Tôi không hề biết...

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chỉ cần vế đầu tiên của tiêu đề: 'Tôi không hề biết…', cuốn sách của tác giả Kate Petty đã thành công trong việc khơi dậy trí tò mò của độc giả.

Đại dương bão tố

Đó là vế đầu của tác phẩm có tên gọi dài tới 14 tiếng: “Tôi không hề biết sóng thần cuốn trôi cả thành phố và vô số những điều kì thú khác về đại dương bão tố”, do NXB Kim Đồng ấn hành với lời dịch của Hoàng Thu Thủy.

Điểm cộng đầu tiên của cuốn sách chính là cách trình bày bìa đầy sinh động. Thay vì là một hình ảnh trình bày trên toàn bộ bìa sách, bố cục của bìa sách có thể chia thành hai phần.

Phần bên trong với hình ảnh con sóng thần hung dữ đang tàn phá làng mạc, thậm chí “chia nửa” con tàu dễ dàng như trở bàn tay. Phần viền bao quanh bên ngoài chính là nơi những thông tin thú vị được ghi chú: “Sóng biển có thể đánh vỡ con tàu thành hai mảnh”, “Có những con thuyền không thể chìm”; hay là “Nước biển có thể bị hút lên không”…

Thêm nữa, họa sĩ vẽ bìa còn thể hiện sự tinh tế trong sử dụng tính tương phản về màu sắc: Phần nền của bìa đã được chủ ý lấp đầy bởi màu đen từ đó, những cơn sóng thần, những cây dừa, làng mạc trở nên nổi bật hơn với gam màu tươi sáng, tạo nên ấn tượng mạnh với độc giả.

Hình ảnh bìa của cuốn sách 'Tôi không hề biết sóng thần cuốn trôi cả thành phố và vô số những điều kì thú khác về đại dương bão tố'. Ảnh: Tấn Quyết.

Có thể nói, cách trình bày bìa mới lạ và sinh động chính là một cách khéo léo thu hút độc giả lần giở những trang sách tiếp theo.

Các trang sách tiếp theo chính là nơi những thông tin thú vị ghi trên bìa được tác giả bàn luận và phân tích, giúp độc giả hiểu hơn về đại dương đầy dữ dội và sẵn sàng tạo ra bất ngờ.

Đôi khi, những cơn sóng thần bỗng nhiên trở thành một “đô vật” hạng cân “siêu nặng”. Đó là khi chúng kết hợp lại để tạo nên một cơn sóng thần cao 16m và dễ dàng cuốn trôi cả thành phố Lisbon, Bồ Đào Nha vào năm 1755.

Với câu hỏi: “Liệu đại dương có biết di chuyển hay không?”, tác giả Kate Perry cũng đưa ra lời giải đáp chính xác: “Sóng bị đẩy về phía trước bởi gió… Còn bản thân đại dương thì vẫn đứng yên tại chỗ”.

Đó là một hiện tượng El Nino khiến cho một trong những nơi tưởng chừng như “giọt nước còn quý hơn vàng” – vùng sa mạc ở Arizona – bị lụt lội. Hay đó là cách thủy triều bị “điều khiển” bởi Mặt trăng - thủy triều Trái đất bỗng nhiên bị kéo lên cao khi Trái đất, Mặt trăng, Mặt trời thẳng hàng, hay lại bị kéo xuống nếu điều kiện đó không còn tồn tại nữa.

Hoặc nếu ai có ý định chạy đua với cơn bão nhiệt đới thì ngay lập tức nhận ra được phần thua đang nằm trong tay mình: “Bão nhiệt đới có thể di chuyển với vận tốc của xe hơi trên đường cao tốc”. Vì vậy, cuốn sách chính là nơi tuyệt vời để độc giả có thể học tập, tìm hiểu thêm những thông tin mới mẻ về đại dương, các cơn sóng thần, hay cả bao cơn bão dữ dội…

Phong cách trình bày nội dung độc đáo và thú vị của cuốn sách. Ảnh: Tấn Quyết.

Phong cách trình bày nội dung độc đáo và thú vị của cuốn sách. Ảnh: Tấn Quyết.

Bố cục “chẳng giống ai”

Một điều rất đáng được chú ý tới khi đọc cuốn sách này chính là cách trình bày những thông tin, những hình vẽ rất độc đáo mà không nhiều cuốn sách có được.

Cuốn sách luôn lấy cụm từ “Tôi không hề biết…” làm trung tâm, và từ tiêu đề, mục lục, hay tên chương… đều được sử dụng biện pháp lặp từ “Tôi không hề biết…”, chẳng hạn như: “Tôi không hề biết sóng thần cuốn trôi cả thành phố”, “Tôi không hề biết núi lửa có thể gây ra sóng thần”, “Tôi không hề biết đại dương vẫn đứng yên khi các con sóng tiến về phía trước”, “Tôi không hề biết Mặt trăng làm nước chuyển động”…

Với cách đặt tên độc đáo này, cuốn sách đã tạo được những điểm nhấn để thu hút sự chú ý của độc giả.

Hơn nữa, cách bố trí tên chương, nội dung của nó cũng rất đáng được kể đến. Thay vì là những dòng chữ thẳng hàng thẳng lối, nghiêm túc, chúng được trình bày theo phong cách nhí nhảnh, mềm mại, với tên chương được trình bày “ôm” theo những họa tiết của hình vẽ.

Có thể ở một chương nào đó, dòng chữ được thiết kế uốn lượn theo những con sóng, nhưng ở một chương khác, dòng chữ ấy lại có thể “lơ lửng” cùng làn khói bốc ra từ những miệng núi lửa…

Trong những cuốn sách khoa học, chính vì sự nghiêm túc, những con chữ được viết “thẳng hàng thắng lối” đã vô tình khiến cho độc giả cảm thấy bị “chóng mặt” và loạn vì chữ quá dày đặc và không thể tìm thấy khoảng trống để có thể dừng lại và suy nghĩ về những thứ vừa đọc.

Cuốn sách này đã khắc phục được điểm yếu đó với cách bố trí phóng khoáng, có rất nhiều “khoảng trống” giữa các đoạn văn để độc giả không bị cuốn theo những thông tin trong cuốn sách, từ đó có thể dừng lại và suy ngẫm.

Cuốn sách đã thành công trong việc thu hút độc giả với những thông tin độc đáo, thú vị về biển cả, về “đại dương bão tố”. Chắc chắn rằng, độc giả sẽ luôn thư thái và vui vẻ khi được đắm chìm vào những trang sách chứa đầy sự sinh động của những hình vẽ minh họa, các thông tin phong phú, thú vị.

“Tôi không hề biết sóng thần cuốn trôi cả thành phố và vô số những điều kì thú khác về đại dương bão tố” bao gồm 12 chương, kể về mọi điều thú vị của sóng thần và đại dương đầy bão tố, cùng với những thí nghiệm, câu hỏi vui. Đồng thời, cách trình bày mềm mại, dễ thương của các con chữ mà thông tin trong cuốn sách cũng bỗng chốc trở nên gần gũi, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ. Qua đó không chỉ đem đến giây phút giải trí, thư giãn từ những con chữ vui tươi, nhí nhảnh, mà còn giúp độc giả có thể tìm hiểu kỹ càng về đại dương, bão tố...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ