40 năm đóng vai phụ
Vai diễn gần đây của nghệ sĩ Phạm Huy Thục là vai Lê Đa trong vở kịch Yêu là thoát tội (đạo diễn Xuân Hồng, Nhà hát Thế giới Trẻ). Dẫu chỉ là một nhân vật phụ, nhưng nghệ sĩ Huy Thục đã gây ấn tượng mạnh cho khán giả.
Qua tài năng diễn xuất của ông, Lê Đa hiện lên như là một kẻ đầy mưu mô, xảo quyệt, luôn vơ vét và sẵn sàng luồn cúi để đạt được mục đích cá nhân. Ban đầu, nhân vật Lê Đa trong kịch bản chỉ đơn thuần là một hoạn quan nhưng sau đó, nghệ sĩ Phạm Huy Thục đã xây dựng và gia cố thêm tính “gian thần” cho nhân vật. Trong các tác phẩm trước đây, hoạn quan xuất hiện thường ẻo lả, õng ẹo, nhưng đến nhân vật Lê Đa, khán giả không khỏi bất ngờ trước một hoạn quan hai mặt, nham hiểm và thâm thúy.
Bề ngoài, Lê Đa thể hiện một vẻ hài hước nhưng thực chất bên trong lại chất chứa biết bao toan tính và âm mưu.
Ở những lớp diễn của mình, Phạm Huy Thục đã vận dụng các yếu tố như ánh mắt, cử chỉ, tạo hình, tiếng nói, giúp nhân vật trở nên sinh động và có một sức sống riêng. Đặc biệt, sự xuất thần của ông thể hiện rõ nhất là lúc vua băng hà. Cái chết của Thị Lan nằm trong mưu đồ nhưng việc vua băng hà là một bất ngờ với Lê Đa. Và vì vậy, ở lớp diễn này, người ta thấy Lê Đa đã cười như rút ruột rút gan nhưng trong ánh mắt, vừa có sự thỏa mãn lại vừa có sự lo sợ, vừa vui mừng vừa hoảng loạn.
Yêu là thoát tội là một vở mang màu sắc bi kịch, được cảm tác từ tình yêu giữa Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Vậy nhưng, nhân vật Lê Đa lại giúp vở kịch trở nên nhẹ nhàng hơn, và đôi khi còn mang đến cho khán giả những tiếng cười thư thái. Với diễn xuất tài tình và tinh tế như vậy, vai diễn Lê Đa đã giúp Huy Thục nhận được Huy chương Vàng tại Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2018. Có một điều thú vị, Lê Đa không phải là vai phụ đầu tiên của nghệ sĩ Phạm Huy Thục.
Hơn 30 năm trước, Phạm Huy Thục đã thành danh từ những vai phụ. Năm 1980, trở về Đoàn Cải lương Hải Phòng sau 4 năm theo học tại Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam, ông được giao vai Y Hoát - người dân tộc trong vở Hoa đất mặn, tham gia Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức tại Hải Phòng. Vì là vai diễn đầu tiên, kinh nghiệm chưa nhiều nên lúc đó Huy Thục chưa để lại nhiều dấu ấn. Nhưng như một cái duyên, sau vai Y Hoát, ông bắt đầu được các đạo diễn “để mắt” cho các vai phụ sau này.
Năm 1984, ông vào vai vua khỉ Ha Nu Man trong vở Hoàng tử Pơ-riêm và nàng Si-ta. Những khán giả từng xem vở diễn này có lẽ vẫn còn nhớ hình ảnh ông vua khỉ lanh lợi, làm đủ trò, từ đu dây đến những động tác hình thể đặc trưng của loài khỉ. Theo chia sẻ của nghệ sĩ Huy Thục, để vào vai diễn này, ông phải mất nhiều ngày ngồi ở công viên quan sát đời sống của bầy khỉ, từ ánh mắt, bước nhảy cho đến việc đu cành cây. Nhờ vậy, Huy Thục đã chinh phục đạo diễn ngay từ lúc tập.
Vở diễn kéo dài 94 suất, diễn cả ngày lẫn đêm, riêng ngày chủ nhật diễn tới ba suất. Một số vai diễn trong vở do nhiều diễn viên thay phiên nhau nhưng vai vua khỉ của Huy Thục thì không ai thay thế được.
Sự nghiệp diễn xuất với vai phụ của Phạm Huy Thục bắt đầu tỏa sáng từ đó. Tại Liên hoan Sân khấu miền duyên hải lần thứ hai năm 1993, nghệ sĩ Huy Thục đoạt Huy chương Vàng cho vai Phin trong vở Người mẹ lưu đày, chuyển thể từ một cuốn tiểu thuyết của Mỹ. Ông vào vai nhân vật thuộc xã hội đen, nhưng không giết người hại người, mà chỉ thích được sống tự do.
Đến Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ 3 năm 2016 tổ chức tại Hà Nội, Phạm Huy Thục giành Huy chương Bạc cho vai Hồn ma trong vở Mê Đê. Một lần nữa, vai phụ của ông tiếp tục để lại ấn tượng cho khán giả. Không có số phận như các nhân vật nhà vua, hoàng tử, hoàng hậu hay Mê Đê, Hồn ma của ông lúc ẩn lúc hiện, cùng đối thoại với các nhân vật trong vở.
Để thể hiện nhân vật này, Phạm Huy Thục sử dụng tấm vải màu đen rồi tự mình tương tác với “người bạn” diễn này. Có lúc nhân vật của ông xuất hiện chỉ có tiếng nói, lúc là tấm vải hình vuông, lúc như bóng ba, lúc như cơn lốc. Đây được xem như một sáng tạo đắt giá mà không phải ai cũng có thể làm và nghĩ ra.
Trong 10 năm đầu bước chân vào nghề, nghệ sĩ Phạm Huy Thục tham gia hơn 20 vai diễn và đều là những vai phụ. Huy Thục nói, cũng đôi lần ông cảm thấy chạnh lòng về điều này, nhất là những lần ngồi bên dưới xem các bạn cùng lứa với mình vào vai chính. Ông ngồi xem và trộm nghĩ: “Giá như mình được thêm chút về chiều cao, về giọng hát thì biết đâu mình cũng sẽ được như họ”.
Biết hạn chế của mình là ngoại hình và giọng hát nên Phạm Huy Thục không tìm cơ hội đóng vai chính, mà chấp nhận thực tế. Chấp nhận và tìm lối diễn riêng để nhân vật của mình được tỏa sáng. Nói về việc chuyên trị vai phụ, ông tâm sự: “Trong sân khấu hay nghệ thuật nói chung, sẽ có những diễn viên suốt cuộc đời không bao giờ đóng vai chính. Bởi vì một vở chỉ có một, hai vai chính thì chắc chắn người ta phải lựa chọn những người xuất sắc hơn. Tôi chấp nhận theo con đường của mình. Tôi muốn được đứng lâu dài trên sân khấu, đó chính là lý do thôi thúc tôi đi học đạo diễn để có thể làm nghề lâu dài”.
Về sau này, khi chuyển sang giảng dạy hay làm đạo diễn, Phạm Huy Thục vẫn nói với học trò của mình rằng, không có vai phụ hay vai chính, mà chỉ có diễn viên nhỏ hay diễn viên lớn mà thôi. Ông chia sẻ: “Tôi thường lấy hình tượng NSND Đào Mộng Long để minh họa cho các bạn. Vai diễn của ông nhiều khi chỉ có 3-5 phút, xuất hiện không nhiều nhưng khán giả nhớ hoài nhân vật đó. Thế thì, vấn đề ở đây không phải là chính hay phụ, lớn hay nhỏ, mà quan trọng là diễn viên thể hiện nhân vật đó với cái tầm lớn hay nhỏ. Đó chính là tài năng của diễn viên”.
Một cảnh trong Yêu là thoát tội |
Hạnh phúc được làm nghề
Không chỉ là diễn viên, Phạm Huy Thục còn có nhiều vai trò trong lĩnh vực kịch nói. Ông là đạo diễn của nhiều vở, trong đó có những vở gây tiếng vang như: Bông hồng vàng, Đặng Thùy Trâm, Đường hầm, Giữa hai bờ sương khói… Với sinh viên của Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TPHCM, có lẽ không ai là không biết đến nghệ sĩ Phạm Huy Thục. Ông là Phó Hiệu trưởng nhà trường. Ở vai trò của một nhà giáo, ông có thêm niềm vui khi có nhiều diễn viên nổi tiếng là học trò của mình như: Huy Khánh, Thành Nam, Ngọc Thảo, Hòa Hiệp, Thanh Thảo, Võ Thành Tâm…
Nhắc đến nghệ sĩ Phạm Huy Thục, không thể không nhắc đến Câu lạc bộ Điểm hẹn tài năng, mà sau này được đổi tên thành Nhà hát Thế giới Trẻ. Ông chính là người phụ trách câu lạc bộ, với mong muốn tạo ra sân chơi để các bạn trẻ có nơi thực hành. Nhiều tên tuổi đã trưởng thành từ câu lạc bộ như Lê Khánh, Tiết Cương, Ngọc Tưởng… Dù doanh thu đôi khi không như ý nhưng hiện tại, cùng với NSƯT Hoàng Yến, nghệ sĩ Phạm Huy Thục vẫn đang cố gắng từng ngày để duy trì Nhà hát Thế giới Trẻ. “Chúng tôi vẫn phải giữ để sinh viên có một nơi thực hành. Làm nghề diễn, quan trọng là học phải đi đôi với hành thì mới mong thành tài”, ông chia sẻ.
Thành danh ở miền Nam nhưng ít người biết con đường đến với nghệ thuật của nghệ sĩ Phạm Huy Thục gặp không ít gập ghềnh. Ông sinh ra ở Vĩnh Bảo (Hải Phòng), là quê hương của đất chèo. Nhà ông có khoảng sân rộng nên tối nào đoàn chèo của xã cũng qua tập. Cậu bé Phạm Huy Thục lúc đó ngồi xem chăm chú các nghệ sĩ của làng gõ trống, hát múa.
Sau những đêm như thế, chèo đã ngấm vào ông lúc nào không hay. 16 tuổi, ông đã là thành viên đoàn chèo của xã. Như chú chim đến thời kỳ ra ràng, mong muốn được sải cánh bay ở những chân trời rộng mở, nghệ sĩ Phạm Huy Thục từng ứng thí ở cuộc thi chèo nhưng trượt, chỉ bởi lý do… quên lời.
Ước mơ được bay xa ngỡ phải dừng lại thì đến năm 1976, trong một lần chở người bạn lên thành phố Hải Phòng tham dự vòng thi tuyển về cải lương, ông được một giám khảo gọi vào thi thử. Mục đích của ông là đưa bạn đi thi và chỉ có sở trường hát chèo, bài cải lương duy nhất mà ông thuộc là Phút cuối, nên đắn đo với gợi ý này. Cuối cùng, ông cũng cất giọng thể hiện “bài tủ” của mình. Không ngờ lần đó ông lọt vào mắt xanh của giám khảo.
Trúng tuyển, ông được lên Hà Nội theo học lớp diễn viên tại Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp vào năm 1980, ông quay về đoàn, vừa biểu diễn vừa giảng dạy. 7 năm sau, ông quay lại trường học đạo diễn. Năm 1992, vừa ra trường, ông được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc của Đoàn Cải lương Hải Phòng, lúc đó ông vừa bước sang tuổi 34.
Những tưởng được đào tạo bài bản, lại có môi trường làm nghề tốt thì cuộc đời và sự nghiệp của nghệ sĩ Phạm Huy Thục sẽ được yên ổn. Tuy nhiên, vào năm 1995, biến cố gia đình xảy ra, một mình ông ôm con trai ba tuổi vào TPHCM. Theo nghệ sĩ Phạm Huy Thục, đó là một cuộc ra đi đầy mạo hiểm. Bởi môi trường sân khấu của hai miền Bắc-Nam có phần khác nhau, ông lại đang có con nhỏ. “Nhưng đến lúc này, sau 23 năm vào Nam thì tôi lại thấy mình ra đi là hoàn toàn chính xác. TPHCM đã mang đến cho tôi tất cả: Sự nghiệp, công danh và một gia đình hạnh phúc”, ông chia sẻ.
Năm năm sau khi vào Nam, nghệ sĩ Phạm Huy Thục kết hôn với một giảng viên Âm nhạc của Trường ĐH Văn hóa TPHCM. Ông có thêm một cô con gái năm nay vừa tròn 16 tuổi. Cậu con trai theo ông xuôi Nam ngày nào nay đã trưởng thành. Phạm Huy Anh (sinh năm 1992) từng diễn vai Mạnh trong phim Kính vạn hoa. Theo nghệ sĩ Phạm Huy Thục, ngoài năng khiếu nghệ thuật, Huy Anh còn đam mê bóng đá. Tuy nhiên, ông hướng con trai mình theo đuổi nghệ thuật vì có nhiều điều kiện và ít rủi ro hơn.
Nối nghiệp bố, học xong quay phim, Huy Anh chuyển sang học đạo diễn. Với nghệ sĩ Phạm Huy Thục, việc con trai theo nghiệp bố cũng là một trong những niềm hạnh phúc của ông. Ông tâm sự: “Tôi không dạy con phải kiếm được nhiều tiền, phải hơn thua với thiên hạ, mà luôn dạy chúng sống có trách nhiệm, có đạo đức, có tâm để có thể sống tốt trong mọi môi trường. Tôi đã dạy con từ lúc bé và bây giờ nhìn con, tôi thấy an tâm rồi”.
Sau khi nhận quyết định nghỉ hưu vào tháng 5 vừa qua, ông chia sẻ: “Đây mới là thời gian làm nghề. Tôi vẫn đi dạy, vẫn dựng vở, chứ không ngồi yên ở nhà được đâu. Sau 42 năm, tôi xem đây là cái nghiệp của mình. Đã là nghiệp thì khó lòng dứt bỏ. Với tôi, được làm nghề là một hạnh phúc”.