Tôi năm nay 35 tuổi, còn chồng tôi 37. Cả hai chúng tôi đều làm kế toán cho các công ty tư nhân và chúng tôi đã có hai con một trai, một gái khỏe mạnh, xinh xắn.
Nhìn vợ chồng tôi, ai cũng khen đẹp đôi. Tuy nhiên, ít ai biết rằng cuộc sống của chúng tôi thường xuyên căng thẳng vì những bất đồng trong chuyện mua sắm, chi tiêu.
Ngày mới lấy nhau, tôi rất hạnh phúc và nở mày nở mặt vì có người chồng thoáng tính. Vợ muốn mua sắm gì thì tùy ý chứ không bao giờ so đo. Tết năm đầu tiên sau khi lấy nhau, anh tự tay biếu bố mẹ tôi cả vài triệu đồng tiền ăn tết.
Tôi hạnh phúc khỏi phải nói nhất là khi trước đây từng chứng kiến chị gái khốn khổ vì anh rể keo kiệt. Tôi nhớ mãi vẻ đau khổ của chị gái khi kể về anh chồng căn ke cả tiền biếu bố mẹ đẻ.
Tuy nhiên, kể từ khi con trai đầu lòng chào đời, cuộc sống gia đình tôi bắt đầu khốn đốn vì thói tiêu hoang của chồng.
Anh quen lệ chỉ đưa có nửa lương, giữ nửa lương lại chi tiêu cá nhân như thông lệ ngày đầu mới về chung tổ. Mà anh cầm tiền đó cũng chỉ để hứng lên thì rủ bạn nhậu, thay đôi loa nghe nhạc, lên đời cái điện thoại di động.
Chi tiêu vung vít vậy nên lương vợ lương chồng cũng tròm trèm cả đôi chục triệu một tháng mà gia đình tôi lúc nào cũng rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau, đặc biệt kể từ sau khi sinh con.
Giờ lại mới thêm em bé nữa, lương vợ chồng không tăng đáng bao mà chồng tôi vẫn thói nào tật ấy, ném hầu hết lương vào mấy đồ công nghệ cao hoặc ăn nhậu với bạn.
Trong khi đó, tôi thì tháng nào cũng phải vay tiền bà ngoại hay bạn bè để mua sữa cho con, cho bé đi tiêm chủng...
Cứ nhớ đến cảnh chồng đốt cả nửa tháng lương vào chiếc bình pha cocktail trong khi tôi phải chạy cả 3km sang nhà ngoại vay tiền mua sữa cho con mà tôi như muốn nổi điên.
Không bao giờ tôi nghĩ rằng phải ra khỏi nhà trong tủi nhục như thế này. Ảnh minh họa. |
Đầu tháng nào chồng đưa lương, tôi cũng để chồng tự trích lại phần tiêu riêng cho “đáng mặt nam nhi” hay phải giao lưu bè bạn, công việc.
Vậy nhưng cứ sau vài phen bốc đồng của “tín đồ công nghệ cao” là không những hết tiền ấy mà cả thưởng cũng hết. Cuối tháng có khi đến cả tiền đổ xăng, chồng cũng hỏi vợ.
Càng nghĩ mà càng thấy bực, hàng tháng để gánh được hết một loạt khoản không thể đừng: tiền ăn, tiền điện, tiền nước, điện thoại hay học phí của con... tôi đã phải giữ thói quen làm ngơ với váy áo, phấn son.
Chi tiêu đồng nào là tính cặn kẽ đồng ấy thế mà ông chồng thì cứ lại có những món “phởn phơ” tiêu gì chẳng nhớ mà nếu vợ có hậm hực.
Rất nhiều lần chúng tôi cãi vã vì thói tiêu hoang của chồng, tôi cũng dùng đủ mọi cách từ mềm đến cứng để mong chồng thay đổi nhưng đâu vẫn vào đấy. Chồng tôi nhiều lần còn bảo: “Tôi không gái mú, không bài bạc là may cho cô rồi, đừng đòi hỏi nhiều đi”.
Và chiều nay, chồng khệ nệ bưng về chiếc tivi màn hình phẳng to uỳnh “dán” lên tường. Anh ca ngợi những chức năng mới của tivi. Nào là gọn nhà, nào là đỡ hại mắt, nào là phen này anh sẽ cùng đội bạn anh tới mở cuộc ăn bóng đá, nhậu bóng đá ngay tại nhà mình. Vợ khỏi phải càu nhàu vì chồng toàn lăn lê ở nhà bạn, ở quán để hô hoán thắng thua mỗi khi có trận đấu hay.
Nghe anh nói vậy, tôi như muốn nổi đóa ngay tức thì bởi anh thừa biết con trai đã mấy lần nhắc mẹ phải nộp tiền học tiếng Anh vì “cả lớp thầy nhắc còn mỗi mình con”. Rồi sang tuần, đám cưới con nhà gì ruột, chưa biết lấy tiền đâu để đi mừng cưới...
Không kìm chế nổi, tôi bảo chồng: “Anh ích kỷ lắm, anh chỉ biết nghĩ đến bản thân mình thôi. Anh làm cha rồi mà không thấy xót khi con anh thiếu tiền học, thiếu tiền sữa à. Cứ làm như con là của riêng tôi ấy”.
Bất ngờ, khi tôi vừa dứt lời, anh ném vỡ tan chiếc cốc đang cầm trong tay và rít lên: "Cô ra khỏi nhà tôi ngay. Không có cô tôi vẫn nuôi con như thường nhá. Cái loại đàn bà hơi tí đã ngoác miệng lên kêu nhá, cũng chả ra hồn gì đâu".
Tưởng anh cả giận mà nặng lời, ai ngờ, anh đuổi tôi thật. Anh kéo tay tôi đẩy ra ngoài cửa và kéo cánh cửa lại.
Đúng lúc đó, con bé khóc inh ỏi trên gác, tôi chạy vào nhà và bế con, tưởng mọi chuyện sẽ qua. Ai ngờ, anh vừa chạy lên phòng, vừa lớn tiếng: "Lấy quần áo và ra khỏi nhà đi cho khuất mắt".
Sau đó, anh liên tục quát đuổi tôi ra khỏi nhà. Và khi nhà hàng xóm quây quần trong bữa ăn cuối tuần, tôi phải ôm con bé ra khỏi nhà trong tiếng mắng nhiếc của anh và tiếng khóc gào của cậu con lớn.
Tôi chăm chút gia đình hết mình. Tôi cũng chưa từng mang tiếng hỗn láo hay có điều gì không phải với chồng. Vậy mà anh đã đuổi tôi ra khỏi nhà trong sự tủi nhục khiến tôi đau đớn vô cùng. Tôi nên làm gì lúc này?