Miền yên ắng lạ
Quả đúng như Tuấn đã nói, “làng phong Quy Hòa” như cách gọi xưa nay hay “bệnh viện Phong và Da liễu Quy Hòa” như tên gọi chính thức hiện nay, tựa như một ngôi làng chài nằm sát bờ biển rì rào sóng vỗ.
Một “ngôi làng đặc biệt” với hơn 1.100 nhân khẩu trong đó có hơn 500 người vẫn phải sống bằng tiền trợ cấp xã hội, nép mình vào chân núi nên có cảm tưởng khi tới nơi đây ta như lạc vào một miền yên ắng lạ. Tuấn hào hứng: “Nếu ở lại đây đêm nay, cô chú sẽ thấy trăng sà xuống biển. Cô chú sẽ có cảm giác lành lạnh, đơn côi và buồn đẫm mắt”.
Ái chà, cậu lái taxi này không biết “lây thơ” từ khi nào. Cảnh ấy, người ấy nên thảo nào thi sĩ họ Hàn đã từng thốt lên: "Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối/Gió thu lọt cửa cọ mài chăn”.
Nằm cách trung tâm thành phố Quy Nhơn chừng 4 cây số và thuộc địa bàn phường Ghềnh Ráng, bãi biển Quy Hòa có phần tĩnh vắng chứ không rộng dài ồn ào như bên Quy Nhơn. Thực ra nếu không có một ghềnh đá lô nhô trơn trượt thì chẳng cần phải làm cuốc ta xi từ trung tâm thành phố Quy Nhơn vòng qua dãy núi để tới bãi biển “làng phong”.
Sự ngăn cách ấy đã vô tình cho ta cảm tưởng bãi biển Quy Hòa như biệt lập vậy. Thảo nào hồi trước người Pháp đã chọn nơi này làm nơi chữa chạy cho những người không may mắc phải căn bệnh bị xã hội ruồng bỏ.
Nắng lên cao. Bãi biển Quy Hòa phơi mình hóng gió. Khỏa mình trong nước biển mặn mòi, ngồi ẩn im dưới rặng phi lao lao xao gió hát hay tung tăng trên dải cát phẳng phiu là những cặp yêu nhau, là những tốp gái trai nắm tay nhau quay thành vòng tròn giỡn sóng, là một gia đình nào đấy. Khung cảnh thật yên bình và cũng thật ấm êm.
Được thành lập từ năm 1929, cho tới nay “làng phong Quy Hòa” đã vào “cái tuổi cửu tuần”. Đã chín mươi năm trôi qua, hẳn linh mục Paul Maheu, người tìm ra thung lũng này để xây dựng một khu điều trị bệnh nhân phong sẽ không ngờ cái nơi xa vắng ấy đã thoát xác.
Chúng tôi đồ rằng, nếu như còn sống đến hôm nay chắc chắn ông cũng sẽ không thể hình dung được rằng nơi ông chọn đã trở thành một tiềm năng du lịch lớn cho tỉnh Bình Định.
Tuấn vừa lái xe vừa tranh thủ “thuyết minh” vắn tắt đã như hữu ý đưa chúng tôi thẳng tới khu mộ an táng lần đầu của thi sĩ Hàn Mặc Tử. Một ngôi mộ khá thanh thoát nằm giữa những ngôi mộ của những con người không may khác.
Tôi thẫn thờ, hình như thi sĩ vừa ngang qua, dáng mệt mỏi và đượm buồn, chàng vừa bước đi vừa khe khẽ đọc thơ: “Sao trìu mến thân yêu đâu vắng cả/Trơ vơ buồn và không biết kêu ai/Bức thư kia sao chẳng viết cho dài/Cho khăng khít nồng nàn thêm chút nữa”.
Ấy là thi nhân nói về cái hồi ngày trước vậy thôi chứ cảnh đây người đấy bây giờ đã khác xa khác lắm. Ánh nắng chiếu chênh chếch, ánh nắng xuyên qua tán lá đang vẽ ra dưới nền cát trắng vô vàn những hình nan quạt. Làn gió từ biển thổi tới chợt lắng lại, mát và thân thân.
Chức nghiệp thiêng liêng
Đập vào mắt tôi là một khu vườn vô cùng ấn tượng. Tuấn hồ hởi chỉ tay vào tốp thanh nữ áo dài trắng, áo dài tím đang í ới gọi nhau. Tốp thanh nữ đang say sưa chụp hình, tiếng cười giòn như nắng hát vậy.
“Vườn nhân ái đó cô chú”, vẫn giọng nói nhiệt tình bằng thứ giọng Bình Định hơi khó nghe, Tuấn chừng hứng khởi không thua mấy tốp thanh nữ kia.
Năm 1984, bác sĩ Trần Hữu Ngoạn vác “ba lô” từ Nghệ An vào Bình Định làm Giám đốc Bệnh viện Phong và Da liễu Quy Hòa. Người đàn ông tuổi ngũ tuần ấy từng nổi tiếng với “chuyện” đưa vi khuẩn Hansen vào người mình để thí nghiệm cho một công trình nghiên cứu về bệnh phong đã “ngợp lòng” trước vẻ đẹp kỳ thú của bãi biển Quy Hòa.
Ông cũng quá hiểu tâm sự của những bệnh nhân khi họ dường như “đã bước vào đây” là như đã đi “sang một thế giới khác”, một “thế giới tách biệt” với gia đình, bạn bè nên ông đau đáu nghĩ suy với chỉ một mục tiêu là làm gì để người mắc bệnh phong cũng được thụ hưởng như những gì người bình thường khác có? Làm gì để người mắc bệnh phong cảm thấy tự tin chữa bệnh và cảm thấy cuộc sống không tẻ nhạt?
Tôi hỏi: “Tuấn có biết gì nhiều về bác sĩ Trần Hữu Ngoạn không?”, cậu lái xe trẻ chưa vợ con này không ngờ cũng biết khá khá: “Vì cháu hay chở mọi người đến đây mà. Biết để kể cho mọi người cùng biết thôi”.
Thế đấy, một khi có trách nhiệm, có ý thức thì ai cũng có thể trở thành một hướng dẫn viên du lịch được.
Tuấn cho hay chính bác sĩ Ngoạn đã đưa ra lý thuyết chữa bệnh phong không chỉ đơn thuần bằng thuốc. Ông đã làm mọi cách để biến bệnh viện phong của ông thành khu du lịch để người bệnh được tiếp xúc với cộng đồng, xóa đi mặc cảm.
Ông còn tạo việc làm cho người bệnh bằng cách để các công trình xây dựng cơ bản của bệnh viện, kể cả việc bê tông hóa một con đường đèo dài cả cây số cho người bệnh đã ổn định bệnh tật nhận làm kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Những người bệnh phong thường bị gia đình ruồng bỏ, nếu không có lòng yêu thương của người thầy thuốc, họ khó bề sống được để vượt qua bệnh tật…
Và bác sĩ Ngoạn đã dành trọn 10 năm công tác của mình ở nơi đây để đạt cho được ý tưởng những tưởng khó thành ấy. Năm 1995, tức là một năm sau ngày bác sĩ Ngoạn nghỉ hưu, thì “vườn Nhân ái” chính thức đón mọi người, người bệnh và người lành, đến vui chơi, dạo mát và… chụp ảnh.
Vườn có nhiều cây lâu năm, tán lá rộng và thân cao nên khá thoáng đãng và mời gọi. Từ cổng chính bệnh viện đi vào theo con đường bê tông thẳng tắp ta sẽ thấy, bên trái sát chân núi là khu nghĩa địa cũ (mộ Hàn ở đó), bên phải là khu nhà ở của bệnh nhân và đằng trước mặt là bãi biển nước xanh và gió mát đến không ngờ.
Ngự ở giữa một không gian như vậy nên vườn Nhân ái trở thành khu vui chơi của bệnh viện, thành điểm đến lý tưởng cho những ai “dạo bước đường xa” đến đây ngắm cảnh, tắm biển và để thương người.
Đến đây ta hoàn toàn bị mê hoặc bởi một môi trường thanh sạch và “đẹp đến không ngờ” và hơn nữa chính là bởi hơn bốn mươi bức tượng đá được tạc dạng chân dung khá kỹ lưỡng.
Tôi đang được tham quan một “phòng” trưng bày tượng ngoài trời với một tinh thần nhân ái. Bức tượng bác sĩ Hippocrate trầm ngâm như đang vẳng lên lời thề “Tôi sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh tùy theo khả năng và sự phán đoán của tôi, tôi sẽ tránh mọi điều xấu và bất công”.
Và kia, bức tượng Danh y Hải Thượng Lãn Ông râu tóc bạc phơ đẹp như một tiên ông thương người vô hạn. Lại nữa, tượng bác sĩ Phạm Ngọc Thạch nhìn giản dị khiến ta nhớ lại hành động dũng cảm khi ông tự tay tiêm vi trùng sốt rét vào người mình để tìm ra thuốc điều trị sốt rét giữa đại ngàn Trường Sơn những năm đánh Mỹ.
Rất nhiều. Rất nhiều những gương mặt đáng kính. Những con người trị bệnh cứu người ấy rất đáng để chúng ta nói chung, để những bệnh nhân phong nói riêng tri ân và ngưỡng vọng.
Phấn khởi tự hào hiện rõ trên nét mặt của Tuấn - chàng trai xứ Nẫu - khi thì gọi “chú ơi”, lúc thì “bên này chụp hình đẹp lắm cô ạ”. Động tác ấy đã biến Tuấn không còn là người lái taxi kiếm tiền nữa, cậu đang đóng vai trò của một “tình nguyện viên” nhiệt tình và hiểu biết.
Nắng lên cao cao, lại văng vẳng những vần thơ của Hàn: “Máu tim ta tuôn ra làm bể cả/Mà sóng lòng dồn dập như mây trôi/ mSóng lòng ta tràn lan ngoài xứ lạ/Dâng cao lên, cao tột đến trên trời” khi chúng tôi đứng trên “Vọng giác đài” mà trông ra biển.
Biển Quy Hòa xanh ngăn ngắt. Gió Quy Hòa mát rười rượi. Và người Quy Hòa vô cùng thân thiện. Phía xa xa những con thuyền mê mải với công việc đánh bắt cá của mình. Ánh nắng soi xuống mặt nước luếnh loáng bạc. Mặt biển bỗng trở nên mênh mang và gợi cảm.
Bất chợt tôi ngoái nhìn lại sau lưng, Vườn Nhân ái như tươi xanh thêm lên, như rộng ra. Tôi đã thấy rất nhiều, rất nhiều những gương mặt bao dung, những vầng trán nghĩ suy, những cái nhìn thiện cảm, những nụ cười hài lòng và đâu đó đang âm thầm vang lên những câu những lời cảm tạ.
Cuộc sống không ngừng trôi chảy và không ngừng chia sẻ: “Hành nghề y là bổn phận, chức nghiệp thiêng liêng đòi hỏi một lương tâm, một lòng bác ái và hy sinh lớn lao, không thể coi như nghề nghiệp kiếm sống thông thường”…