Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, hôm 26.11, Can Dundar - Tổng biên tập Nhật báo Cumhuriyet và Erdem Gul - Giám đốc văn phòng báo này ở Ankara vừa bị một tòa án ở thành phố Istanbul tống giam và có thể phải đối mặt với án tù chung thân sau khi đăng tin về cơ quan mật vụ nước này bí mật chuyển vũ khí cho các nhóm Hồi giáo nổi dậy ở Syria.
Bài báo được xuất bản từ tháng 5.2015, trong đó có đầy đủ hình ảnh và video cho thấy những xe tải của cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ đã chở vũ khí, đạn dược sang cho các nhóm phiến quân Hồi giáo tại Syria. Tờ Cumhuriyet kết luận, đây chính là những bằng chứng cho thấy chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang buôn lậu vũ khí với quân nổi dậy ở Syria và có thể là cả tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
2 nhà báo Can Dundar và Erdem Gul (thứ 2 bên trái sang) của tờ Cumhuriyet bị kết tội vì đưa tin Thổ Nhĩ Kỳ bán vũ khí cho các nhóm nổi dậy Hồi giáo ở Syria.
Sau khi được xuất bản, bài báo trên đã gây ra một cơn bão chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ và khiến Tổng thống Erdogan vô cùng tức giận. Hồi tháng 6.2015, đích thân ông Erdogan kiện tờ báo này ra tòa và tuyên bố: "Tất cả những ai liên quan đến bài viết này đều phải trả giá thích đáng". Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ sau đó cũng lên tiếng phủ nhận toàn bộ thông tin trong bài báo của tờ Cumhuriyet và thông báo đây là đoàn xe chở đồ viện trợ cho một cộng đồng thiểu số ở Syria chứ không liên quan gì tới phiến quân Hồi giáo.
Tại phiên tòa được diễn ra hôm 26.11, 2 nhà báo này bị cáo buộc là thực hiện các hoạt động tình báo và do thám hỗ trợ cho phong trào Fethullah Gulen hiện đang bị chính phủ liệt vào hàng khủng bố.
Tại phiên tòa, nhà báo Dundar lên tiếng biện hộ: "Chúng tôi không liên quan gì tới các hoạt động gián điệp. Chúng tôi chỉ thực hiện đúng vai trò là nhà báo, bảo vệ quyền được tiếp cận thông tin cho công chúng và để cho họ thấy chính phủ đang làm ăn dối trá như thế nào". Tại phiên tòa, nhà báo này cũng lên tiếng chỉ trích Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đang hành xử "một cách cá nhân" và "sẽ quyết không lùi bước".
Việc bắt giữ và kết án 2 nhà báo này cũng đang gây tranh cãi trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều đảng phái chính trị lên tiếng bảo vệ cho các nhà báo và gọi đây là hành động "chà đạp và xâm phạm nghiêm trọng quyền tự do báo chí".