Phong trào đã tạo hiệu ứng tích cực trong trường, lớp và xã hội.
“Trái ngọt” cho những nỗ lực
Năm học 2022 - 2023, em Lê Văn Thức - lớp 12 chuyên Tin, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Bình Định) vinh dự là 1 trong 4 học sinh của tỉnh được Trung ương Đoàn tuyên dương “Học sinh 3 tốt”. “Em rất vui và hạnh phúc khi những cố gắng được ghi nhận. Danh hiệu “Học sinh 3 tốt” giúp em có thêm động lực phấn đấu học tập, rèn luyện. Đây cũng là bước đệm để em tiếp tục phát triển toàn diện bản thân”, Văn Thức bộc bạch.
“Khi thực sự hiểu về “Sinh viên 5 tốt”, sinh viên sẽ thấy những tiêu chí trong đó giúp hoàn thiện bản thân chứ không đơn thuần là đạt danh hiệu. Câu lạc bộ “Sinh viên 5 tốt” của Trường Đại học Mở Hà Nội trở thành địa chỉ kết nối sinh viên với nhà tuyển dụng. Những thông tin tuyển dụng, hướng nghiệp được truyền thông đến sinh viên trong trường và các doanh nghiệp”. - ThS Trần Ngọc Anh - Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Trường Đại học Mở Hà Nội
Để đạt danh hiệu này, Văn Thức đã nỗ lực không ngừng trong học tập, rèn luyện. Không chỉ có thành tích học tập xuất sắc, nam sinh còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động do nhà trường phát động… Từ kinh nghiệm bản thân, nam sinh Bình Định cho rằng, để chinh phục danh hiệu “Học sinh 3 tốt”, việc đầu tiên cần nắm rõ là các tiêu chí: “Đạo đức tốt - Học tập tốt - Thể lực tốt”. Điều này giúp các bạn có định hướng trong học tập và rèn luyện.
Ngoài ra, cần đặt mục tiêu cho bản thân và lập kế hoạch đạt được. Đặc biệt, các bạn cần xây dựng cho mình tinh thần trách nhiệm, thái độ tích cực, nghiêm túc, cầu thị, kỷ luật cao. “Khi đã nỗ lực, gắng hết mình, thực hiện theo kế hoạch “lập trình”, bạn sẽ nhận về “trái ngọt””, Văn Thức tâm niệm.
Vinh dự nhận danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp thành phố Hà Nội năm học 2022 - 2023, Trần Thảo Phương - sinh viên lớp 2145.TC3 Khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường Đại học Mở Hà Nội) bộc bạch, đây là danh hiệu cao quý mà bất cứ sinh viên nào cũng mong muốn đạt được. “Sinh viên 5 tốt” là minh chứng cho sự nỗ lực hoàn thiện bản thân. Đây là “sân chơi” lớn dành cho sinh viên cả nước rèn luyện, hoàn thiện theo 5 tiêu chí: “Học tập tốt - Đạo đức tốt - Tình nguyện tốt - Hội nhập tốt - Thể lực tốt”.
“Trong quá trình phấn đấu trở thành “Sinh viên 5 tốt”, em tích lũy được nhiều kiến thức, kỹ năng mềm, kinh nghiệm”, Thảo Phương chia sẻ và trao đổi, đầu tiên cần lập kế hoạch cụ thể để cân bằng thời gian học tập và hoạt động ngoại khóa. Tiếp đó là cần giữ điểm trung bình các môn học (GPA) và rèn luyện ở mức tối thiểu theo yêu cầu cấp độ. Đối với sinh viên năm nhất, nên giao lưu, làm quen với môi trường đại học để thích nghi dần.
“Em thường trang bị các kỹ năng mềm bằng cách tham gia hội thảo, thảo luận, tọa đàm… do Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên trường tổ chức. Bên cạnh đó, em tích cực tham gia các cuộc thi, phong trào, hoạt động như: Tiếp sức mùa thi, Mùa hè xanh... Là người thích “chạy”, vậy nên hầu hết sự kiện của trường em đều trong ban tổ chức hoặc làm tình nguyện viên. Các hoạt động em tham gia khớp với 5 tiêu chí dành cho “Sinh viên 5 tốt”, Thảo Phương cho hay.
“Học sinh 3 tốt” Lê Văn Thức trong giờ học. Ảnh: NVCC |
Tạo môi trường phấn đấu
Năm học 2022 - 2023, lần đầu tiên Hội Sinh viên Trường Đại học Mở Hà Nội có bộ hồ sơ “Sinh viên 5 tốt” được Hội Sinh viên TP Hà Nội duyệt đủ điều kiện xét cấp Trung ương. “Chúng tôi đang chờ kết quả công bố nhân dịp Ngày truyền thống Học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam (9/1/2024). Hy vọng, sinh viên của trường sẽ nhận được danh hiệu cao quý này”, ThS Trần Ngọc Anh - Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Trường Đại học Mở Hà Nội bày tỏ.
Năm học 2022 - 2023, Hội Sinh viên Trường Đại học Mở Hà Nội xét chọn và công nhận 370 “Sinh viên 5 tốt” cấp trường và hơn 100 bộ hồ sơ được chọn lọc để nộp xét danh hiệu này cấp thành phố. Số lượng “Sinh viên 5 tốt” của trường tăng qua các năm. Theo đó, cấp trường tăng gấp 6 lần, cấp thành phố tăng gần 70 lần trong 5 năm. Nếu như năm học 2017 - 2018, có 44 “Sinh viên 5 tốt” cấp trường, một sinh viên đạt danh hiệu này ở cấp thành phố, thì đến năm học 2021 - 2022, trường có 290 “Sinh viên 5 tốt” cấp trường, 68 sinh viên đạt danh hiệu cấp thành phố.
Theo ThS Trần Ngọc Anh, để triển khai phong trào “Sinh viên 5 tốt”, Hội Sinh viên Việt Nam Trường Đại học Mở Hà Nội ứng dụng chuyển đổi số qua hệ thống cơ sở dữ liệu. Đây là sáng kiến của Hội nhằm giảm thiểu thời gian nộp hồ sơ và thủ tục minh chứng dưới dạng văn bản.
Đoàn trường và Hội Sinh viên đã tập huấn mô hình “Sinh viên 5 tốt” hỗ trợ 1 - 2 sinh viên khác phấn đấu đạt danh hiệu này. Sinh viên làm việc theo nhóm để trao đổi ý tưởng, cách triển khai phong trào; phương pháp học tập và các tiêu chí trở thành “Sinh viên 5 tốt”. Đồng thời, sinh viên có thể nêu những khó khăn, thuận lợi trong quá trình tu dưỡng, rèn luyện, học tập và phấn đấu hoàn thiện bản thân.
Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội) tạo môi trường để học sinh phát triển toàn diện. Ảnh: NTCC |
Để phong trào không là bề nổi, Hội tổ chức tọa đàm, góp ý hoàn thiện cơ sở dữ liệu “Sinh viên 5 tốt”. Hằng năm, Hội tổ chức tọa đàm “Nâng cao chất lượng hồ sơ “Sinh viên 5 tốt” các cấp. Qua đây, đưa danh hiệu đến gần hơn với sinh viên, cung cấp thêm kiến thức, thông tin và giải đáp thắc mắc về phong trào “Sinh viên 5 tốt”.
Nhìn nhận, phong trào “Học sinh 3 tốt” phù hợp học sinh THPT và tạo động lực cho đoàn viên thanh niên nhà trường phấn đấu mọi mặt, cô Nguyễn Thị Châu Loan – Bí thư Đoàn Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội) cho hay, nhà trường luôn tạo môi trường để học sinh rèn luyện đạo đức. Thư viện và nhóm văn hóa đọc nhà trường đã xây dựng tủ sách “Bác Hồ với thanh niên”.
Ngoài ra, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc cho học sinh được tổ chức đa dạng như: Sinh hoạt dưới cờ, hoạt động ngoài giờ lên lớp với các tiết mục văn nghệ đặc sắc, giàu tính giáo dục. Năm học 2022 - 2023, học sinh Trường THPT Phan Huy Chú tham gia tìm hiểu văn hóa truyền thống, lịch sử, văn hóa dân tộc, giới thiệu các sự kiện quan trọng của đất nước, Đảng, Đoàn và địa phương.
Cũng theo cô Châu Loan, nhà trường chú trọng giải pháp tạo môi trường cho học sinh phấn đấu học tập. Theo đó, đoàn viên, thanh niên được tham gia các hoạt động giáo dục, từ đó xây dựng thái độ, động cơ học tập đúng đắn, tinh thần cầu tiến, khắc phục tình trạng thiếu nỗ lực phấn đấu vươn lên trong học tập. Đặc biệt, nhà trường đẩy mạnh hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm học tập của cựu học sinh đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng; học sinh đạt thành tích cao trong và ngoài nước.
“Tại Trường THPT Phan Huy Chú, có nhiều câu lạc bộ thể dục thể thao như: Bóng đá, bóng rổ, cầu lông, đá cầu, bóng bàn, cờ vua, cờ tướng, boxing, võ… tạo môi trường sinh hoạt, hoạt động tập thể, rèn luyện, nâng cao thể lực cho học sinh”, cô Châu Loan nhấn mạnh về giải pháp phát triển thể lực học sinh. Cùng đó, nhà trường phát động cuộc vận động rèn luyện thân thể, kết hợp hoạt động thể dục.
Một hoạt động văn hóa, văn nghệ dành cho học sinh Trường THCS & THPT Bá Thước (Thanh Hóa). Ảnh: NTCC |
Mở rộng mạng lưới
Khẳng định, phong trào “Học sinh 3 tốt” không thể là bề nổi, thầy Võ Nhật Minh - Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Bình Định) phân tích, mỗi nội dung của phong trào được cụ thể hóa bằng các tiêu chí nên không thể làm giả hoặc cho có. Tuy nhiên, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu gương “Học sinh 3 tốt” trên các kênh thông tin đại chúng để tạo sức lan tỏa sâu, rộng.
Ngoài ra, cần linh hoạt một số tiêu chí đánh giá, giúp học sinh chủ động hơn khi tham gia hoạt động. Ví dụ, tiêu chí tình nguyện yêu cầu: Phải tham gia tình nguyện Hè; trong khi nhiều học sinh tham gia các hoạt động tình nguyện khác vì dịp Hè các em có kế hoạch từ trước nên không tham gia được. “Từ tiêu chí “cứng”, có thể chúng ta sẽ bỏ sót một số trường hợp tiêu biểu, xuất sắc”, thầy Võ Nhật Minh băn khoăn.
Riêng tiêu chí học tập, thầy Phạm Đức Anh – Bí thư Đoàn Trường THCS & THPT Bá Thước (Thanh Hóa) đề xuất, nên ưu tiên học sinh vùng sâu, xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu không, khó có học sinh những vùng này đạt được danh hiệu “Học sinh 3 tốt” cấp tỉnh và Trung ương.
Kiến nghị trên cũng là tâm nguyện của Giàng A Lử - sinh viên năm thứ nhất, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Vừa qua thời học sinh nên A Lử nhận thấy, với tiêu chí rèn luyện, đạo đức và thể lực, học sinh dân tộc không khó đạt được nhưng lại khó đáp ứng về tiêu chí học tập. Hầu hết học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số không có điều kiện học tập như vùng thuận lợi. Vì thế, với tiêu chí này, nên chăng có cách tính riêng dành cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Còn với phong trào “Sinh viên 5 tốt”, A Lử mong muốn có thêm nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, sát thực tiễn.
Đồng quan điểm, sinh viên Vũ Minh Quân - Khoa Luật, Trường Đại học Mở Hà Nội mong nhận được sự hỗ trợ, khuyến khích của các tổ chức đoàn thể và cần thêm sự công nhận, giúp đỡ từ cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Việc thi đua không chỉ cạnh tranh, mà còn là hỗ trợ lẫn nhau. Từ đó, mọi người có thể chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi và cùng phát triển.
Minh Quân đề xuất, cơ sở giáo dục đại học có thể thành lập câu lạc bộ “Sinh viên 5 tốt” cấp trường, hướng đến hoạt động tuyên truyền, vận động và hỗ trợ sinh viên có mong muốn tìm hiểu phong trào này. Bên cạnh đó, các trường trong cụm thi đua có thể liên kết câu lạc bộ “Sinh viên 5 tốt” để mạng lưới hoạt động thêm chất lượng, hiệu quả, lan tỏa sâu rộng hơn.
“Em mong có thêm nhiều “sân chơi” cho học sinh được giao lưu, học hỏi và phát huy sở trường, thế mạnh; trên hết rèn luyện để phát triển bản thân ngày một toàn diện hơn. Em cũng đề xuất đổi mới phương thức hoạt động của phong trào “Học sinh 3 tốt” theo hướng phù hợp với nguyện vọng, tâm lý lứa tuổi; trong đó chú trọng đến đạo đức, lối sống, kỹ năng mềm, giáo dục hướng nghiệp, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh THPT”. - Học sinh Nguyễn Lan Phương - lớp 11A11, Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội).