Tốc độ tăng số người học tiếng Nhật của Việt Nam đứng đầu thế giới

Tốc độ tăng số người học tiếng Nhật của Việt Nam đứng đầu thế giới

Cụ thể, năm 2018, tại Việt Nam có 818 đơn vị đào tạo tiếng Nhật (đứng thứ 7 trên thế giới), số giáo viên là 7.030 (đứng thứ 3 trên thế giới) và tổng số 174.461 người học (đứng thứ 3 thế giới).

Nhu cầu về nguồn nhân lực biết tiếng Nhật tăng

Tại sao giáo dục tiếng Nhật phát triển mạnh như vậy? Chắc chắn lý do đầu tiên là do nhu cầu về nguồn nhân lực biết tiếng Nhật tại Việt Nam cũng như Nhật Bản.

Tính đến cuối năm 2019, Nhật Bản có 4.190 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 57,9 tỷ USD, đứng thứ hai trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Vốn đầu tư từ Nhật Bản được xem là dòng vốn chính, hình mẫu cho mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Số lượng doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã đạt con số hơn 2 ngàn và vẫn đang tiếp tục tăng. Cùng với các doanh nghiệp Nhạt Bản tại Việt Nam, số lượng doanh nghiệp Việt Nam liên doanh với Nhật hoặc có hợp tác với Nhật Bản cũng ngày càng tăng.

Trong lĩnh vực du lịch, số lượng khách du lịch Nhật Bản vào Việt Nam cũng ngày càng tăng: Năm 2018, Việt Nam đón 826.674 lượt khách Nhật Bản, tăng 3,6% so với năm 2017. Tám tháng đầu năm 2019, tổng số khách Nhật đến Việt Nam trên 620 nghìn lượt, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước.

Với bối cảnh đầu tư mạnh mẽ của Nhật Bản vào Việt Nam và sự hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và du lịch như nêu trên, nhu cầu đối với nguồn nhân lực biết tiếng Nhật là rất lớn.

Sự phát triển mạnh mẽ của giáo dục tiếng Nhật cũng liên quan đến tỷ lệ du học sinh người Việt Nam tại Nhật Bản.

Theo số liệu điều tra về sinh viên nước ngoài đang theo học tại Nhật Bản do tổ chức hỗ trợ sinh viên Nhật Bản (JASSO) đã công bố, tính đến thời điểm ngày 1/5/2018 tổng số du học sinh người Việt tại Nhật lên tới con số 72.354 người, so với con số 61.671 người năm trước tăng thêm 17,3% (tức là tăng thêm 10.683 người).

Du học sinh Việt Nam tại Nhật đứng thứ hai thế giới

Số du học sinh người Việt Nam chiếm 24.2% tổng số du học sinh tại Nhật (năm trước là 23.1%). Cũng giống như năm trước, so với các nước và khu vực số du học sinh người Việt Nam tại Nhật đứng thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc (114950 người, chiếm 38.4%).

So với các nước và khu vực, số du học sinh Việt Nam theo học tại các trường bậc đại học trở lên tăng thành 42.083 người, so với năm trước là 35.489 người, chiếm vị trí số 2 trong số các nước trên thế giới có du học sinh đại học tại Nhật Bản. Ngoài ra tại các trường đào tạo tiếng Nhật (ngoại trừ các trường đào tạo chuyên môn), số lượng người học tăng từ 26.182 thành 30.271 người và vượt qua Trung Quốc (28511 người), chiếm vị trí số 1 trên thế giới.

Bên cạnh trào lưu du học Nhật Bản, số lượng người Việt Nam sang Nhật Bản làm việc hoặc thực tập cũng đang ngày càng tăng, trong bối cảnh Nhật Bản tăng cường tuyển dụng và có chính sách thu hút người lao động (đặc biệt là lao động trình độ cao) và thực tập sinh nước ngoài, nhất là sau khi có Bản ghi nhớ hợp tác về chế độ thực tập sinh kỹ năng (MOC) giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động Y tế Phúc lợi Nhật Bản) năm 2017.

Tiếng Nhật là môn học chính thức ở trường phổ thông

Ngoài lý do phát triển theo nhu cầu của xã hội, giáo dục tiếng Nhật tại Việt Nam đạt được nhiều thành quả cũng một phần do quyết tâm của hai chính phủ Việt Nam và Nhật Bản và sự nỗ lực của các nhà quản lý giáo dục cũng như các chuyên gia tiếng Nhật của hai nước.

Từ năm 2003, khi mà tiếng Nhật chưa phát triển nóng như bây giờ, dưới sự chỉ đạo của chính phủ hai nước, Đề án giảng dạy tiếng Nhật tại trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Việt Nam đã được khởi động và thực hiện suốt 10 năm, với 2 vòng thí điểm thực hiện theo kiểu “cuốn chiếu”.

Kết quả là, từ 1 lớp thí điểm cho học sinh lớp 6 Trường THCS Chu Văn An- Hà Nội (sau đó thí điểm tiếp ở TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế), đến năm 2018 trên toàn quốc đã có 25 ngàn học sinh THCS và THPT học tiếng Nhật tại trường như ngoại ngữ 1 hoặc ngoại ngữ 2 (theo chương trình 7 năm).

Đặc biệt, nhờ có Đề án này, năm 2007, tiếng Nhật được công nhận là môn học chính thức tại trường phổ thông ở Việt Nam (trước đó chỉ có 4 ngoại ngữ là Anh, Nga, Pháp, Trung) và trở thành môn thi tốt nghiệp, môn thi tuyển sinh đại học.

Từ năm 2016, Bộ GD&ĐT tiếp tục thực hiện Đề án thí điểm dạy tiếng Nhật như ngoại ngữ 1 (Chương trình 10 năm) bắt đầu từ bậc tiểu học. Từ năm học 2020- 2021, khi Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được thực hiện, việc học tiếng Nhật từ bậc THCS (chương trình 7 năm) sẽ được tính là môn ngoại ngữ 2.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ