Trong khi công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải… đang nhúc nhích, thì giáo dục, văn hóa vẫn nằm trong vùng khủng hoảng. Đồng lương không đủ sống, giáo viên bỏ nghề hàng loạt. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, có tháng hơn ngàn giáo viên nghỉ việc, đi tìm nghề khác kiếm cơm.
Học sinh Đồng bằng Nam Bộ, nơi vùng sâu vùng xa, học sinh miền núi hải đảo… còn bỏ trường trước cả thầy cô. Ở Châu thổ sông Hồng, ở vùng Thanh Nghệ Tĩnh, nơi được coi là đất học, thầy cô giáo tranh thủ nghỉ tiết đi buôn tem phiếu, chạy chợ kiếm thêm là chuyện thường.
Hàng loạt giáo viên mẫu giáo hưởng chế độ công điểm của hợp tác xã, quyết nghỉ dạy để bám đít con trâu kiếm vài lạng thóc một ngày. Giáo viên cấp một, cấp hai nhiều người ở ngoài đồng nhiều hơn thời gian trên lớp.
Vì thế, câu định nghĩa mới về nghề thầy: “Thầy cô giáo là người nông dân có nghề phụ là nghề dạy học”, hài hước xót xa cho mãi tới bây giờ. Khi đó, tôi đang là phóng viên Báo Người giáo viên nhân dân (tức Báo Giáo dục và Thời đại bây giờ), trụ sở báo đóng tại 14 Lê Trực. Làm báo, nhưng lại ham muốn trở thành nhà văn, nên năm nào bản kiểm điểm của tôi cũng bị phê: “…
Nếu chuyên tâm với công việc báo chí hơn, tránh sa đà vào văn chương thì còn triển vọng hơn nữa…(?)”. Dạo ấy, sau tín hiệu “cởi trói cho văn nghệ sỹ”, nhà văn Nguyên Ngọc được cử về làm Tổng Biên tập báo Văn Nghệ.
Sau một loạt bài bàn tròn văn chương, sau loạt phóng sự “Vua lốp” của Trần Huy Quang, “Cái đêm hôm ấy đêm gì” của Phùng Gia Lộc, nhất là sau truyện ngắn “Tướng về hưu” của Nguyễn Huy Thiệp, các truyện ngắn của Phạm Thị Hoài… độc giả văn chương như bị kích hoạt, như mắc chứng lên đồng, không đọc báo Văn Nghệ thì không chịu nổi. Tia-ra báo Văn Nghệ đang từ hai nghìn bản tăng vọt lên sáu mươi, bảy mươi nghìn bản một số.
Trong một buổi họp cộng tác viên chuyên viết bút ký, phóng sự ở Hà Nội, đích thân Trưởng ban văn xuôi Ngô Ngọc Bội, rồi Tổng biên tập báo Văn Nghệ đặt bài tôi viết về giáo dục.
Phải có những phóng sự về nhà giáo, nhà trường, về bức tranh toàn cảnh của ngành Giáo dục trong đời sống xã hội hôm nay. Nghe nhà văn Nguyên Ngọc nói vậy, tôi biết ông rất kỳ vọng ở mảng đề tài hóc búa này.
Đã 10 năm làm phóng viên báo ngành, đi hầu khắp các tỉnh thành cả nước, nơi nào có điển hình tiên tiến về giáo dục là bộ tứ chúng tôi: Lê Khắc Hoan, Nguyễn Ngọc Chụ, Đinh Khắc Vượng, Hoàng Minh Tường có mặt.
Những cấp 2 Bắc Lý, cấp 1 Hải Nhân, cấp 1 - 2 Đạo Viện, Vừa học vừa làm Hòa Bình, vùng cao Pù Nhi (Thanh Hóa), Sư phạm Nghĩa Lộ, cấp 3 Lê Hồng Phong (Nam Định), cấp 3 Lam Sơn, Thanh Hoá, cấp 3 Châu Văn Liêm (Cần Thơ), Sư phạm Đồng Tháp; trường thực nghiệm của giáo sư Hồ Ngọc Đại… coi chúng tôi như người nhà.
Có nơi chúng tôi ăn dầm nằm dề, dự giờ, thăm bản, họp với phụ huynh học sinh, sinh hoạt cùng các tổ, các nhóm giáo viên… cả tuần lễ.
Riêng tôi, với tính lãng tử, thích phiêu lưu, còn tự mình làm nhiều chuyến đi, ví như leo núi 40 cây số lên tận trường Bộc Bố gần đỉnh Phia Bioóc, hay đi tắc - ráng từ Hà Tiên ra Phú Quốc giữa đêm mưa gió, sóng biển cao đến 4, 5 mét… Viết phóng sự khác với viết về điển hình.
Cởi áo cho người xem lưng, nhất là cái lưng giáo dục lúc này đầy những vết bầm dập và cả những mụn ghẻ lở, nhiễm trùng… liệu các sếp ngành mình có ưng không? Tôi băn khoăn, toan tính. Viết cho báo ngành thì chẳng được in. Viết cho báo ngoài, chắc chắn sẽ bị phạt vi cảnh.
Thế rồi một buổi sáng, khi tòa soạn vừa mở cửa, anh Hoàng Viết Nghiệm, một cán bộ công đoàn kỳ cựu, một cộng tác viên ruột của báo, từ bên số 5 Trịnh Hoài Đức, cơ quan và cũng là khu tập thể của Công đoàn Giáo dục Việt Nam sang báo tin: Suốt đêm qua, chuông điện thoại réo không ngớt. Hàng ngàn giáo viên Sài Gòn và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nghỉ việc. Công đoàn các tỉnh đề nghị Bộ và Công đoàn ngành chỉ đạo gấp. Mọi người lặng đi như vừa nghe một hung tin.
Trong đầu tôi lóe lên cái tít của bài phóng sự: “Làng giáo có gì vui”. Phải viết về cái làng giáo hôm nay. Phải gióng lên một hồi chuông báo động cho sự nghiệp trồng người. Và tôi bắt đầu bài phóng sự với đề mục: Hồi chuông lúc nửa đêm.
Rồi các đề mục khác: Định nghĩa mới về nghề thầy, Muốn Tôi như người lái đò chèo ngược dòng sông chảy xiết để tìm lại những thác ghềnh mình đã qua, ghé lại những bãi bờ mình đã trôi dạt. Những địa danh, những gương mặt người thầy mà tôi đã gặp được tái hiện, đôi khi nhấn một nét khắc họa ấn tượng.
Cũng có đêm tôi dừng viết, đầu óc mụ mị, bế tắc. Nghe có người nói, ở làng gốm Bát Tràng có chợ người họp tờ mờ sáng, ở đó ngày nào cũng có các thầy cô giáo đến xin làm thuê. Lập tức tôi đạp xe về Long Hưng, xin ngủ lại nhà một người quen, để nửa đêm, nghe tiếng lao xao đi chợ người Bát Tràng.
Rồi chính mắt tôi đã gặp được các thầy cô giáo ấy. Họ là những giáo viên ven vùng bãi sông Hồng, tranh thủ ngày không có giờ dạy để đi làm than, vác củi, hay làm bất cứ việc gì cho dân gốm sứ Bat Tràng.
Có hôm Chủ nhật, đang viết, tôi dừng bút, đạp xe hỏi thăm đến nhà vợ chồng nhà giáo Vũ Xuân Túc. Anh là giáo viên dạy Văn Trường chuyên Amstecdam, chị dạy Hóa, cả hai đều dạy giỏi nức tiếng Hà Nội. Căn nhà, đúng hơn là căn phòng hơn chục mét vuông trong ngõ hẻm phố Bùi Thị Xuân của anh Túc, chị Châu, và cô con gái nhỏ không có chỗ cho khách ngồi.
Anh Túc dắt tôi bò lên cầu thang, rồi bảo vợ luồn chiếc phích và bộ ấm chén lên. Chúng tôi ngồi đàm đạo trên chòi gác xép cao hơn mét, bốn bề ngột ngạt sách.
Tôi phát hiện ra một sự thật nghiệt ngã: Các nhà giáo Hà Nội sống và làm việc như họ thật vô vàn. Ở Hà Nội, các cán bộ công nhân viên đều được phân nhà, phân đất, trừ ngành Giáo dục. Một tiêu chuẩn để các giáo viên muốn chuyển về Hà Nội là phải tự túc chỗ ở. Dạy giỏi bằng giời mà không có chốn nương thân thì cũng… xin kiếu thầy cô.
Tôi đã viết về tình cảnh thầy giáo dạy giỏi Vũ Xuân Túc như một tiếng than thầm cho … sự bạc bẽo của chất xám. Phóng sự “Làng giáo có gì vui” đăng trên trang nhất báo Văn Nghệ và được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt. Nhiều trường học, nhiều giáo viên sao chụp, chuyền tay nhau đọc .
Bài phóng sự cũng như một phúc trình về hiện trạng đời sống nhà giáo và ngành Giáo dục lên Chính phủ, góp phần tạo dựng những chính sách kịp thời, tháo gỡ nhiều khó khăn cho nhà giáo, nhà trường ngay sau đó.
Vui nhất là bài báo của tôi đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng đọc. Và hình như sau đó, việc vợ chồng nhà giáo Vũ Xuân Túc được phân nhà mới cũng từ hệ quả của bài báo này. Tiếp đó, báo Văn Nghệ điều xe để tôi lên Hòa Bình, nơi có Trường Thanh niên Lao động XHCN Hoà Bình, con cưng của phương thức giáo dục vừa học vừa làm.
Tôi thức trắng đêm với thầy giáo Nguyễn Viết Ngoạn, người hiệu trưởng, Nhà giáo Nhân dân với biết bao tâm huyết, công sức tạo dựng ngôi trường gần 20 năm, giờ như thở hắt ra, bất lực, không cứu chữa nổi ngôi trường từng được cả nước nuôi dưỡng.
Tuần sau tôi có phóng sự “Anh hùng khi đã sa cơ”, viết về Trường Thanh niên lao động XHCN Hoà Bình, như một lời điếu cho người Anh hùng của cơ chế bao cấp. Vậy là, hai phóng sự liên tiếp về ngành Giáo dục đăng trên báo Văn Nghệ, như món hồi môn, đã đưa tôi từ báo Người giáo viên Nhân dân sang với báo Văn Nghệ. Tôi từ giã Nghề Thầy để thực sự bước vào Nghiệp Văn từ đó.