực phấn đấu lao động, học tập và nghiên cứu. Đây cũng là mệnh lệnh của trái tim” - GS.TS Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.

Ngay sau Lễ khai giảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và các đại biểu đã dự khánh thành “Dự án tăng cường năng lực đào tạo, khoa học công nghệ” từ nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới.

Dự án được triển khai tại Học viện đã góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu, đào tạo của Học viện. Thông qua Dự án này, cơ sở vật chất kỹ thuật của Học viện phát triển mạnh mẽ, khang trang, hiện đại với 13 công trình được xây dựng mới đáp ứng nhu cầu làm việc, giảng dạy, học tập của cán bộ, nhân viên, sinh viên tại Học viện.

Trước đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã thăm Phòng truyền thống và ghi Sổ vàng truyền thống của Học viện.

Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tham quan Triển lãm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; trồng cây lưu niệm trong khuôn viên Học viện.

vnuajpg1-9732.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự Lễ khánh thành “Dự án tăng cường năng lực đào tạo, khoa học công nghệ” từ nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tiền thân là Trường ĐH Nông Lâm, được thành lập năm 1956, là cơ sở đào tạo, nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực Nông - Lâm - Ngư nghiệp của Việt Nam. Học viện không ngừng tự chủ, sáng tạo để luôn đi đầu trong đào tạo, nghiên cứu, phục vụ xã hội. Ghi nhận những thành tích của Học viện, Đảng và Nhà nước đã hai lần tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Trong 68 năm phát triển, Học viện đã đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm năm 1959; đón cố Thủ Tướng Phạm Văn Đồng; cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.