Đó là một quyết định đặc biệt và ấn tượng nhất mà tôi nhận được trong cuộc đời gần nửa thế kỷ qua. Nhờ tờ quyết định này mà tôi đã học xong chương trình THPT, tốt nghiệp đại học rồi trở thành cán bộ cao cấp trong quân đội.
Quãng thời gian học cấp 2 (nay là THCS) của chúng tôi vào đúng thời điểm đất nước vừa đi qua chiến tranh, nền kinh tế vô cùng khó khăn, thiếu thốn đủ bề.
Bố mẹ tôi sinh được 6 người con, mỗi người cách nhau từ 2 đến 3 năm và vào thời điểm đó đều đi học. Tám miệng ăn trông chờ vào công điểm hợp tác xã nông nghiệp mà bố, mẹ tôi là xã viên.
Mẹ tôi vì đẻ nhiều nên đau yếu luôn, ít tham gia công việc đồng áng. Chỉ có bố tôi ngày, đêm ở cả ngoài đồng, nhưng tính điểm bình quân cho số nhân khẩu thì vẫn rất thấp.
Ngoài việc đi học, 3 chị gái tôi đều nhận hàng gia công manh cói xuất khẩu của hợp tác xã thủ công nghiệp để làm thêm nhưng cũng chẳng được bao nhiêu. Còn tôi nửa ngày đi học, nửa ngày đi bắt cua, bắt cáy, kéo vó tép... đảm nhiệm phần thức ăn có chất đạm cho cả nhà.
So với các gia đình khác ở trong làng thủa ấy, gia đình tôi được xếp vào diện khó khăn nhất. Cả năm chỉ duy nhất vào dịp Tết nguyên đán là tôi được ăn cơm trắng, kèm theo thịt lợn, còn quanh năm ăn sắn, khoai lang, có khi còn ăn cháo cám.
Ngày đó, trước thực trạng một số học sinh đi chân trần đến lớp, nội quy của Trường cấp 1, 2 Cổ Am (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) nơi tôi học có quy định: Học sinh phải đi giày, dép, hoặc guốc mới được vào lớp.
Cuối năm học lớp 4 (lớp cuối cấp 1), do đoạt giải Nhì kỳ thi học sinh giỏi toán huyện Vĩnh Bảo, tôi được bố thưởng cho một đôi dép cao su. Đế dép được cắt ra từ lốp ô tô, quai dép cũng được cắt từ xăm ô tô. Có lẽ bây giờ không còn ai dùng loại dép này nữa. Vào những ngày mưa, đường lầy lội, đi lại khó khăn và dép tuột quai liên tục.
Khi vào lớp 5 (lớp đầu cấp 2 lúc ấy), tôi được các bạn bầu làm Chi đội trưởng lớp 5A (Chi đội Võ Thị Sáu) và đại hội Liên đội toàn trường cấp 1, 2 Cổ Am bầu tôi làm Liên đội trưởng Liên đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh của nhà trường.
Hồi đó, vào ngày thứ Hai đầu tuần, Liên đội đều tổ chức duyệt nghi thức đội. Tôi với cương vị là Liên đội trưởng thường đi đầu hàng quân hành tiến qua lễ đài. Hôm ấy là một buổi sáng mùa xuân trời u ám. Đất trên sân trường vừa qua trận mưa ướt lép nhép như níu kéo lại đôi dép của tôi.
Vừa giơ tay chào theo tư thế đội viên dẫn đầu đội nghi thức đi qua lễ đài thì đôi dép cao su của tôi liền bị tuột mấy quai. Tôi bỏ lại dép ở sân tiếp tục đi chân đất chỉ huy duyệt đội ngũ. Sau lễ chào cờ, tôi về lớp học và quên mất đôi dép bị tuột quai ở sân trường. Đến khi tan học, tôi mới chợt nhớ tới đôi dép, nhưng hỡi ôi, không hiểu vì bạn nào đó đã lấy hay bác lao công đã vứt đôi dép tuột quai ấy đi mà tôi đi tìm cả tiếng đồng hồ vẫn không được.
Về nhà, tôi chẳng dám nói với bố mẹ vừa mất dép, vì nếu nói chắc chắn sẽ không thể có ngay đôi dép mà còn bị một trận đòn nhừ tử. Tối hôm ấy, tôi mượn tạm đôi dép của chị gái, rửa chân và lên giường đi ngủ sớm. Hôm sau, tôi đắn đo mãi và tôi quyết định không đến lớp vì chẳng lẽ Chi đội trưởng kiêm Liên đội trưởng mà vi phạm nội quy của nhà trường.
Bố mẹ tôi vì bận bịu công việc đồng áng nên không để ý đến việc học hành của tôi. Ba chị gái của tôi cũng vừa học, vừa làm thêm nên cũng không biết thằng em trai bị mất dép và nghỉ học. Các bạn trong lớp thấy tôi không đi học, đến nhà tôi mới biết nguyên nhân tôi nghỉ.
Trong lớp tôi có bạn Nguyễn Hải Hà (nay là Thượng tá, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự quận Hồng Bàng, Hải Phòng) là con của thầy giáo Nguyễn Quốc Ấn, Phó Hiệu trưởng Trường cấp 1, 2 Cổ Am. Hà kể với bố về việc tôi không dám đi học vì không có dép. Đều là người trong làng nên thầy Nguyễn Quốc Ấn hiểu được hoàn cảnh gia đình nhà tôi và tính “sĩ diện” của bố tôi. Thầy biết chắc chắn rằng nếu thầy hoặc ai đó mang đôi dép tặng tôi thì bố tôi sẽ không cho tôi nhận.
Thầy bàn với thầy Lê Huy Thư, Hiệu trưởng nhà trường làm cho tôi một tờ quyết định để tôi được đến trường. Ngày hôm sau nữa, tôi thật bất ngờ vì được cô giáo chủ nhiệm đến tận nhà, trao tờ quyết định do thầy Phó Hiệu trưởng Nguyễn Quốc Ấn viết tay bằng mực xanh, ký tên và đóng dấu của nhà trường với nội dung: “Ban Giám hiệu Trường Cấp 1, 2 Cổ Am cho phép em Đỗ Phú Thọ không đi giày, dép vẫn được đến lớp”.
Được cô giáo chủ nhiệm và thầy Phó Hiệu trưởng động viên, tôi tiếp tục đi học và chỉ huy Liên đội duyệt đội ngũ với đôi chân trần. Thầy Quốc Ấn sau đó đã hướng dạy tôi học nghề may. Bản thân thầy đêm nào cũng cặm cụi đạp máy khâu đến khuya.
Gần một tháng sau khi thầy Quốc Ấn ký tờ quyết định đặc biệt ấy, thầy Ấn mang một đôi dép nhựa đến nhà tôi trao cho bố tôi và nói: “Đây là tôi trả công thằng Thọ đã may quần áo cho tôi”. Tất nhiên, bố tôi không thể từ chối món quà của thầy. Nước mắt tôi trào ra sung sướng bởi có đôi dép mới và cảm động vì cách ứng xử của thầy.
Nhờ tờ quyết định “độc nhất vô nhị” của thầy giáo Nguyễn Quốc Ấn và được sự động viên của các thầy, cô trong trường, tôi đã học xong lớp 5 và có thêm được nghề may, kiếm thêm tiền giúp bố mẹ. Đến năm lớp 7, tôi thi được vào lớp chuyên Toán của huyện và từ đó được học bổng do ngân sách thành phố cấp dành cho học sinh giỏi...
Gần bốn chục năm đã trôi qua, tôi đã đến được tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước, đi thăm nhiều nước trên thế giới, nhưng chưa thấy ở đâu có một tờ quyết định đặc biệt như tờ quyết định thầy giáo Nguyễn Quốc Ấn viết và ký cho tôi.