Người nghệ sĩ 50 năm bén duyên CÙNG QUAN HỌ

GD&TĐ -Là lớp nghệ sỹ đầu tiên của đoàn dân ca Quan họ Hà Bắc, NSƯT Quý Tráng và các nghệ sỹ lớp đầu như Thúy Cải, Xuân Mùi, Tự Lẫm. Lệ Ngải…vẫn phát huy được tài năng, đóng góp cho dòng dân ca đặc sắc của quê hương, góp phần đưa nó lên đỉnh cao, trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Người nghệ sĩ 50 năm bén duyên CÙNG QUAN HỌ

Con đường dẫn đến tình yêu

Tôi gặp Nghệ sỹ Ưu tú Quý Tráng ở một quán cà phê trên đường Nguyễn Giản Thanh của thành phố Bắc Ninh. Hẹn hò mãi hôm nay mới có dịp ngồi với anh. Về hưu đã mấy năm rồi nhưng trông anh vẫn phong độ như một anh Hai thuở còn đứng trên sân khấu quan họ. Phải chăng tâm hồn nghệ sỹ và sự mê đắm những làn điệu đậm chất trữ tình của quê hương làm cho anh trẻ mãi.

Anh kể tôi nghe những ngày đầu đến đầu quân cho đoàn dân ca Quan họ Hà Bắc cách đây đúng nửa thế kỉ, 1968. Từ một chàng trai mê hát chèo, Quý Tráng được Nghệ nhân Nguyễn Đức Siêu tuyển vào đoàn dân ca Quan họ của tỉnh Hà Bắc.

Buổi ban đầu đến với Quan họ, lớp nghệ sỹ đầu tiên như anh được tung xuống 49 làng quan họ để làm nhiệm vụ sưu tầm các làn điệu quan họ. Được về sống với dân ở các làng Quan họ cổ, anh và các nghệ sỹ học được rất nhiều những làn điệu cũng như cách diễn xướng các làn điệu ấy.

Nhưng một điều đáng quý hơn nữa là các nghệ sỹ như anh còn học được lối sống có nghĩa có tình, cách ứng xử có văn hóa người dân ở các làng Quan họ gốc. Anh cũng hiểu thêm Quan họ không chỉ là những điệu hát mà là một thú chơi, một lẽ sống của người dân Bắc Ninh, Kinh Bắc từ bao đời nay.

Đó là cái vốn ban đầu để rồi sau này trở thành hành trang đi theo họ suốt cả cuộc đời nghệ thuật. Những người tâm huyết với Quan họ hiểu rằng, nếu không khai thác vốn cổ quí giá đó, nó sẽ đứng trước nguy cơ bị thất truyền. Những nghệ nhân lưu giữ những làn điệu tinh tế, mượt mà ấy hầu hết tuổi đã cao. Một mai các cụ về cõi vĩnh hằng, những vốn quí ấy cùng các cụ nằm mãi dưới tầng đất sâu thì tiếc lắm.

Kì lạ thay các cụ ông, cụ bà nông dân mê đắm Quan họ vô cùng coi Quan họ như lẽ sống của đời mình. Khi truyền dạy cho các diễn viên trong đoàn, các cụ đem hết tất cả vốn liếng cũng như nhiệt tình bất chấp tuổi tác và sức khỏe. Chính những nghệ nhân già đó đã truyền cho các diễn viên trong đoàn một sức mạnh, một tình yêu sâu sắc đối với dân ca Quan họ.

Họ đã dạy những nghệ sỹ trẻ như Quý Tráng rất nhiều. Quý Tráng và những nghệ sỹ trẻ như anh học được ở những nghệ nhân già không chỉ là những làn điệu Quan họ mà lớn hơn nhiều đó là một nhân cách sống thanh lịch, nghĩa tình...

Người thầy đa tài

Khoảng từ năm 1970 -1974, các nghệ sỹ lớp đầu tiên hoàn thành nhiệm vụ sưu tầm các làn điệu Quan họ. Đoàn trở về tập trung và chuẩn bị chương trình biểu diễn các làn điệu Quan họ để giới thiệu cho công chúng. Anh cùng đoàn thể nghiệm một số chương trình Quan họ.

Đó là các liên khúc “Giã bạn”, “ Đón bạn ngày Xuân”, “ Quan họ ngày hội ”. Đến lúc đó công chúng miền Bắc mới biết và làm quen với dân ca Quan họ. Đoàn cũng đã đưa chương trình Quan họ ra Thủ đô, biểu diễn tại các rạp ở Hà Nội. Nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã đến dự và nghe hát Quan họ.

Năm 1985, có hội diễn tại Hải Phòng, anh dựng toàn bộ chương trình. Kết quả thật đáng mừng, đoàn giành được giải đặc biệt, 4 huy chương vàng, bản thân anh cũng được huy chương Vàng. Anh có năng khiếu về chỉ đạo nghệ thuật dàn dựng một số các chương trình Quan họ. Anh không chỉ dàn dựng các chương trình Quan họ cho đoàn mà còn tham gia dàn dựng các màn biểu diễn hát Quan họ cho các ban ngành trong, ngoài tỉnh. Vì vậy rất nhiều cơ quan mỗi khi có hội diễn họ lại mời anh...

Năm 2002, anh về dạy tại trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật của tỉnh. Anh nhận thức rằng cần thiết phải đào tạo những thế hệ diễn viên trẻ nối tiếp. Những diễn viên lớp trước tuổi đã cao, thanh và sắc đã giảm. Trường Văn hóa Nghệ thuật của tỉnh phải là cái nôi đào tạo những lớp diên viên kế tiếp, tre già thì măng mọc, qui luật ấy càng cần thiết hơn trong nghệ thuật biểu diễn.

Từ năm 2002 - 2008, sau sáu khóa đào tạo diễn viên nhiều học viên trẻ đã trở thành những diễn viên của đoàn. Hiện tại các diễn viên trẻ của nhà hát Quan họ đều là học sinh cũ của anh. Họ phát huy được tài năng cả về thanh và sắc.

Đưa quan họ ra thế giới

Đến năm 2008, theo yêu cầu của UBND tỉnh, của sở VH,TT&DL anh trở về làm công tác quản lí ở đoàn. Anh cùng lãnh đạo Nhà hát mạnh dạn thành lập 2 đoàn quan họ. Những diễn viên lớp trước được đưa vào đoàn 1, tập trung nghiên cứu và phổ biến Quan họ. Đoàn 2 gồm các diễn viên trẻ tham gia các chương trình biểu diễn. Năm 2009, có hội diễn Nghệ thuật toàn quốc tại Nha Trang, một dàn diễn viên trẻ được cử đi tham dự.

Đoàn đã khẳng định tài năng với huy chương Vàng cho đoàn, một số diễn viên đạt huy chương Vàng, huy chương Bạc. Đến thời kì phát triển của kinh tế thị trường, nội bộ đoàn cũng phát sinh những hiện tượng cần chấn chỉnh. Hiện tượng chạy sô diễn ra ở một số diễn viên, một số nhóm nghệ sỹ của Nhà hát.

Có nhiều lúc đoàn được điều đi biểu diễn các chương trình phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, lãnh đạo đoàn tập hợp nhưng nhiều diễn viên đi hát riêng không có mặt. Có cơ sở đã làm hợp đồng biểu diễn với nhà hát, nhưng sau đó lại cắt hợp đồng với nhà hát vì một nhóm diễn viên của nhà hát do quen biết, do giá cả hay một lí do nào đó đã nhận và kí hợp đồng biểu diễn với cơ sở đó.

Những hiện tượng như thế làm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của nhà hát,ảnh hưởng đến sự đoàn kết cũng như kỷ luật trong hoạt động khi thực hiện các nhiệm vụ chính trị của nhà hát được tỉnh giao phó. Anh cùng lãnh đạo đoàn thấy cần thiết phải lập lại kỉ cương trong các nghệ sỹ của nhà hát. Nhiều cuộc họp trao đổi trong nội bộ đoàn. Cũng có những ý kiến phản đối, họ cho rằng làm như thế là ảnh hưởng đến bát cơm, manh áo của các diễn viên.

Được sự ủng hộ của tỉnh và sự đồng tình của đa số nghệ sỹ, anh và lãnh đạo đoàn quyết tâm triển khai những qui chế cụ thể trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật của nhà hát. Nguyên tắc hàng đầu là khi nhà hát có nhiệm vụ là tất cả các nghệ sỹ phải tham gia.

Các nghệ sỹ có thể tham gia các chương trình riêng khi tìm được các hợp đồng biểu diễn, nhưng phải có báo cáo cụ thể, nói rõ đi đâu, phục vụ cho đối tượng nào, thời gian, địa điểm và không được tham gia các sô diễn làm ảnh hưởng đến danh dự của nhà hát cũng như nhân cách của từng diễn viên. Sau khi xong việc chỉ đóng góp một phần thu nhập cho quĩ công đoàn.

Lãnh đạo nhà hát cũng đã phải xử lí một số trường hợp không tuân theo kỷ luật của nhà hát đã để ra. Nhà hát, dần dần ổn định về tổ chức về các hoạt động, góp phần tích cực trong việc đưa dân ca Quan họ lên tầm thế giới. dân ca Quan họ Bắc Ninh được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, năm 2009.

Chia tay anh, Quý Tráng với nụ cười tươi, anh tâm sự: “ Năm mươi năm bén duyên cùng Quan họ, tôi coi Quan họ như một lẽ sống, một niềm vui lớn. Dẫu chia tay nhà hát mấy năm rồi, nhưng tôi coi Nhà hát như ngôi nhà thân yêu của mình. Tôi mừng là thế hệ nghệ sỹ trẻ hiện tại vẫn đầy tài năng, vẫn tiếp nối đáng tự hào truyền thống và đang đi đúng hướng cả về nghệ thuật cũng như nhân cách văn hóa của người dân Bắc Ninh - Kinh Bắc”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ