Chiều 11/10, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị định hướng hoạt động khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên. Hội nghị có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các sở GD&ĐT các tỉnh miền Bắc.
Trao đổi tại Hội nghị, ông Lục Văn Dương – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cao Bằng cho hay, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được địa phương quan tâm, chú trọng. Theo đó, Sở GD&ĐT tập trung một số giải pháp như: Đưa tư duy khởi nghiệp vào chương trình giáo dục thông qua hoạt động trải nghiệp, hướng nghiệp và tích hợp, lồng ghép vào các môn học có liên quan. Qua đó, học sinh không chỉ được trang bị kiến thức, mà còn khơi dậy tinh thần khởi nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Ngành Giáo dục của tỉnh Cao Bằng cũng tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên tiếp cận với công nghệ và sáng tạo. Sở chú trọng đầu tư vào các phòng thí nghiệm, phòng học bộ môn, không gian học tập, sáng tạo nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các m tiếp cận và ứng dụng công nghệ vào các ý tưởng của mình.
“Tăng cường hợp tac với các doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp cũng là cách mà chúng tôi đã và đang triển khai. “Ngoài ra, chúng tôi còn tăng cường đào tạo đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục” - ông Lục Văn Dương chia sẻ.
Để bảo đảm chất lượng giáo dục trong việc hỗ trợ khởi nghiệp, Sở GD&ĐT Cao Bằng chú trọng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục về kỹ năng hướng dẫn và hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên. Đây là bước đi chiến lược để nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong giáo dục.
“Chúng tôi tạo sân chơi cho học sinh thông qua cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp. Hằng năm, Sở GD&ĐT giao chỉ tiêu cho các nhà trường; trong đó mỗi tổ/nhóm chuyên môn thực hiện 1 chủ đề Stem/học kỳ” - ông Lục Văn Dương trao đổi.
Đề xuất với Học viện Nông nghiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT kiến nghị, Học viện cần triển khai các mô hình ươm tạo khởi nghiệp để tăng cường kết nối, hợp tác với doanh nghiệp. Qua đó, khuyến khích giảng viên, sinh viên sử dụng phương pháp đào tạo, nghiên cứu gắn với thực tế thị trường.
Bên cạnh đó, Học viện cần thúc đẩy công tác nghiên cứu và thương mại hóa nghiên cứu của các cơ sở giáo dục đại học trên cơ sở có nguồn lực và sự tham gia của doanh nghiệp. Từ đó, tạo cơ hội cho học sinh, sinh viên khởi nghiệp, nghiên cứu khoa học và ứng dụng các nghiên cứu ra thực tiễn nhằm khởi nghiệp thành công.
Ngoài nội dung chương trình, cần kết hợp giảng dạy về khởi nghiệp cho học sinh, ông Đỗ Duy Hưng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương nêu ý kiến. Thực tế, nhiều học sinh có năng lực, khát vọng nhưng không có người hỗ trợ kịp thời, dẫn đến chọn sai đường đi.
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Vũ Ngọc Huyên – Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các Sở GD&ĐT trong tổ chức hội thảo hành trình khởi nghiệp từ THPT;
Bên cạnh đó, Học viện trang bị kiến thức khởi nghiệp cho giáo viên THPT tổ chức trang bị kiến thức khởi nghiệp cho cán bộ Đoàn, Hội; đồng thời tổ chức Cuộc thi ý tưởng khoa học công nghệ khởi nghiệp trong học sinh THPT.
PGS.TS Vũ Ngọc Huyên cho hay, từ bệ phóng của Chương trình Khởi nghiệp nông nghiệp, hàng trăm dự án khởi nghiệp đã được hiện thực hóa thành các công ty, hợp tác xã.
Hơn 1400 dự án đã tham gia, với sự đóng góp của các trường THCS, THPT, cao đẳng và đại học, các tỉnh thành đoàn trong cả nước. Sinh viên của Học viện đã giành được nhiều thành tựu, trong đó có 5 lần đạt giải Nhất cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia – một niềm tự hào không nhỏ của tập thể Học viện.
Nhằm ươm mầm, nuôi dưỡng và khơi dậy những ý tưởng, niềm đam mê khởi nghiệp ngay từ THPT cho học sinh, từ năm 2023 đến nay, Học viện phối hợp với Sở GD&ĐT 26 tỉnh, thành phố tổ chức chương trình hội thảo “Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông”. Qua đó, khơi dậy tinh thần, khát vọng khởi nghiệp trong giới trẻ, ý chí lập thân, lập nghiệp. Từ năm 2023 đến nay, Học viện đã tổ chức các kỳ thi “Kiến thức công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo VNUA” cho học sinh các trường THPT.