Hơn thế, các dự án bước đầu đi vào thử nghiệm, đem lại giá trị kinh tế.
Nâng cao giá trị nông sản
Nguyễn Cao Trần Phương - sinh viên chuyên ngành Kinh tế đầu tư, Trường Kinh tế, Trường Đại học Vinh, đại diện nhóm tác giả giành giải Ba tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V năm 2023. Dự án sản xuất Rượu EM - rượu ít độ/thấp độ của nhóm không chỉ dừng lại ở sản phẩm dự thi, mà còn hướng tới thị trường, trở thành hàng hóa có giá trị kinh tế.
Nói về dự án khởi nghiệp, nam sinh xứ Nghệ cho hay, rượu hoa quả thấp độ/không độ - EM là sản phẩm rượu nếp truyền thống ngâm ủ cùng các loại hoa quả sạch, hữu cơ với vùng nguyên liệu sẵn có tại Nghệ An.
Thời gian đầu, Trần Phương chọn khởi nghiệp bằng kinh doanh gạo, đưa nông sản chất lượng quê hương đến các vùng miền trong nước và hướng tới xuất khẩu. Tuy nhiên, nam sinh nhận thấy nếu chỉ dừng lại ở việc mua đi bán lại thì chưa đem lại hiệu quả cao. Trong khi đó, ở Nghệ An và cả nước có nhiều công ty chuyên phân phối, xuất nhập khẩu gạo.
Chính vì vậy, Trần Phương chuyển hướng sang sản xuất rượu nếp hoa quả EM với các sản phẩm rượu cam, sim, táo, mận… Điểm khác sản phẩm này là kết hợp giữa vị cay của rượu nếp và vị ngọt của hoa quả nên dễ uống; đồng thời hạ nồng độ rượu xuống thấp/ít để đảm bảo sức khỏe người sử dụng.
“Giá trị của dự án đối với xã hội là giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông do sử dụng bia rượu. Đồng thời, phát triển, tái tạo vùng nguyên liệu sẵn có trên địa bàn tỉnh, nâng cao giá trị nông sản, qua đó mang lại việc làm cho người dân, tạo ra văn hóa dùng rượu mới, hỗ trợ tăng cường sức khoẻ”, Nguyễn Cao Trần Phương chia sẻ và cho biết, qua khảo sát khách hàng sử dụng sản phẩm, hơn 80% phản hồi hài lòng chất lượng và nhóm bán được một nghìn chai sau đợt mở bán đầu tiên.
Các nhóm sinh viên Nghệ An đoạt giải tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V năm 2023. Ảnh: NTCC |
Trước đó, nam sinh này từng giành học bổng toàn phần ngành Công nghệ thông tin và du học tại Pháp. Tuy nhiên, giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19, Trần Phương quyết định quay về Việt Nam, học đại học tại quê hương.
“Những trải nghiệm trong thời gian ở Pháp đã thôi thúc em lựa chọn khởi nghiệp từ nông nghiệp, tìm kiếm bạn đồng hành để thực hiện dự án – ước mơ nâng cao giá trị nông sản quê hương, đất nước”, nam sinh cho hay.
Trần Phương đồng thời làm Chủ nhiệm câu lạc bộ Khởi nghiệp sáng tạo của Trường Kinh tế (Trường Đại học Vinh). Với vai trò này, Phương cùng các thành viên câu lạc bộ nỗ lực tạo sân chơi thiết thực cho sinh viên, khích lệ tinh thần khởi nghiệp, kết nối với doanh nhân, doanh nghiệp để học hỏi kinh nghiệm. Thông qua hoạt động của câu lạc bộ, các sinh viên phần nào hình dung được thời cơ, thách thức cũng như khó khăn gặp phải; từ đó hình thành ý chí quyết tâm lập nghiệp ngay trên giảng đường; góp phần hình thành lớp thanh niên khát khao làm giàu, xây dựng quê hương, tương xứng tiềm năng và con người xứ Nghệ.
Trưng bày và giới thiệu sản phẩm dự thi cuộc thi Ý tưởng, dự án khởi nghiệp trong thanh niên tỉnh Nghệ An. Ảnh: TĐNA |
Tạo hệ sinh thái khởi nghiệp
Những năm qua, Trường Đại học Vinh có nhiều giải pháp đồng bộ, chiều sâu để tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho sinh viên khởi nghiệp. Cụ thể, thành lập Quỹ Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp; kiện toàn và xây dựng quy chế tổ chức hoạt động các Câu lạc bộ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo các cấp trong toàn trường. Tăng cường tổ chức các cuộc thi về Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm phát huy lợi thế, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp của thế hệ trẻ; hướng tới xây dựng hệ sinh thái tiêu biểu, điển hình trong cộng đồng Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo các trường đại học cũng như khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước.
Tại Nghệ An, nhiều cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong sinh viên, thanh niên được các trường đại học, đơn vị tổ chức. Qua đó, khơi dậy khát vọng khởi nghiệp, phát triển năng lực nghề nghiệp trên cơ sở khoa học, công nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tạo sân chơi để sinh viên mạnh dạn tham gia, hiện thực hóa ý tưởng cũng như thử nghiệm tính khả thi, giá trị của sản phẩm trong thị trường thực tế.
Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp tỉnh Nghệ An năm 2023” (Startup Kite Nghệ An 2023) thu hút 25 dự án của 75 tác giả, nhóm tác giả, với 33 giáo viên hướng dẫn dự thi. Đây là những dự án xuất sắc lựa chọn từ 80 dự án/200 tác giả/nhóm tác giả ở các cuộc thi cấp cơ sở.
Bà Hồ Thị Châu Loan – Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nghệ An khẳng định, hoạt động khởi nghiệp của học sinh, sinh viên những năm qua có nhiều khởi sắc, đội ngũ cán bộ, nhà giáo và học sinh, sinh viên các trường trung cấp, cao đẳng được trang bị kiến thức kỹ năng khởi nghiệp. Các dự án ở nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng đều hướng đến giải quyết vấn đề đặt ra trong thực tiễn, hoặc khai thác tiềm năng, vùng nguyên liệu, lợi thế về nhân lực địa phương.
Cuộc thi “Ý tưởng, dự án khởi nghiệp trong thanh niên tỉnh Nghệ An” là hoạt động thường niên của Tỉnh đoàn Nghệ An. Đây là cơ hội để thanh niên, sinh viên học hỏi kiến thức cơ bản về khởi nghiệp, trải nghiệm và đúc rút kinh nghiệm. Cuộc thi cũng đem đến cho các doanh nghiệp cơ hội tiếp cận, nắm bắt kịp thời những ý tưởng hay, sáng tạo và mô hình kinh doanh tiềm năng; tìm và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong những năm qua, các dự án đoạt giải của sinh viên có xu hướng quan tâm đến nông lâm ngư nghiệp, công nghệ, dịch vụ. Ví dụ như dự án Xây dựng mô hình chuỗi giá trị sản xuất và chế biến gạo nếp cẩm theo tiêu chuẩn VietGap của sinh viên Trường Đại học Vinh. Dự án Hệ thống phân loại hoa quả của Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc…
Chị Nguyễn Thị Phương Thúy – Phó Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An cho hay, sản phẩm hướng nghiệp của các bạn trẻ, sinh viên hướng đến phát triển bền vững gắn liền tiềm năng địa phương. Các bạn đã nhạy bén khai thác, từng bước đặt nền móng khởi nghiệp trong nền kinh tế số. Đây là xu hướng mà thanh niên, sinh viên đang tích cực khai thác để sản phẩm khả thi, mang tính thực tế, đưa ra thị trường được đón nhận.
UBND tỉnh Nghệ An cũng ban hành kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” đến các trường dạy nghề trong toàn tỉnh. Theo đó, tỉnh này dự kiến chi hơn 22 tỷ đồng để triển khai đề án, trong đó nguồn ngân sách Nhà nước là 19 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa 3,4 tỷ đồng.