Từ đó, các em không chỉ hiểu, nhận thức rõ hơn trách nhiệm bản thân với cộng đồng, mà còn tự tin, chủ động trong công việc sau khi ra trường.
Sống động trong từng trải nghiệm
Trên cương vị Ủy viên Ban Chấp hành Hội Sinh viên Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Thùy Trang - sinh viên năm 2 Khoa Ngữ văn, luôn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của trường, khoa và Hội Sinh viên.
Trong mắt bạn bè, thầy cô, Thùy Trang là cán bộ Đoàn nhiệt tình, năng nổ, “có duyên” tập hợp thanh niên. Hè 2023, Trang có cơ hội cùng Đoàn, Hội Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh tham gia chiến dịch Mùa Hè xanh tại xã Thạnh Phước, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang). Trang và các thành viên cùng ăn, ở, làm việc tròn một tháng. Sau khoảng thời gian này nữ sinh trưởng thành, dạn dĩ hơn rất nhiều.
“Suốt tháng Hè, chúng em làm những công trình, phần việc như: Hỗ trợ bà con cài đặt VNeID, dọn vệ sinh, trồng cây xanh trên các tuyến đường, dạy học cho thiếu nhi, xây dựng công trình “Thắp sáng đường quê” (sử dụng đèn năng lượng Mặt trời)…
Chuyến đi thôi thúc em phải cố gắng hơn nữa để có cơ hội đến nhiều nơi, giúp đỡ các hoàn cảnh trong xã hội. Tham gia hoạt động an sinh xã hội, em được rèn luyện nhiều kỹ năng cần thiết, biết yêu thương, san sẻ với hoàn cảnh kém may mắn; cho bản thân nhiều góc nhìn mới về cuộc sống. Ngoài ra, em được đặt chân tới những vùng đất chưa có cơ hội tới như: Hà Nội, Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu…”, Trang tâm sự.
Tương tự, những năm tháng vừa học vừa hoạt động Đoàn đã giúp chị Nguyễn Thị Kim Ngân (cựu sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) rèn luyện nhiều kỹ năng, phát triển tính cách tốt, khắc phục điểm yếu bản thân. Chị Kim Ngân chia sẻ: “Nhờ hoạt động Đoàn - Hội, tôi mới có tự tin, bản lĩnh. Từ một cô bé nông thôn lên thành phố học tập, ban đầu rụt rè, nhút nhát, qua các hoạt động, tôi trưởng thành hơn trong suy nghĩ, biết quan tâm và chia sẻ với mọi người”.
Đoàn, Hội là cánh tay nối dài giúp chị Kim Ngân có thêm bạn mới, không chỉ cùng nhau tham gia sinh hoạt, còn quan tâm, đồng hành trong công việc, cuộc sống sau này. Sau khi hoàn tất việc học, với tinh thần, bản lĩnh được rèn luyện từ hoạt động Đoàn – Hội, Kim Ngân đã có công việc ổn định tại quê nhà Đồng Tháp và nhanh chóng hòa nhập. Đặc biệt, chị còn xin tham gia hoạt động tình nguyện vào ngày nghỉ cuối tuần để tiếp thêm năng lượng cho bản thân.
Dù đã đi làm nhưng chị Kim Ngân (thứ 2 từ phải qua) thường tận dụng dịp cuối tuần để tham gia hoạt động thiện nguyện tại địa phương. Ảnh: NVCC |
Hành trang cho tương lai
Cách đây tròn 4 năm, Bùi Thị Trang Thư từ Cà Mau lên TP Hồ Chí Minh học tập. Suốt những năm tháng là sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), Trang Thư luôn cố gắng học tốt. Em còn tham gia nhiều hoạt động xã hội có ích cho cộng đồng, giúp đỡ người hoàn cảnh khó khăn.
“Những ngày đầu học tập tại trường, xa nhà, mọi thứ đều lạ lẫm khiến em rụt rè. Sau khi tham gia hoạt động tình nguyện và được anh chị khóa trước dẫn dắt, bản thân có nhiều cơ hội trải nghiệm mới lạ, em cảm thấy yêu cuộc sống, tự tin hơn”, Trang Thư chia sẻ.
Năm thứ nhất đại học, Thư tham gia câu lạc bộ Tình nguyện “Đom đóm đêm” của khoa. Tại đây, Thư cùng các thành viên không chỉ làm tình nguyện viên, mà còn học hỏi nhiều kiến thức, kỹ năng: Làm việc nhóm, xử lý vấn đề, thích ứng linh hoạt, thuyết trình trước đám đông… Đặc biệt, khả năng giao tiếp, giải quyết vấn đề của Thư ngày càng tốt hơn khi được làm việc với nhiều đối tượng, từ sinh viên đến nhà tài trợ, học sinh và người dân.
Cùng đó, khả năng nghề nghiệp cũng tăng cường khi phải tự lên kế hoạch, xây dựng chương trình, truyền thông, phỏng vấn, chụp hình, quảng bá hình ảnh câu lạc bộ. Nhờ đó, sau khi ra trường, Thư phát huy tốt trong công việc tại một cơ quan báo chí ở TP Hồ Chí Minh.
Nguyễn Trọng Tính - sinh viên năm cuối Trường Kinh tế (Trường Đại học Cần Thơ) là Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn trường và tham gia nhiều vị trí khác nhau trong tổ chức Hội, câu lạc bộ của trường suốt 4 năm học. Trọng Tính chia sẻ, tham gia phong trào và hoạt động xã hội, sinh viên có những trải nghiệm đáng nhớ, hình ảnh đẹp. Từ đó, Tính cũng như các bạn có thêm cơ hội hoàn thiện bản thân, đáp ứng yêu cầu khắt khe của nhà tuyển dụng, hòa nhập dễ dàng với môi trường xung quanh.
“Khi tiếp xúc các hoàn cảnh khác nhau, em học hỏi thêm kỹ năng sống, đặc biệt tinh thần tương thân, tương ái, đùm bọc giữa con người với con người. Không chỉ là trải nghiệm sống, tham gia hoạt động Đoàn, Hội, sinh viên còn tích lũy các kỹ năng như: Lên ý tưởng cho hoạt động, phân chia công việc, làm việc nhóm, khả năng thuyết trình trước đám đông... Đặc biệt, việc va chạm thực tế là dịp để trưởng thành vì môi trường công tác Đoàn, Hội thuận lợi để sinh viên thử nghiệm những ý tưởng táo bạo của bản thân”, Trọng Tính cho biết.
Với Thùy Trang, khi tham gia hoạt động Đoàn, cái em mất chỉ là thời gian, còn được không thể đong đếm hết. “Định hướng của em là trở thành giáo viên. Tham gia hoạt động giúp em rèn kỹ năng nói chuyện trước đám đông, cách giải quyết vấn đề, xây dựng kế hoạch. Trong đợt tham gia hoạt động Mùa Hè xanh, em được đứng lớp dạy, đây là sự khởi đầu, bước đệm để thử sức, trải nghiệm với nghề nghiệp tương lai”, Thùy Trang chia sẻ.
“Nhờ tham gia công tác Đoàn, Hội, tôi có cơ hội ứng dụng kiến thức chuyên môn đã học vào thực tế công việc nhiều hơn. Với tôi, tham gia phong trào Đoàn, Hội là phần không thể thiếu để tạo nên ký ức tuổi thanh xuân”. - Nguyễn Thị Kim Ngân (cựu sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh)