Tại cuộc tọa đàm, cán bộ chủ chốt cùng các giáo viên chủ nhiệm của nhà trường đã nêu ra nhiều vấn đề, phân tích thực trạng, đề xuất các giải pháp bám sát vào tình hình thực tiễn tại trường.
Các ý kiến tập trung vào một số vấn đề nổi bật trong giáo dục đạo đức lối sống, văn hóa ứng xử cho học sinh, như: Nguyên nhân xã hội và xu thế tâm lí, ứng xử của học sinh; Tác động của công nghệ thông tin và mạng xã hội; Mối quan hệ tương tác giữa nhà trường với gia đình…
“Nhà trường muốn nghe các ý kiến trao đổi, chia sẻ tâm huyết từ các thầy cô - những người trực tiếp, thường xuyên tiếp cận, tương tác trong các hoạt động giáo dục học sinh, từ đó lên ý tưởng và tìm ra những cách làm thiết thực. Các thầy cô cần chú ý gắn nội dung giáo dục đạo đức lối sống vào các môn học sao cho tự nhiên, phù hợp, đặc biệt cần bám sát vấn đề không gian mạng để kịp thời nắm bắt được tình hình học sinh” - thầy giáo Nguyễn Xuân Bách, Hiệu trưởng nhà trường trao đổi.
Theo kế hoạch, nhà trường sẽ tập trung triển khai một số nội dung trọng tâm như: Lồng ghép vào bộ môn và các hoạt động ngoại khóa; Tăng cường tương tác với phụ huynh học sinh; Tập trung vào kế hoạch giáo dục “4 lễ phép”, “5 thân thiện”, “3 trung thực”, “12 trách nhiệm”.
Ông Đào Quang Thành, Trưởng phòng Chính trị, Tư tưởng và Pháp chế - Sở GD&ĐT Thái Nguyên nhấn mạnh: “Giáo dục đạo đức lối sống, văn hóa ứng xử cho học sinh là trách nhiệm toàn xã hội, nhưng nhà trường và thầy cô giáo là tiên phong, trực tiếp. Vấn đề này muốn đạt hiệu quả thì không thể thông qua mệnh lệnh, mà phải thông qua các hoạt động thiết thực hằng ngày, để có thể thấm vào học sinh một cách tự nhiên”.