Tối ưu hoá mô hình dạy liên kết trong trường học

GD&TĐ - Việc có nên để các mô hình dạy 'liên kết' trong trường công lập sẽ phụ thuộc vào cách làm của từng địa phương và đặc điểm của từng trường. 

Một giờ học trên lớp của cô trò Tiểu học. Ảnh minh họa: INT.
Một giờ học trên lớp của cô trò Tiểu học. Ảnh minh họa: INT.

Thầy giáo Phạm Văn Công - Giáo viên Trường Tiểu học Kỳ Đồng (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) vừa có một số chia sẻ xung quanh vấn đề dạy chương trình liên kết trong các trường học hiện nay.

Theo đó, dạy thêm là việc giáo viên dạy các nội dung không được quy định trong chương trình học cho học sinh và có thu tiền. Hình thức học thêm có thể diễn ra trong hoặc ngoài trường. Việc đưa các mô hình “liên kết” vào các trường công lập hiện nay chính là một hình thức dạy thêm. Các nhà trường được phép hợp đồng với các trung tâm để giáo viên dạy thêm trong chính trường của mình vì các trung tâm đã được cấp phép.

Một số bất cập khi thực hiện dạy 'liên kết'

Trước tiên phải nói về “giá cả”, đương nhiên khi thực hiện dạy “liên kết” thì giá các tiết dạy sẽ phải tăng lên gấp nhiều lần vì còn phải trả phí cho các trung tâm. Nhiều trường khi tổ chức thực hiện dạy các môn tự chọn như Tin học, Ngoại ngữ với 2 tiết/tuần = 8 tiết/tháng thì chỉ thu của phụ huynh học sinh 20.000 đồng/tháng, tương đương 2.500đồng/tiết.

Còn nếu thực hiện “liên kết” thì trường thu ít nhất cũng là 50.000 đồng/tháng, dạy 1 tiết/tuần = 4 tiết/tháng, tương đương 12.500 đồng/tiết (gấp 5 lần). Nếu dạy Tiếng Anh “liên kết” với người nước ngoài thì lên đến 130.000 đồng/tháng, dạy 1 tiết/tuần = 4 tiết/tháng, tương đương 32.500 đồng/tiết (gấp 13 lần).

Như vậy, khi các trường thực hiện dạy “liên kết” thì phụ huynh phải tốn một số tiền học phí tương đối lớn so với các hình thức dạy các môn tự chọn trong các trường hiện nay.

Về thời khoá biểu, nếu xếp các tiết “liên kết” chèn vào các tiết dạy chính khoá là hoàn toàn sai quy định, vì chương trình giáo dục phổ thông hiện nay quy định rất rõ, học sinh được học 2 buổi/ngày, mỗi ngày 7 tiết.

Không những thế, nếu xếp chèn các môn “liên kết” vào tiết chính khoá thì sẽ rất khó thực hiện vì những học sinh không đăng kí học lẽ ra phải được ngồi lại chính lớp học của mình thì lại có thể bị ra ngoài. Thời gian đó ai sẽ quản lý học sinh, nếu để giáo viên trong trường quản lý thì ai sẽ trả lương cho giáo viên đó?

Còn nếu xếp vào các tiết 4 các buổi chiều hay các ngày Thứ Bảy, Chủ Nhật thì liệu các trung tâm có đủ nguồn nhân lực để thực hiện không, đặc biệt với những trường có nhiều học sinh đăng kí?

Việc học Tiếng Anh với người nước ngoài nếu được làm bài bản sẽ mang lại hiệu quả học tập tốt cho học sinh. Ảnh minh họa: INT.

Việc học Tiếng Anh với người nước ngoài nếu được làm bài bản sẽ mang lại hiệu quả học tập tốt cho học sinh. Ảnh minh họa: INT.

Về việc các trung tâm sử dụng chính giáo viên trong trường tham gia giảng dạy các tiết “liên kết”, có thể thấy giáo viên đang mất dần uy tín trong chuyên môn khi tham gia dạy “liên kết”.

Tại sao giáo viên không thể tự thực hiện dạy mà phải thông qua trung tâm, phải dùng giáo án của trung tâm biên soạn? Vậy vai trò của giáo viên là gì trong các tiết dạy “liên kết” này, phải học thuộc giáo án của trung tâm hay có quyền sáng tạo không, các trung tâm hay nhà trường sẽ kiểm soát việc này và chất lượng của các tiết dạy “có giá rất cao” có thực sự cao như giá của nó.

Đã có trường nào dám thử khi cho phụ huynh đăng kí cho con tham gia các tiết “liên kết” bằng cách bỏ phiếu kín (không cho giáo viên và nhà trường biết con mình tham gia hay không) chưa? Chỉ có bằng cách này mới thấy được uy tín của mô hình “liên kết” trong các trường hiện nay.

Thiết nghĩ các nhà trường và các trung tâm nên làm việc này để phụ huynh được tự do đăng kí một cách tự nguyện. Biết đâu vẫn rất nhiều phụ huynh thấy được ưu điểm của việc dạy “liên kết” - chỉ có như vậy mới tránh được các bức xúc không đáng có.

Việc sử dụng chính giáo viên trong trường tham gia dạy “liên kết” có thể giúp giáo viên tăng cao thu nhập. Vì với một tiết học 35 phút, mỗi giáo viên có thể thu được từ 5.000 đồng/học sinh, nếu lớp có 50 học sinh thì được 250.000 đồng.

Song nếu nghĩ đến trách nhiệm và lương tâm, đặc biệt khi nhìn cảnh những người dân lao động cực khổ để kiếm ra những đồng tiền đóng học cho con thì chắc chắn, không ít trong số giáo viên đó sẽ chạnh lòng và so sánh với mức lương hấp dẫn mà trung tâm dành cho họ sau mỗi tiết dạy.

Tối ưu hóa mô hình dạy 'liên kết'

Thầy giáo Phạm Văn Công. Ảnh: NVCC.

Thầy giáo Phạm Văn Công. Ảnh: NVCC.

Với những gì phân tích trên đây, liệu có nên tồn tại các mô hình dạy “liên kết” trong các trường công lập hiện nay hay không? Vậy làm thế nào để các gia đình có điều kiện, nguyện vọng tham gia học các tiết “liên kết”, đặc biệt là chương trình học Tiếng Anh với người nước ngoài hiện nay? Các nhà trường và các trung tâm có thể tham khảo hai hình thức dưới đây.

Thứ nhất, vẫn để các trung tâm dạy tại trường và cho học sinh tự nguyện đăng kí bằng cách bỏ phiếu kín. Điều này để tránh gây áp lực theo kiểu tự nguyện bắt buộc. Căn cứ vào số lượng học sinh tham gia đăng kí, nhà trường sẽ phân lớp, không để học sinh không đăng kí học chung với học sinh đăng kí.

Như vậy với những lớp học sinh đăng kí tham gia học, nhà trường hoàn toàn có thể chèn thời khoá biểu các tiết “liên kết” vào các tiết dạy chính khoá mà không bị ảnh hưởng đến các em khác.

Với cách làm này, các trường nên chọn các hình thức tham gia các môn tự chọn để học sinh không đăng kí học “liên kết” sẽ đăng kí học tại trường với giá 2.500 đồng/tiết.

Hiện nay, nhiều trường chỉ cho học sinh học đến 15h30 phút. Nếu tan học lúc đó thì quá sớm để phụ huynh đón con, các phụ huynh vẫn phải nộp thêm tiền đón chậm khi phải nhờ giáo viên trông thêm tiết 4 mỗi buổi chiều.

Thay vào đó các trường nên cho học sinh đăng kí học các tiết kĩ năng sống theo sách của Bộ GD&ĐT ban hành giống như Chương trình 2006 hay Sách Giáo dục STEM của Bộ GD&ĐT hiện nay.

Rất mong Bộ GD&ĐT sớm có ý kiến về việc giáo viên cứ phải thông qua các trung tâm thì mới được dạy thêm. Nhà trường mới hiểu rõ nhất những giáo viên nào có thể được dạy thêm vì nắm được khả năng, sở trường của giáo viên tốt nhất.

Thứ hai, các trung tâm có thể dạy bên ngoài nhà trường (hoặc có thể trong trường, nếu có đủ cơ sở vật chất) và nhờ các trường tuyên truyền học sinh tham gia đăng kí học.

Khi đó, học sinh có thể lựa chọn các gói học mà không phân biệt trình độ. Học sinh lớp 2 có thể đăng kí học cùng học sinh lớp 5 và ngược lại tuỳ theo khả năng của học sinh và phụ huynh lựa chọn. Các trung tâm trên cơ sở đó phân lớp với gói giá dịch vụ khác nhau.

Các phụ huynh nhà có điều kiện, các học sinh có khả năng học tập sẽ rất thích mô hình này.

Quan trọng vẫn là chất lượng, nếu kiểm tra đánh giá một cách công bằng khách quan mà chất lượng của những học sinh học “liên kết” vượt xa so với những học sinh không tham gia đăng kí thì đó là một thành công lớn của các trung tâm. Làm được điều đó sẽ giúp phụ huynh xua tan những mặc cảm về mô hình “liên kết” trong các trường hiện nay, uy tín của các trung tâm sẽ được nâng lên một cách đáng kể.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...