Dạy liên kết trong trường học: Tự nguyện hay bắt buộc?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thời gian qua, nhiều môn học gắn mác liên kết/ xã hội hóa xuất hiện trong trường học.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Có nơi còn xen giữa môn học chính khóa. Điều này khiến người dân dù bức xúc nhưng vẫn phải tự nguyện đăng ký bởi không còn lựa chọn nào khác.

Hiểu sai về thời gian học

Chia sẻ với Báo Giáo dục và Thời đại, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng - Điều phối viên chính Ban Phát triển Chương trình GDPT 2018 cho rằng, khi xây dựng Chương trình GDPT 2018 đã tăng thời lượng học ở trường cho học sinh, nhất là tiểu học.

Theo số liệu năm 2009, thời gian học trung bình của học sinh từ 7 - 15 tuổi (lớp 1 - 9) ở các nước thuộc nhóm Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) khoảng 7.390 giờ. Trong khi đó, theo Chương trình GDPT 2006, học sinh Việt Nam từ lớp 1 - 9 chỉ học khoảng hơn 5.600 giờ. Với Chương trình GDPT 2018, thời gian học của các em tăng lên gần 6.200 giờ - còn thấp so với thời gian học của học sinh các nước OECD.

PGS.TS Bùi Mạnh Hùng nhấn mạnh, tăng thời gian học ở trường nhằm đảm bảo quyền lợi, để các em có thêm thời gian tham gia hoạt động trải nghiệm, rèn luyện thể chất, phát triển năng khiếu về nghệ thuật; được vui chơi, giải trí trong không gian, môi trường an toàn.

Do vậy, Chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học được thiết kế theo hướng dạy học bắt buộc 2 buổi/ngày. Theo đó có những môn học/ hoạt động giáo dục trước kia là tự chọn nay thành bắt buộc như Ngoại ngữ, Tin học… Một số nội dung giáo dục kỹ năng sống được lồng ghép để học sinh phát triển toàn diện.

PGS.TS Bùi Mạnh Hùng. Ảnh: NVCC

PGS.TS Bùi Mạnh Hùng. Ảnh: NVCC

Vị chuyên gia cũng chỉ rõ, chương trình là pháp lệnh. Khi quy định cấp tiểu học phải học 2 buổi/ngày, Nhà nước cần đầu tư về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học nhằm đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy học theo thời lượng mà chương trình quy định.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của giáo dục truyền thống và điều kiện triển khai chương trình còn hạn chế, nhiều trường quan niệm thời gian tăng thêm đó để dạy môn cơ bản như Toán, Tiếng Việt - Ngữ văn, Ngoại ngữ. Do đó, ý nghĩa của việc tăng thời gian giáo dục ở trường nhằm giúp học sinh được phát triển toàn diện chưa được thực hiện đúng với tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện.

“Mục tiêu của việc thiết kế học 2 buổi/ngày ở tiểu học trong Chương trình GDPT 2018 chắc chắn không phải tạo điều kiện để nhà trường hợp đồng với các đơn vị liên kết đưa môn học/ hoạt động giáo dục ngoài chương trình vào rồi buộc học sinh, phụ huynh phải đăng ký học thêm trong giờ học chính khóa và trả tiền. Lãnh đạo các trường cần thực hiện nghiêm quy định của Bộ GD&ĐT về dạy thêm học thêm trong trường học”, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng khẳng định.

Thời khóa biểu của một trường tiểu học tại TPHCM thể hiện tiết học liên kết được cài xen vào giờ học chính khóa của học sinh. Ảnh: PHCC

Thời khóa biểu của một trường tiểu học tại TPHCM thể hiện tiết học liên kết được cài xen vào giờ học chính khóa của học sinh. Ảnh: PHCC

Thiệt cho cô và trò

Công tác tại Trường Tiểu học Kỳ Đồng (Hưng Hà, Thái Bình) nhiều năm, thầy Phạm Văn Công cho rằng, hầu hết trường tiểu học đều tổ chức chương trình dạy tiếng Anh tăng cường, Giáo dục kỹ năng sống, Giáo dục STEM thông qua các trung tâm bên ngoài. Có thể nói đây là loại hình giáo dục tốt với học sinh, nhưng cách làm của các nhà trường lại không hề tốt.

Theo quy định, học sinh học tối thiểu 7 tiết/ngày. Nếu trường xếp 4 tiết buổi sáng, 3 tiết buổi chiều, học sinh tan học từ 15 giờ 30 – 16 giờ. Nếu trường xếp 5 tiết buổi sáng, 2 tiết buổi chiều, trẻ ra về từ 14 giờ 30. Thời gian này, phần lớn phụ huynh khó thu xếp công việc để đón con. Do vậy, các trường tổ chức tiết tăng cường.

Tuy nhiên, có điểm khác biệt: Những tiết tăng cường này do giáo viên dạy, nhà trường thu khoảng 5.000 đồng/em. Nhưng nếu thông qua trung tâm, số tiền một tiết có thể tăng 3 - 6 lần. Cụ thể, Giáo dục kỹ năng sống và STEM, các trung tâm thu khoảng 60.000 đồng, tiếng Anh là 130.000 đồng/tháng 4 tiết, mỗi tuần 1 tiết.

Thầy giáo Phạm Văn Công - giáo viên Trường Tiểu học Kỳ Đồng (huyện Hưng Hà, Thái Bình). Ảnh: NVCC

Thầy giáo Phạm Văn Công - giáo viên Trường Tiểu học Kỳ Đồng (huyện Hưng Hà, Thái Bình). Ảnh: NVCC

Điều đáng nói, nhiều năm qua, giáo dục kỹ năng sống đều do giáo viên chủ nhiệm thực hiện theo nội dung các bộ sách trong Chương trình GDPT 2006.

Vậy tại sao, chương trình mới với mục tiêu tăng thời gian học ở trường để các em có thêm thời gian tham gia hoạt động trải nghiệm, rèn luyện thể chất, phát triển năng khiếu về nghệ thuật; được vui chơi, giải trí… lại thành giờ học liên kết. Hơn thế, các trung tâm còn thuê giáo viên trong trường dạy, sử dụng cơ sở vật chất của trường nhưng số tiền phụ huynh phải đóng lại nhiều hơn.

“Bộ giáo án các trung tâm cung cấp một lần và sử dụng mãi mãi. Như vậy, giáo viên có thể dạy được hoạt động Giáo dục kỹ năng sống trong các trường tiểu học mà không cần thông qua trung tâm nào. Chúng tôi mong được cơ quan chức năng cho phép dạy nội dung này vào tiết 4 buổi chiều để tăng thêm thu nhập. Mong Bộ GD&ĐT sớm có hướng dẫn cụ thể về cách thức thực hiện, giáo án dạy cũng như số tiền thu của phụ huynh để thống nhất trong toàn quốc”, thầy Công cho hay.

Về giáo dục STEM, theo thầy Công, đây là hoạt động bắt buộc trong Chương trình GDPT 2018. Chương trình có yêu cầu cụ thể về thời lượng đối với các khối lớp trong một tuần (khối 1 - 2 là 25 tiết, khối 3: 28 tiết, khối 4 - 5 là 30 tiết). Đa số trường tiểu học đang dạy 32 tiết/tuần – tức 9 buổi, nghỉ chiều thứ Năm để sinh hoạt chuyên môn. Như vậy khối nào cũng thừa từ 2 đến 7 tiết.

Thầy Công kiến nghị, nếu trường không dạy các tiết rèn hoặc tự chọn có thể thay bằng giờ học Giáo dục STEM và không thu tiền của phụ huynh. Còn trường nào đã dạy đủ các tiết rèn (Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh) và tự chọn (Tiếng Anh, Tin học) có thể dạy hoạt động Giáo dục STEM vào tiết 4 buổi chiều (tiết trống) và có thu tiền như hoạt động Giáo dục kỹ năng sống.

Còn dạy tiếng Anh tăng cường với người nước ngoài, bắt buộc phải thông qua các trung tâm. Nhưng không thể xếp các tiết đó vào 7 tiết dạy chính khoá mà phải dạy vào cuối buổi chiều để những học sinh không tham gia có thể về sớm. Nếu xếp vào tiết chính khoá sẽ gây khó cho phụ huynh và tủi thân cho nhiều em khi gia đình không có điều kiện đăng ký học.

Không học liên kết, học sinh đi đâu?

Dưới góc nhìn của chuyên gia giáo dục độc lập, TS Vũ Thu Hương cho biết, có nhiều phụ huynh vì điều kiện khác nhau mà không cho con học các tiết liên kết tại trường. Điều 4 của Thông tư 17/2012 của Bộ GD&ĐT quy định, các trường không được dạy thêm với học sinh học 2 buổi/ngày. Không dạy thêm với học sinh tiểu học, trừ trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn kỹ năng sống.

Chuyên gia giáo dục độc lập - TS Vũ Thu Hương. Ảnh: NVCC

Chuyên gia giáo dục độc lập - TS Vũ Thu Hương. Ảnh: NVCC

Bà Hương bày tỏ băn khoăn, tại sao các trường phải thiết kế thêm các tiết dạy tăng cường xen vào giờ học chính khóa. Không lẽ Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ GD&ĐT ban hành không đủ để đào tạo học sinh một cách toàn diện?

Hơn nữa, trong chương trình phổ thông chính khóa của tiểu học kéo dài 7 tiết mỗi ngày, tức từ 8 giờ sáng đến khoảng 15 giờ 30 chiều. Điều này có nghĩa là, trong khoảng thời gian này học sinh phải được học chính khóa một cách trọn vẹn; còn các môn/ hoạt động giáo dục liên kết với các đơn vị ngoài nhà trường phải được bố trí sau khung giờ này để học sinh tự chọn.

“Điều phi lý này phụ huynh biết nhưng không dám ý kiến. Một phần do tâm lý ngại va chạm hoặc lo con mình bị “trù dập”. Vì thế, nhiều người phải tự nguyện đăng ký nhưng trên tinh thần bắt buộc”, TS Vũ Thu Hương nói.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng những em không học tiết liên kết trong khung thời gian chính khóa có thể thỏa thuận với nhà trường để bố trí thầy cô trông ở một phòng chức năng, hoặc tổ chức hoạt động nào đó để không phải đứng hành lang.

Tuy nhiên, TS Vũ Thu Hương không đánh giá cao phương án và cho rằng khó thực hiện. Bởi, giáo viên trông có được tính tiền thừa giờ không hay huy động kinh phí từ phụ huynh? Do đó, đã đến lúc các địa phương cấm triệt để việc triển khai dạy tăng cường, dạy liên kết trong giờ chính khóa để giảm bức xúc, thiệt thòi cho phụ huynh học sinh.

Theo hiệu trưởng một trường tiểu học tại Vĩnh Phúc, các nhà trường nên công khai cho phụ huynh biết đâu là tiết chính khoá, đâu là tiết tăng cường liên kết với các đơn vị ngoài nhà trường để có sự lựa chọn phù hợp cho con mình. Mặt khác, nhà trường cần đảm bảo việc đăng ký phải hoàn toàn tự nguyện chứ không ép buộc dưới mọi hình thức. Những em không đăng ký học các tiết này phải được học tập, rèn luyện bình thường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Dù nhận thêm loạt vũ khí mới nhưng Ukraine chưa thể ngăn được đà tiến của quân đội Nga.

Đột phá Semyonovka mang đến cơ hội nào?

GD&TĐ - Bộ Quốc phòng Nga hôm 29/4 thông báo quân đội từ Trung tâm Battlegroup đã hoàn thành việc kiểm soát khu định cư Semyonovka ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk.