Hiệu trưởng không thể 'vô can' khi chèn tiết liên kết vào giờ học chính khóa

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Việc cố tình chèn tiết liên kết vào trong giờ học chính khóa ở bậc Tiểu học đã và đang gây ra những bức xúc cho cả phụ huynh học sinh lẫn giáo viên.

Thời khóa biểu của một trường Tiểu học tại TP HCM gây chú ý khi chèn tiết liên kết vào giữa giờ học chính khóa thời gian qua.
Thời khóa biểu của một trường Tiểu học tại TP HCM gây chú ý khi chèn tiết liên kết vào giữa giờ học chính khóa thời gian qua.

Thầy giáo Phạm Văn Công - Giáo viên Tiểu học tại huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) chia sẻ xung quanh vấn đề dạy chương trình liên kết trong các trường học, nhất là bậc Tiểu học.

Chiêu trò?

Hiện nay, hầu hết các trường Tiểu học đều đưa các loại hình dạy Tiếng Anh tăng cường, Giáo dục kĩ năng sống, Giáo dục STEM thông qua các trung tâm bên ngoài. Đây có thể nói là các loại hình giáo dục rất tốt đối với học sinh, nhưng cách làm của các nhà trường thì lại không hề tốt.

Việc liên kết thông qua các trung tâm có thể thu được món “hoa hồng” lớn do các trung tâm trích lại. Món hoa hồng đó chính là do số tiền tăng thêm từ mỗi tiết dạy.

Hiện tại, mỗi tiết dạy thêm ở tiết 4 buổi chiều, tăng thêm so với quy định dạy 7 tiết/ngày, nhà trường chỉ thu khoảng 5.000 đồng. Nhưng nếu thông qua trung tâm thì số tiền một tiết đó có thể tăng gấp 3-6 lần. Trong đó, Giáo dục kĩ năng sống và STEM các trung tâm thu 60.000 đồng, dạy Tiếng Anh là 130.000 đồng một tháng 4 tiết, mỗi tuần 1 tiết.

Số tiền tăng thêm đó, giáo viên được giải thích rằng phải trích lại phần trăm cho các trung tâm. Thực chất là các trung tâm chỉ được một số trong đó, còn lại là đi về đâu (?!). Qua đây có thể thấy dấu hiệu cố tình làm sai.

Thầy giáo Phạm Văn Công. Ảnh: NVCC.

Thầy giáo Phạm Văn Công. Ảnh: NVCC.

Trong nhiều năm qua, việc giáo dục kĩ năng sống đều do giáo viên chủ nhiệm thực hiện dạy trong các trường Tiểu học theo nội dung các bộ sách trong Chương trình GDPT 2006. Vậy tại sao hiện nay lại để các trung tâm vào thuê chính giáo viên trong các nhà trường dạy để thu thêm tiền?

Thực chất là hoàn toàn do giáo viên của các trường dạy, còn trung tâm chỉ có mỗi việc là kí hợp đồng thoả thuận về giá cả để lãnh đạo trưởng có đủ tính pháp lý giải thích với giáo viên và phụ huynh về số tiền một tiết tăng gấp nhiều lần so với bình thường.

Bộ giáo án các trung tâm chỉ cung cấp một lần và sử dụng mãi mãi. Như vậy có thể thấy giáo viên hoàn toàn có thể dạy được hoạt động Giáo dục kĩ năng sống trong các trường tiểu học hiện nay mà không cần phải thông qua một trung tâm nào.

Rất mong muốn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho phép giáo viên Tiểu học được tự dạy hoạt động này vào các tiết 4 buổi chiều để tăng thêm thu nhập. Đề nghị Bộ GD&ĐT sớm có công văn hướng dẫn cụ thể về cách thức thực hiện, giáo án dạy cũng như số tiền thu của phụ huynh để thống nhất trong toàn quốc.

Cần trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh

Giáo dục STEM là hoạt động bắt buộc trong Chương trình GDPT 2018 hiện nay theo Công văn 909 của Bộ GD&ĐT ban hành ngày 8/3/2023. Do đó không thể để hiện trạng thông qua các trung tâm thu lợi bất chính.

Chương trình GDPT 2018 đã có yêu cầu cụ thể về thời lượng đối với các khối lớp trong một tuần (Khối 1-2 là 25 tiết, Khối 3 là 28 tiết, Khối 4-5 là 30 tiết). Đa số các trường tiểu học hiện nay đang thực hiện dạy 32 tiết/tuần – tức 9 buổi, nghỉ chiều thứ Năm để sinh hoạt chuyên môn. Như vậy khối nào cũng thừa ra từ 2 đến 7 tiết.

Vai trò của Giáo dục STEM là rất quan trọng với học sinh trong giai đoạn hiện nay.

Vai trò của Giáo dục STEM là rất quan trọng với học sinh trong giai đoạn hiện nay.

Nếu các trường không dạy các tiết rèn hoặc tiết tự chọn thì các tiết thừa ra đó có thể thay bằng các tiết Giáo dục STEM và không được thu tiền của phụ huynh. Trường nào đã dạy đủ các tiết rèn (Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh) và tự chọn (Tiếng Anh, Tin học) thì có thể cho các trường đó dạy hoạt động Giáo dục STEM vào các tiết 4 buổi chiều và có thu tiền như đối với hoạt động Giáo dục kĩ năng sống.

Còn việc dạy tiếng Anh tăng cường với người nước ngoài, vì người nước ngoài đến dạy trực tiếp thì bắt buộc phải thông qua các trung tâm, tuy nhiên không thể xếp các tiết đó vào 7 tiết dạy chính khoá mà phải xếp vào tiết 4 các buổi chiều để những học sinh không tham gia có thể về sớm.

Nếu xếp vào tiết chính khoá sẽ gây khó cho phụ huynh và học sinh khi không tham gia. Sẽ rất ngại cho phụ huynh khi thấy con mình không được học mà phải ra ngoài, sẽ rất tủi thân cho những học sinh khi gia đình không có điều kiện để đăng kí học.

Việc làm này cũng phần nào gây sức ép bắt buộc phụ huynh phải tự nguyện tham gia đăng kí cho học sinh mà trong lòng thì vô cùng bức xúc. Nếu làm như thế thì số lượng học sinh đăng kí học sẽ rất ít chứ không nhiều như khi bắt ép như hiện nay.

Do đó, nhà trường hoàn toàn có thể thu gọn số học sinh đăng kí vào một số lớp để học vào tiết 4 các buổi chiều như đối với các hoạt động GD kĩ năng sống và STEM. Hiện có 4 buổi chiều thì có thể dạy 1 tiết Kĩ năng sống, 1 tiết STEM, 1 tiết Tiếng Anh, còn lại 1 tiết cho học sinh trải nghiệm thông qua các mô hình câu lạc bộ sẽ là rất phù hợp.

"Vì những lý do trên, chúng tôi tha thiết đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét và giúp đỡ chúng tôi, những giáo viên Tiểu học có được cơ hội cải thiện đời sống bằng những tiết dạy thêm chính đáng bằng sức lao động mà mình bỏ ra. Nếu làm được việc này, chúng tôi nghĩ số người bỏ nghề sẽ giảm đi đáng kể.

Nếu cho phép giáo viên Tiểu học được trực tiếp tham gia dạy tiết 4 các buổi chiều, chỉ cần thu của mỗi học sinh 100.000 đồng/tháng thì mỗi giáo viên có thể tăng thêm thu nhập từ 2-3 triệu đồng/tháng, phụ huynh cũng sẽ giảm được một nửa số tiền đóng góp so với việc phải thông qua các trung tâm như hiện nay" - thầy Phạm Văn Công nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Diệu kỳ Điện Biên

GD&TĐ - Có thể nói trong chiến dịch Điện Biên Phủ, những đường chiến hào vây, đánh lấn đã trở thành kỳ tích huyền thoại.