Gen Z thắp sáng lòng yêu nước trên mạng xã hội

GD&TĐ - Là lực lượng nòng cốt của tương lai đất nước, thế hệ trẻ hôm nay không chỉ học tập, lao động và cống hiến theo cách riêng, mà còn chủ động tiếp cận lịch sử bằng tư duy công nghệ và sáng tạo.

Các hình ảnh và trend được các bạn trẻ đăng nhân dịp 30/4. Ảnh: TikTok
Các hình ảnh và trend được các bạn trẻ đăng nhân dịp 30/4. Ảnh: TikTok

Gen Z - thế hệ sinh ra và lớn lên cùng Internet, không chỉ có khả năng sử dụng công nghệ và truyền thông một cách tự nhiên, mà còn đang chủ động biến mạng xã hội thành “sân khấu” thể hiện bản sắc cá nhân, quan điểm xã hội và lối sống đầy tính nhân văn. Điều đó làm thay đổi định kiến từng gắn với giới trẻ là “sống ảo” hay “thờ ơ với thời cuộc”…

Những giá trị nhân văn trở thành “trend”

Theo khảo sát của tổ chức Plan International tại Việt Nam (2023), hơn 68% bạn trẻ cho biết, từng sử dụng mạng xã hội để lan tỏa thông điệp tích cực hoặc tham gia các chiến dịch cộng đồng. Đáng chú ý, 47% trong số đó xem mạng xã hội là công cụ hiệu quả nhất để kết nối những người có cùng lý tưởng - một minh chứng rõ ràng cho sự trưởng thành trong tư duy công dân số của thế hệ trẻ. Với họ, mạng xã hội không chỉ để giải trí hay thể hiện bản thân, mà còn là cầu nối giúp lan tỏa các giá trị sống tích cực, lòng yêu nước, tinh thần cộng đồng và trách nhiệm xã hội trong thời đại mới.

Từ cuối tháng 4/2025, trên nền tảng mạng xã hội TikTok, hàng loạt bạn trẻ cùng tham gia trào lưu nhảy theo các bài nhạc cách mạng như “Tiến về Sài Gòn”, “Như có Bác trong ngày đại thắng”, kết hợp với kỹ thuật ghép ảnh cũ - mới để tái hiện lại không khí ngày đất nước thống nhất.

Không đơn thuần là hình thức giải trí, mỗi video đều đi kèm những dòng mô tả ngắn gọn nhưng xúc động: “Con cháu chúng cháu xin đời đời biết ơn”, “Tự hào là thế hệ kế thừa”, hay “Lịch sử không chỉ nằm trong sách”.

Ngoài ra, các video nhảy múa theo nhạc cách mạng, phong trào “săn” và sưu tầm bộ tem bưu chính “Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)”, đến loạt ảnh tái hiện quá khứ tại Dinh Độc Lập qua kỹ thuật ghép ảnh, tất cả đã tạo nên một làn sóng yêu nước bằng ngôn ngữ số.

Tài khoản TikTok “Chàng tấm bờ hồ” với hơn 90.000 lượt theo dõi đã đăng tải một video ghép hình ảnh các cựu binh chiến tranh và các khối diễu binh trong ngày 30/4. Video được thực hiện công phu khi lồng ghép các tư liệu lịch sử, nhạc cách mạng làm nền, cùng thông điệp: “Tự do hòa bình không dễ, phải biết gìn giữ”. Chỉ sau 48 giờ, video thu hút hơn 2 triệu lượt xem và hàng nghìn bình luận bày tỏ xúc động.

Cùng lúc, xu hướng “Máu đỏ da vàng” cũng trở thành hiện tượng và thu hút sự hưởng ứng của các nhóm bạn trẻ chọn dịp lễ để đến Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, Bảo tàng Lịch sử TPHCM, vừa tham quan, vừa quay hình ảnh bản thân mặc áo in hình cờ Tổ quốc.

Không chỉ ghi lại hình ảnh, người trẻ còn đóng vai các nhân vật lịch sử, dựng lại các sự kiện lịch sử thành clip ngắn. Trào lưu này không chỉ tạo nên sức hút mạnh mẽ trong cộng đồng học sinh, sinh viên Việt Nam, mà còn lan rộng ra cả cộng đồng người Việt, người nước ngoài ở các quốc gia khác, góp phần giới thiệu tinh thần dân tộc ra thế giới.

gen-z-thap-sang-long-yeu-nuoc-tren-mang-xa-hoi-1.jpg
Bộ ảnh lễ diễu binh, diễu hành ngày 30/4 của Bùi Quốc Hoàng, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) được chia sẻ, lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội. Ảnh: HCMUSSH

Tiếp cận lịch sử bằng tư duy 4.0

Là lực lượng nòng cốt của tương lai đất nước, thế hệ trẻ hôm nay không chỉ học tập, lao động và cống hiến theo cách riêng, mà còn chủ động tiếp cận lịch sử bằng tư duy công nghệ và sáng tạo.

TS Nguyễn Thị Quốc Minh - giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng: “Những trào lưu lan tỏa trên mạng xã hội thời gian qua cho thấy các bạn không thờ ơ với lịch sử dân tộc mà đang tìm kiếm cách thể hiện lòng yêu nước gần gũi, sinh động và phù hợp với thời đại. Đây không chỉ là sự tiếp nối truyền thống, mà còn mở ra một kỷ nguyên mới, nơi tình yêu nước được thể hiện bằng hành động và nội dung tích cực”.

Không chỉ dừng lại ở kỷ niệm lịch sử, nhiều bạn trẻ còn chủ động lan tỏa các thông điệp tích cực về môi trường, giáo dục, sức khỏe tâm lý hay bình đẳng giới. Những nội dung như “thử thách nhặt rác”, “mỗi tuần một cuốn sách”, “điều tử tế hôm nay”… xuất phát từ cộng đồng Gen Z và nhanh chóng lan rộng.

Tại Hà Nội, nhóm sinh viên Trường Đại học Sư phạm tổ chức chiến dịch gom sách giáo khoa cho học sinh nghèo. Nhóm đã đăng bài trên Facebook kêu gọi mọi người cùng tham gia. Sau 7 ngày, “hashtag” về chiến dịch này đã có hơn 3.000 bài đăng, nhiều thành viên thậm chí còn thành lập và tổ chức các chiến dịch quyên góp tương tự ở các điểm trường học khác.

Một ví dụ điển hình cho việc sử dụng mạng xã hội một cách tích cực, nhân văn là TikToker Lê Nhựt Quan, chủ nhân kênh “Quang Không Gờ”, người được cộng đồng mạng yêu mến bởi loạt hoạt động thiện nguyện mang ý nghĩa lan tỏa yêu thương. Không chạy theo các “trend” vô thưởng vô phạt, Quan chọn cách tận dụng sức ảnh hưởng của mình để giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn ngay tại TPHCM. Từ việc phát cơm từ thiện, “review” quán ăn của các cụ già neo đơn, đến dự án “Ăn gì khó, có Quan lo”, nơi anh đi tìm và mua món ăn theo yêu cầu của người vô gia cư hay người lao động nghèo.

Mỗi video không chỉ thu hút hàng triệu lượt xem, mà còn mở ra cầu nối giúp những hoàn cảnh khó khăn được cộng đồng biết đến và hỗ trợ. Quan cũng không ngần ngại giới thiệu, ủng hộ các gian hàng nhỏ, quán ăn đang gặp khó khăn về kinh tế, tạo động lực để họ tiếp tục bám trụ và mưu sinh. Quan thổ lộ: “Tôi muốn tận dụng sức ảnh hưởng và sự nổi tiếng của mình để lan tỏa những điều tích cực trên mạng xã hội, và để nhiều hoàn cảnh khó khăn được các bạn trẻ biết đến nhiều hơn”.

Chia sẻ về vai trò của mạng xã hội trong giáo dục công dân, TS Nguyễn Thị Quốc Minh nhận định: “Mạng xã hội nếu được sử dụng đúng cách hoàn toàn có thể trở thành một công cụ hữu hiệu trong giáo dục công dân cho giới trẻ.

Thông qua các trào lưu tích cực, các bạn trẻ không chỉ thể hiện quan điểm sống nhân văn, trách nhiệm với cộng đồng, mà còn góp phần hình thành thái độ sống chủ động, dấn thân và có ý thức xã hội. Đây là những biểu hiện rõ nét cho thấy mạng xã hội đang góp phần nâng cao tinh thần công dân thời đại số”.

gen-z-thap-sang-long-yeu-nuoc-tren-mang-xa-hoi-2.jpg
Học sinh Trường THPT Phú Quốc (Kiên Giang) quay video lan tỏa tinh thần yêu nước nhân dịp lễ 30/4 năm nay. Ảnh: NTCC

Bản lĩnh, sáng tạo và tử tế

Sự việc hai sinh viên có hành vi thiếu chuẩn mực với cựu chiến binh trong dịp Đại lễ 30/4 vừa qua tại TPHCM, cùng đoạn video lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, đã tạo nên làn sóng phẫn nộ và chỉ trích gay gắt.

Dù cả hai đã công khai xin lỗi và bị nhà trường kỷ luật, vụ việc vẫn để lại bài học sâu sắc về ứng xử nơi công cộng, đồng thời phơi bày “góc khuất” về ý thức trách nhiệm và đạo đức của một bộ phận giới trẻ trong bối cảnh bùng nổ mạng xã hội. Nhiều người trẻ vẫn còn thiếu kỹ năng để hành xử văn minh. Những vụ việc như vậy không chỉ khuấy động dư luận, mà còn tạo ra một sự đối lập đáng lo ngại với những hình ảnh đẹp đẽ, truyền cảm hứng vẫn được chia sẻ mỗi ngày.

Các chuyên gia giáo dục khẳng định, vấn đề không nằm ở bản thân mạng xã hội một công cụ trung lập mà ở thái độ sống và nền tảng giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội. Mạng xã hội không định hình nhân cách, nhưng nó có sức mạnh khuếch đại những gì đã tồn tại bên trong mỗi người.

Vậy nên, vai trò định hướng của gia đình và nhà trường càng trở nên cấp thiết. Không thể ngăn cấm hoàn toàn giới trẻ tiếp cận công nghệ, nhưng cần đồng hành và trang bị kiến thức, kỹ năng để sử dụng mạng xã hội một cách đúng đắn, tích cực và có trách nhiệm. Việc giáo dục cần kiến tạo một môi trường giúp học sinh hiểu rằng mỗi lượt chia sẻ, mỗi bình luận đều mang sức nặng và để lại dấu ấn trên không gian mạng cũng như trong cuộc sống thực.

Cô Đặng Thị Nhung - giáo viên bộ môn Giáo dục công dân, Trường THPT Phú Quốc (An Giang) chia sẻ: “Gia đình là nơi đầu tiên nuôi dưỡng nhân cách, còn nhà trường là nơi hình thành tư duy phản biện và đạo đức. Nếu phối hợp tốt, chúng ta có thể giúp các em biết phân biệt đúng - sai, tránh rơi vào cực đoan hay chạy theo những trào lưu tiêu cực. Mạng xã hội không xấu, vấn đề là người lớn có đủ kiên nhẫn và trách nhiệm để dẫn dắt các em đi đúng hướng hay không”.

Trong thời đại số, không gian mạng đã trở thành một tấm gương phản chiếu, nơi bất kỳ hành vi nào, dù chỉ diễn ra trong khoảnh khắc, cũng có thể nhanh chóng trở thành tâm điểm dư luận. Mạng xã hội, với sức mạnh lan tỏa phi thường, là con dao hai lưỡi: Nó có thể biến những câu chuyện tử tế, ý nghĩa thành nguồn cảm hứng lan rộng, nhưng cũng rất dễ dàng khuếch đại những sai lầm, đẩy người trong cuộc vào vòng xoáy của chỉ trích và đối mặt với những hậu quả vượt ngoài dự đoán.

Điều này đặt ra một yêu cầu cấp thiết cho giới trẻ: Cần nhận thức rõ rằng mỗi hành động, mỗi lời nói, đặc biệt khi được ghi lại và chia sẻ trên không gian số, đều mang theo một giá trị nhất định - tích cực hoặc tiêu cực. Những dấu ấn này không chỉ tồn tại trên màn hình, mà còn in sâu vào nhận thức của cộng đồng, định hình cách mọi người nhìn nhận về bạn. Hãy luôn nhớ rằng, thế giới số không quên, và những gì bạn gieo trên đó sẽ được gặt hái, đôi khi với những hệ lụy khó lường.

Cô Đặng Thị Nhung cho rằng, Gen Z còn đang trong quá trình hình thành nhân cách, nên rất cần được lắng nghe, trao đổi và uốn nắn kịp thời. Những sự việc gây tranh cãi trên mạng xã hội là bài học lớn không chỉ với học sinh liên quan mà với cả những người làm giáo dục. Điều quan trọng là sau sai lầm, các em được hướng dẫn để hiểu đúng và trưởng thành hơn.

Nguyễn Quốc Bình - sinh viên năm 4, Trường Đại học Công nghệ TPHCM - HUTECH cho rằng: Các “trend” lan tỏa tích cực trên mạng xã hội hiện nay thực sự rất ý nghĩa. Đó không chỉ là cách để giới trẻ thể hiện bản thân, mà còn là cách kết nối cộng đồng và truyền cảm hứng cho nhau.

Những chiến dịch như nhặt rác vì môi trường, ủng hộ quán ăn của người nghèo hay tái hiện lịch sử qua dựng video clip giúp chúng tôi nhận ra mạng xã hội không chỉ để giải trí, mà còn là công cụ để tạo ra ảnh hưởng tốt. Là một người trẻ, tôi cảm thấy có trách nhiệm góp phần vào những xu hướng tích cực đó, dù chỉ bằng một hành động nhỏ hay một lượt chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ