Ngày truyền thống học sinh, sinh viên Việt Nam (9/1/1950 – 9/1/2024)

Tỏa sáng từ nghiên cứu khoa học

GD&TĐ - Những sinh viên được vinh danh đảm bảo kết quả học tập mà vẫn có thể tham gia hoạt động đoàn thể, nghiên cứu khoa học… 

Lê Ngọc Bảo Anh (thứ 2 từ phải sang) đoạt Huy chương Đồng Kỳ thi ICPC Asia Jakarta 2023. Ảnh: NTCC
Lê Ngọc Bảo Anh (thứ 2 từ phải sang) đoạt Huy chương Đồng Kỳ thi ICPC Asia Jakarta 2023. Ảnh: NTCC

Hơn cú “hat trick”

Trong Chương trình vinh danh sinh viên có thành tích xuất sắc tại các cuộc thi năm 2023, Lê Ngọc Bảo Anh - lớp 23-KHDL1, khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng được xướng danh 4 lần. Nam sinh viên liên tục gặt hái giải cao trong các cuộc thi quốc tế, quốc gia.

Bảo Anh đạt Huy chương Bạc và Huy chương Đồng Kỳ thi lập trình viên quốc tế ICPC khu vực châu Á tổ chức tại Việt Nam và Indonesia. Trước đó, đội của Bảo Anh đoạt chức vô địch ở vòng thi ICPC khu vực miền Trung và ICPC toàn quốc. Với cuộc thi Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam lần thứ 32, Bảo Anh đoạt giải B Khối siêu cúp.

Bảo Anh là sinh viên năm thứ nhất, được tuyển thẳng vào ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng sau khi đoạt giải Nhất (Kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia môn Tin học) và Huy chương Đồng Olympic Tin học châu Á năm 2023.

Theo Bảo Anh, đặc điểm của Kỳ thi ICPC là các đội phải làm bài thi online liên tục trong nhiều giờ. Đề bài được ban tổ chức công bố lần lượt, trong trường hợp các đội bằng điểm, giải thưởng tính cho đội có thời gian giải nhanh nhất. Vì thế, nhóm luôn tập trung cao độ, trao đổi nhanh chiến lược làm bài và phân chia thời gian hoàn thành bài giải nhanh, chính xác nhất.

“Cuộc thi giúp em có điều kiện cọ xát và nắm rõ quy trình tổ chức cuộc thi lập trình quốc tế. Năm nay, ICPC Vietnam quy tụ hầu hết tài năng tin học trẻ các trường đại học, qua đó tạo môi trường phát triển kiến thức, kỹ năng tin học cho sinh viên”, Bảo Anh cho biết.

Chuyển từ môi trường phổ thông lên đại học với nhiều môn học mới, Lê Ngọc Bảo Anh không chỉ tập trung cho Tin học mà còn phân bố thời gian để học tốt các môn học khác. Theo lý giải của Bảo Anh, học gì cũng phải hiểu rõ về nó vì không dễ để có thể chọn lại.

Trong thời đại 4.0, ai cũng thích máy tính, nhưng để học công nghệ thông tin thì cần đam mê bởi đây là nội dung khó và môi trường cạnh tranh cao. Kiến thức của môn Tin học rất rộng nên quan trọng nhất là yêu thích để rèn luyện, làm nhiều bài tập. Tin học liên quan đến toán học do đó để học tốt phải vững kiến thức môn Toán và đam mê các con số.

Đỗ Thị Thu Uyên (bìa phải) cùng giảng viên hướng dẫn đề tài Trần Thị Kim Phượng. Ảnh: NVCC

Đỗ Thị Thu Uyên (bìa phải) cùng giảng viên hướng dẫn đề tài Trần Thị Kim Phượng. Ảnh: NVCC

Tạo chân đế vững chắc

Đỗ Thị Thu Uyên – sinh viên lớp 45K23.2 khoa Du lịch, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng cũng xuất sắc giành giải Nhất (Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Đại học Đà Nẵng năm 2022 – 2023) và giải Nhì (Giải thưởng Khoa học và Công nghệ dành cho sinh viên cơ sở giáo dục đại học năm 2023).

Đề tài nghiên cứu khoa học của Thu Uyên có chủ đề “Nhân tố tiền đề của tài sản thương hiệu người nổi tiếng trực tuyến trên TikTok nghiên cứu trong bối cảnh ngành khách sạn tại Việt Nam”. Đây là đề tài khá mới và ít bài nghiên cứu đo lường, đánh giá các khía cạnh này. Hiện nay, người nổi tiếng trên TikTok (hay còn gọi là TikToker) nổi lên như hiện tượng thời đại kỹ thuật số. Việc đo lường tài sản thương hiệu trở nên quan trọng hơn nếu người nổi tiếng muốn khác biệt với đối thủ cạnh tranh.

Là sinh viên ngành du lịch nên Thu Uyên nhận thấy từ đề tài nghiên cứu này có thể giúp chuyển đổi phương thức quảng bá ngành khách sạn với việc sử dụng TikToker như công cụ để thu hút khách hàng mục tiêu.

“Đề tài ít nhiều góp thêm vào hệ thống lý luận về tài sản thương hiệu; giúp người nổi tiếng trực tuyến và doanh nghiệp quản lý tìm ra con đường gia tăng tài sản thương hiệu thông qua mối quan hệ phân cấp giữa nhân tố tiền đề và tài sản thương hiệu người nổi tiếng trực tuyến”, Thu Uyên cho biết. Ngoài ra, nghiên cứu này còn giúp các nhà quản trị khách sạn có cái nhìn khái quát hơn về tài sản thương hiệu người nổi tiếng, nhận biết, chọn người phù hợp để quảng bá thương hiệu, thu hút khách hàng mục tiêu.

Mô hình thiết kế “Trung tâm xử lý rác thải và tái chế, sáng tạo sản phẩm từ rác thải tại Đà Nẵng” của Phan Thị Bích Thảo. Ảnh: NVCC

Mô hình thiết kế “Trung tâm xử lý rác thải và tái chế, sáng tạo sản phẩm từ rác thải tại Đà Nẵng” của Phan Thị Bích Thảo. Ảnh: NVCC

Chia sẻ kinh nghiệm về nghiên cứu khoa học, Thu Uyên cho biết: “Với các bạn mới bắt đầu nghiên cứu khoa học, nên thực hiện đề tài theo nhóm. Việc chọn thành viên nhóm thật sự quan trọng vì là nhân tố quyết định có theo đuổi đề tài đến cùng hay không. Làm việc theo nhóm giúp các bạn phân bổ nguồn lực dễ dàng hơn và trở thành động lực của nhau. Việc chọn tên đề tài cũng quan trọng để định hình bạn làm gì, có khả thi, phù hợp không”.

Ngoài ra, đồ án thiết kế “Trung tâm xử lý rác thải và tái chế, sáng tạo sản phẩm từ rác thải tại Đà Nẵng” của Phan Thị Bích Thảo – sinh viên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đã xuất sắc vượt qua hơn 100 bài dự thi, đoạt giải Nhất cuộc thi Kiến trúc xanh sinh viên Việt Nam 2023. Theo đó, trung tâm xử lý rác có hệ thống khép kín, giải quyết vấn đề mùi hôi, lượng rác qua các giai đoạn được tái sử dụng 100% thành sản phẩm hữu ích, không phát sinh rác, đất chôn lấp.

Sinh ra và lớn lên gần khu vực bãi rác Khánh Sơn (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), Bích Thảo thấu hiểu những ảnh hưởng của khu tập trung rác thải tới đời sống người dân xung quanh. Đây là động lực giúp Thảo lên ý tưởng hoàn thành đồ án xây dựng nhà máy xử lý rác, với mục đích giải quyết vấn đề môi trường.

Thảo dành nhiều thời gian đi thực tế tại bãi rác Khánh Sơn để nghiên cứu các giải pháp tối ưu nhất, có thể vừa chống ô nhiễm môi trường, vừa tận dụng nguồn tài nguyên từ rác thải sinh hoạt. “Em muốn ứng dụng kiến thức đã học trong 4 năm đại học để đưa ra các giải pháp nhằm khôi phục hệ sinh thái tự nhiên, giải quyết vấn đề quá tải của bãi rác Khánh Sơn”, Bích Thảo nói.

Đồ án của Phan Thị Bích Thảo chú trọng tận dụng các thành phẩm từ rác để bán ra thị trường, mang về lợi nhuận cho nhà máy. Theo đó, Trung tâm xử lý và tái chế rác thải gồm 2 phân khu: Khu nhà máy và trước nhà máy tổ chức các hoạt động liên quan. Quá trình phân loại, rác thải nguy hại được loại bỏ khỏi dây chuyền và đưa về bãi tập kết tạm thời để tiến hành xử lý.

Rác thải còn lại chia thành 3 loại: Rác thải hữu cơ, vô cơ, nhựa và trơ. Rác thải trơ và vô cơ được đưa vào dây chuyền đốt cho ra sản phẩm cao xỉ, đem đi đóng rắn để tái chế thành gạch nung, gạch lát vỉa hè. Rác thải nhựa đưa đi tái chế cho ra thành phẩm hạt vi nhựa, từ đó làm ra các sản phẩm từ nhựa tái chế. Rác thải hữu cơ sẽ xử lý sơ chế và tinh chế thành phân bón phục vụ nông nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ