Tổ chức sinh hoạt chủ nhiệm sao cho hấp dẫn

GD&TĐ -  Kinh nghiệm tổ chức một giờ sinh hoạt chủ nhiệm hấp dẫn được chia sẻ bởi cô Châu Thị Hằng, giáo viên Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ).

Hình ảnh trong giờ sinh hoạt chủ nhiệm tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ).
Hình ảnh trong giờ sinh hoạt chủ nhiệm tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ).

Nhận thức đúng vai trò tiết sinh hoạt chủ nhiệm

Cô Châu Thị Hằng cho biết: Trong chương trình giáo dục phổ thông, tiết sinh hoạt lớp được quy định như một tiết học bắt buộc; trong đó giáo viên chủ nhiệm được hưởng số tiết kiêm nhiệm theo quy định (4 tiết/tuần) và học sinh thực hiện đủ thời lượng của một tiết học là 45 phút/tiết.

Đây là tiết học quan trọng góp phần làm phong phú thêm chương trình giảng dạy và nâng cao hiệu quả giáo dục toàn diện cho học sinh.

Tiết sinh hoạt lớp là thời điểm để học sinh bày tỏ, chia sẻ tâm tư, tình cảm của cá nhân sau một tuần học tập; là dịp để mỗi học sinh tự đánh giá và đánh giá hoạt động học tập, rèn luyện của cá nhân, tập thể lớp sau mỗi tuần học. Từ đó, xây dựng kế hoạch hoạt động cho tuần học tập tiếp theo nhằm hoàn thành tốt kế hoạch năm học mà lớp đã đề ra.

Thông qua tiết sinh hoạt lớp, học sinh hình thành kĩ năng tự quản, có ý thức chấp hành tốt nền nếp, kỷ luật của trường lớp; nâng cao tinh thần đoàn kết tập thể, sống có trách nhiệm, phát huy được vai trò nồng cốt, tính tiên phong của tổ chức Đoàn trong các hoạt động tập thể lớp.

Nếu như các bộ môn văn hóa đều có chương trình, sách giáo khoa, sách giáo viên, chuẩn kiến thức kĩ năng, tài liệu tham khảo... thì tiết sinh hoạt lớp chủ yếu do cô và trò biên soạn và chuẩn bị.

Những năm gần đây, việc thiết kế giáo án sinh hoạt lớp đã được triển khai đến các nhà trường, các thầy cô giáo làm công tác chủ nhiệm. Như vậy, nội dung và cách thức cơ bản để tiến hành giờ sinh hoạt lớp đã được thống nhất trong các nhà trường.

Trong tiết sinh hoạt chủ nhiệm, giáo viên phải tạo điều kiện cho học sinh chủ động điều khiển buổi làm việc của lớp với sự chủ tọa của giáo viên chủ nhiệm. Hình ảnh trong giờ sinh hoạt chủ nhiệm tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa.

Trong tiết sinh hoạt chủ nhiệm, giáo viên phải tạo điều kiện cho học sinh chủ động điều khiển buổi làm việc của lớp với sự chủ tọa của giáo viên chủ nhiệm. Hình ảnh trong giờ sinh hoạt chủ nhiệm tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa.

Còn hạn chế

Phát huy hiệu quả của giờ sinh hoạt lớp là vấn đề luôn được những thầy giáo, cô giáo làm công tác chủ nhiệm trăn trở và đưa ra thảo luận trong các buổi sinh hoạt chuyên môn, nghiệp vụ.

Cô Châu Thị Hằng cho rằng, tổ chức tiết sinh hoạt lớp cuối tuần không phải là điều mới mẻ đối với giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm. Thông thường, giờ sinh hoạt lớp diễn ra ba hoạt động cơ bản: Tổng kết đánh giá hoạt động trong tuần, xây dựng kế hoạch tuần tiếp theo và tổ chức sinh hoạt vui chơi, ca hát, kể chuyện,…

Tuy nhiên, trên thực tế, các tiết sinh hoạt lớp cuối tuần thường chưa thực sự có hiệu quả và đạt mục tiêu như mong muốn.

Trong phương pháp sinh hoạt lớp truyền thống, giáo viên chủ nhiệm chủ yếu nhận xét, nhắc nhở, xử phạt những học sinh vi phạm trong tuần và triển khai nội dung kế hoạch tuần tới.

Nội dung giờ sinh hoạt lớp khô cứng, lặp đi lặp lại, thiếu đa dạng làm không khí tiết học nặng nề, không đáp ứng được nhu cầu thực tế của học sinh.

Hình thức tổ chức giờ sinh hoạt lớp thì đơn điệu, nhàm chán chưa tạo được môi trường vui chơi, giải trí thoải mái cho học sinh, chưa tạo điều kiện để học sinh có cơ hội được mở rộng, củng cố kiến thức và rèn luyện các kĩ năng sống cần thiết.

Học sinh chỉ là người nghe, thụ động tiếp thu những nội dung giáo viên chủ nhiệm truyền đạt. Học sinh không có cơ hội cùng nhau tổ chức, tham gia điều hành giờ sinh hoạt lớp. Đôi khi giáo viên quá nghiêm khắc, không gần gũi, thân thiện với học sinh. Đó là những nguyên nhân khiến học sinh không hứng thú với giờ sinh hoạt lớp.

Học sinh là chủ thể

Để có giờ sinh hoạt lớp hiệu quả, theo cô Châu Thị Hằng, quan trọng nhất là giáo viên chủ nhiệm cần linh hoạt, sáng tạo tìm những giải pháp phù hợp với yêu cầu giáo dục. Giáo viên phải tạo được hứng thú cho học sinh, không làm cho giờ sinh hoạt bị căng thẳng hoặc nhàm chán, biết lôi cuốn học sinh vào những hoạt động tích cực trong giờ sinh hoạt lớp.

Từ kinh nghiệm thực tế, cô Châu Thị Hằng chia sẻ một số cách thức tổ chức hoạt động tăng tính hấp dẫn, hiệu quả trong tiết sinh hoạt lớp chủ nhiệm.

Theo đó, khi giáo viên chủ nhiệm có kế hoạch cụ thể, phân công nhiệm vụ cho học sinh rõ ràng, chi tiết sẽ tạo được hứng thú cho học sinh, không làm cho giờ sinh hoạt bị căng thẳng hoặc nhàm chán mà còn lôi cuốn học sinh vào những hoạt động tích cực trong giờ sinh hoạt lớp. Đồng thời tiết sinh hoạt lớp là giờ sinh hoạt tự quản, học sinh thực hiện việc tự đánh giá các hoạt động của cá nhân và tập thể trong suốt tuần học.

Chính vì vậy, giáo viên chủ nhiệm phải xây dựng được đội ngũ ban cán sự lớp có năng lực, nhiệt tình, bản lĩnh, có trách nhiệm cao và uy tín trước các bạn khác trong lớp. Đội ngũ ban cán sự sẽ hỗ trợ đắc lực cho giáo viên chủ nhiệm trong công tác tổ chức, quản lí các hoạt động giáo dục học sinh và thực hiện giờ sinh hoạt lớp chủ nhiệm.

Để ban cán sự lớp làm việc hiệu quả, chất lượng giáo viên chủ nhiệm cần có sự phân công rõ ràng nhiệm vụ, trách nhiệm của từng thành viên ban cán sự lớp. Giáo viên chủ nhiệm cũng cần xây dựng bảng điểm thi đua tuần ngay từ đầu năm học và lấy ý kiến thống nhất từ tập thể lớp.

Trong tiết sinh hoạt chủ nhiệm, giáo viên phải tạo điều kiện cho học sinh chủ động điều khiển buổi làm việc của lớp với sự chủ tọa của giáo viên chủ nhiệm. Ban cán sự lớp chủ trì tiết sinh hoạt, giáo viên chủ nhiệm chỉ đóng vai trò hướng dẫn giúp đỡ học sinh thực hiện. Đồng thời giúp ổn định và giải quyết các tình huống có thể xảy ra trong tiết sinh hoạt lớp.

Thời gian dành cho tiết sinh hoạt là 45 phút. Trong đó thời gian dành cho việc tổng kết, đánh giá trong tuần và phổ biến một số công việc hoạt động trong tuần tiếp theo với thời lượng từ 20 phút đến 25 phút. Thời gian còn lại dành cho giáo viên chủ nhiệm tổ chức hoạt động sinh hoạt tập thể.

Minh họa trò chơi “Đuổi hình bắt chữ” - một trò chơi được cô Châu Thị Hằng tổ chức cho học sinh trong giờ sinh hoạt lớp.

Minh họa trò chơi “Đuổi hình bắt chữ” - một trò chơi được cô Châu Thị Hằng tổ chức cho học sinh trong giờ sinh hoạt lớp.

Tổ chức hoạt động sinh hoạt tập thể hấp dẫn

Bên cạnh việc giáo dục về đạo đức, lối sống, cô Châu Thị Hằng cho rằng, người giáo viên chủ nhiệm cần tạo cho học sinh một sân chơi bổ ích để các em có thể “học mà chơi, chơi mà học”.

Giáo viên chủ nhiệm xây dựng một môi trường “học tập - vui chơi” để tất cả học sinh được trải nghiệm những xúc cảm tích cực, tăng cường hoạt động tập thể để nâng cao tinh thần đoàn kết của tập thể lớp. Giờ sinh hoạt lớp với không khí thoải mái, nhẹ nhàng học sinh chia sẻ những tâm tư, tình cảm, mạnh dạn đưa ra những quan điểm, chính kiến của cá nhân và sẵn sàng lắng nghe, tiếp nhận ý kiến đóng góp từ các thành viên trong lớp với thái độ tôn trọng.

Trong giờ sinh hoạt lớp, dựa vào điều kiện và tình hình đặc điểm của lớp chủ nhiệm mà giáo viên chủ nhiệm lồng ghép tổ chức các hoạt động tập thể như sau: Tổ chức các hoạt động cho học sinh được trải nghiệm cảm xúc; tổ chức cho học sinh thảo luận theo chủ đề; tổ chức các hoạt động văn nghệ - trò chơi tập thể.

“Đối với hoạt động tổ chức trò chơi tập thể - văn nghệ, để tổ chức thành công, giáo viên cần nắm được các nội dung chủ đề ở từng tháng và ban cán sự lớp phải năng động, nhiệt tình, sáng tạo.

Giáo viên cần tổ chức các hoạt động một cách tự nhiên, khoa học, tránh sự áp đặt, gượng ép; quan sát nhu cầu nhận thức của học sinh để lập chủ đề sinh hoạt phù hợp. Nội dung chủ đề mang tính thời sự, phù hợp với đặc điểm tâm lí lứa tuổi học sinh gắn liền với công tác xây dựng nhân cách học sinh.

Tóm lại, giáo viên cần có sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo khi áp dụng một số cách thức tổ chức hoạt động tăng tính hấp dẫn, hiệu quả trong tiết sinh hoạt lớp chủ nhiệm.” - cô Châu Thị Hằng nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.