Ngày hội VH-TT-DL đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII năm 2022 với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Khmer Nam Bộ; Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển” diễn ra từ ngày 6 - 8/11 tại tỉnh Sóc Trăng. Đây là dịp tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer.
Bên cạnh đó, Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng khu vực ĐBSCL lần thứ V năm 2022 cùng diễn ra từ ngày 2 - 8/11 với rất nhiều hoạt động đặc sắc. Tỉnh Sóc Trăng đã chuẩn bị sẵn sàng cho ngày hội lớn.
Sóc Trăng là đơn vị được Bộ VH-TT&DL chọn để đăng cai tổ chức Ngày hội và Lễ hội. Cho nên, ngay từ khi có kế hoạch của Bộ VH-TT&DL, UBND tỉnh cũng đã có kế hoạch để triển khai thực hiện. Công tác chuẩn bị của Ban Tổ chức đăng cai là khẩn trương ngay từ đầu. Ban Tổ chức tỉnh đăng cai đã triển khai rất là sâu sắc đến từng ban, ngành và các địa phương để chuẩn bị cho tất cả các điều kiện theo tinh thần kế hoạch của Bộ giao cho, cũng như là công tác chuẩn bị, làm tốt nhất những gì có thể để phục vụ cho tỉnh bạn, cũng như phục vụ cho Ngày hội được thành công.
Đến nay, công tác tuyên truyền đã được triển khai chu đáo. Ngành thông tin truyền thông cũng như UBND TP Sóc Trăng đã có sự phối hợp để tuyên truyền sâu rộng trên kênh cộng thông tin điện tử; tuyên truyền trực diện, trực tiếp, trực quan sinh động ở địa bàn thành phố. Ngoài ra, thành phố Sóc Trăng cũng đã chỉnh trang lại thành phố và đặc biệt là làm lại các bờ kè đường sông Maspero để chúng ta trình diễn thả đèn nước cũng như phục dựng ghe Cà Hâu, Đến nay những công việc cơ bản đã hoàn thành.
Đường phố ở TP Sóc Trăng được trang trí chuẩn bị cho ngày hội. |
Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo là lễ hội truyền thống của đồng bào được duy trì nhiều năm rồi. Bộ VH-TT&DL đã quyết định cho Sóc Trăng cứ 2 năm định kỳ tổ chức một lần ở cấp khu vực và lần này là lần thứ 5 tổ chức. Năm 2021 là do dịch bệnh, Sóc Trăng cũng xin ý kiến các cấp chính quyền, đồng bào Khmer để tạm ngưng hoạt động 1 năm. Năm nay, dịch bệnh đã ổn, đã kiểm soát được cho nên tiếp tục tổ chức Lễ hội này.
Cùng với sự kiện Ngày hội Văn hóa được lồng ghép vào, bà con rất phấn khởi, cho nên số lượng khách tham dự Ngày hội và Lễ hội này chắc ăn sẽ cao hơn năm 2019.
Nếu tính hoạt động của ngày hội thôi thì mỗi ngày có thể thu hút trên 10.000 lượt khách, nhưng với 2 ngày đua ghe Ngo, ngày chính là 7 - 8/11, lượng khách về với Sóc Trăng để xem trực tiếp sẽ lên đến trên 100.000 người. Riêng Ngày hội VH-TT-DL đại biểu chính thức để về tham gia hoạt động hội thao, văn hóa nghệ thuật là gần 3 ngàn người; chỉ riêng các đội ghe Ngo cũng khoảng từ 7.000 – 8.000 người. Một hoạt động của Ngày hội, một môn thể thao của quần chúng mà huy động đến 7 - 8 ngàn người đó là hoạt động rất đặc biệt.
Đây là lễ hội lớn, mang tầm quốc gia, khu vực, mang niềm kỳ vọng rất lớn. Về phía đơn vị đăng cai, sẽ làm thật tốt nhiệm vụ được Bộ giao, và cũng để lại trong lòng bạn bè của 12 tỉnh tham gia cũng như khách du lịch trong và ngoài nước đến có những ấn tượng rất là đẹp về Sóc Trăng, và mong muốn khách sẽ trở lại Sóc Trăng những lần sau nữa, từ đó để Sóc Trăng phát triển lĩnh vực du lịch đúng như tiềm năng vốn có của nó.
Đây là dịp để bạn bè gần xa, các doanh nghiệp, nhà đầu tư có dịp xuống Sóc Trăng, tìm hiểu được tiềm năng, thế mạnh cũng như những khó khăn vướng mắc để cùng với Sóc Trăng chia sẻ, tháo gỡ, trên cơ sở đó, đặt niềm tin để tìm cơ hội hợp tác, đầu tư phát triển , đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch khi mà chúng ta được Chính phủ phê duyệt cảng nước sâu, mở ra nhiều tiềm năng lớn để chúng ta có cơ hội vươn ra, hợp tác với bạn bè trong và ngoài nước, thì những nhà đầu tư về đây, họ sẽ là những bạn bè thân thiết để giúp chúng ta về nguồn nhân lực, vật lực, để giúp Sóc Trăng cất cánh, có thể vượt qua khó khăn, sánh vai cùng bạn bè trong khu vực và cả nước.
Theo ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Ngày hội sẽ được tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, không phô trương lãng phí, đồng thời tạo không khí vui tươi, phấn khởi, an toàn gắn với các sự kiện chính trị, văn hóa của đất nước, khu vực và địa phương. Đây là 2 sự kiện lớn của tỉnh và khu vực ĐBSCL nên tỉnh rất quan tâm, chuẩn bị chu đáo mọi mặt để tổ chức thật tốt.
“Ngày hội là dịp tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam; góp phần giữ gìn, phát huy và tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã đề ra”, ông Trần Văn Lâu cho biết.