Tọa đàm về nữ nhà văn đầu tiên của Hàn Quốc đoạt giải văn chương Nobel 2024

GD&TĐ - Nhiều thông tin thú vị về Han Kang - nữ nhà văn đầu tiên ở Hàn Quốc đạt giải Nobel văn chương đã được chia sẻ tại tọa đàm. 

Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Thùy Linh.
Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Thùy Linh.

Ngày 17/10, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) diễn ra tọa đàm khoa học Han Kang và kỳ tích văn chương của xứ sở kim chi.

Tọa đàm có sự tham gia của GS.TS Phan Thị Thu Hiền (giảng viên cao cấp khoa Văn hóa học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM), TS Bùi Phan Anh Thư (Trưởng khoa Hàn Quốc Học, Trường Đại học Công nghệ TPHCM), TS Hồ Khánh Vân (Phó Trưởng khoa Văn học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) và ThS Hoàng Hải Vân - dịch giả cuốn Người ăn chay.

Chương trình thu hút hơn 300 sinh viên, những người quan tâm tác phẩm của Han Kang và những người yêu thích văn học, nhằm bàn luận về phong cách văn chương của nữ tác giả người Hàn cũng như cách thức lan tỏa những giá trị văn học, văn hóa của Hàn Quốc trong không gian toàn cầu.

img-9384-9210.jpg
Tọa đàm nhận được nhiều sự quan tâm từ các bạn trẻ yêu thích văn chương quốc tế. Ảnh: P.H.

Chia sẻ tại tọa đàm, TS Lê Hoàng Dũng - Phó Hiệu trưởng, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) cho hay, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) vô cùng vui mừng sau khi nhận được tin Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố trao giải Nobel Văn học năm 2024 cho sự nghiệp sáng tác của nhà văn người Hàn Quốc Han Kang và mong muốn được chia sẻ niềm vui ấy với những độc giả yêu quý văn chương xứ sở Kim Chi.

"Bà trở thành nhà văn đầu tiên của Hàn Quốc, nữ nhà văn đầu tiên của châu Á và là nữ nhà văn thứ 18 trên thế giới được trao tặng giải thưởng cao quý này. Đây thực sự là một sự kiện trọng đại, đáng để chúng ta cùng nhau ngồi lại, đọc và thảo luận về tác phẩm cũng như thúc đẩy các hoạt động dịch thuật, nghiên cứu về người được xem đã có công định hình nền văn chương đương đại của Hàn Quốc trong cái nhìn của thế giới", TS Dũng nói.

img-9317-7127.jpg
TS Hồ Khánh Vân cùng phần trình bày về câu chuyện nữ quyền từ góc nhìn nam giới. Ảnh: Thùy Linh.

Chia sẻ về quá trình dịch tác phẩm, ThS Hoàng Hải Vân cho biết, trước đó bà đã dịch hai tác phẩm khó, đến tác phẩm này bà không gặp nhiều khó khăn về mặt ngôn ngữ.

"Mình dịch mình phải nhắm mắt lại để tưởng tượng cái tình huống đấy, lựa chọn những từ ngữ như thế nào để truyền tải được hết những thái độ, tình huống, không khí trong mạch câu chuyện đó. Chẳng hạn như chi tiết anh chồng quay trở về nhà bế đứa con từ nhà hàng xóm về căn hộ của mình.

Anh không muốn làm việc đó, đầu anh chỉ đau đáu tác phẩm anh đang thực hiện. Trong lúc ấy, tiếng giày lộp cộp vang lên trong hành lang tối, tiếng mút tay chụt chụt của em bé khi đang ngủ. Mình phải suy nghĩ xem cái từ nào có thể diễn tả sự lạnh lẽo của người cha, sự cô độc, đáng thương của em bé ấy", ThS Vân nói.

nguoi-an-chay-2146.jpg
Quyển sách của nhà văn nữ đạt giải văn chương Nobel 2024. Ảnh: NXB Trẻ.

Tác phẩm Người ăn chay của nhà văn Han Kang là cuốn sách giúp nhà văn Han Kang giành giải Man Booker 2016 và đưa tên tuổi của nữ tác giả ra quốc tế.

Người ăn chay là một cuốn sách gồm ba phần (Người ăn chay, Vết chàm Mongolia, Cây pháo hoa) kể về Yeong-hye, một người phụ nữ Hàn Quốc bình thường, quyết định trở thành người ăn chay sau một giấc mơ kinh hoàng.

Cuốn sách khai thác một số chủ đề liên quan đến sự áp đặt của xã hội, mong muốn trốn thoát khỏi các ràng buộc một con người. Với văn phong độc đáo, tác phẩm không chỉ là câu chuyện về ăn chay mà còn phản ánh về khía cạnh tâm lý, tình dục và sự cô độc trong xã hội hiện đại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kế hoạch chiến thắng của ông Zelensky có đề cập đến chia sẻ tài nguyên với phương Tây.

NATO cần kim loại quý gì ở Ukraine?

GD&TĐ -Trong kế hoạch chiến thắng của Tổng thống Volodymir Zelensky, Ukraine sẵn sàng chia sẻ các kim loại quý của họ với phương Tây.