Vẫn còn tình trạng Giáo viên chủ nhiệm (GVCN) lên lớp một cách miễn cưỡng, chủ yếu tiến hành công tác chủ nhiệm theo lối cũ nhàm chán: chỉ chú trọng đến việc xử lý kỷ luật HS, nhắc nhở, bảo ban HS và tập trung vào các thủ tục hành chính mà chưa chú ý truyền được động lực, hứng thú học tập, rèn luyện cho các em,... Một số GV chỉ dựa vào sổ đầu bài, từ đó chăm chăm truy tìm lý do, mạt sát, đe dọa HS.
Ở bài viết này, tôi xin trình bày một cách thức tiến hành giờ sinh hoạt lớp khá hiệu quả: tổ chức các hoạt động cho HS được trải nghiệm cảm xúc, từ đó góp phần hình thành và phát triển phẩm chất và năng lực cho HS.
Thông thường giờ sinh hoạt lớp diễn ra vào tiết 5 ngày thứ bảy cuối tuần. Trong 45 phút đó, GVCN điều hành sinh hoạt lớp, HS chỉ ngồi nghe, lĩnh hội và tuân thủ, chấp hành những việc GVCN giao.
Vì thế, cả thầy cô giáo và trò đều cảm thấy áp lực, nhàm chán, mệt mỏi. Riêng bản tôi chỉ dành 10 phút đầu giờ để tổng kết, đánh giá và triển khai kế hoạch tuần tới (do Ban cán sự lớp đã chủ động tổng kết, nắm bắt tình hình của lớp vào chiều thứ 6 và do GVCN đã ứng dụng Công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành lớp học nên giảm thời gian cho những công việc mang tính thủ tục, thông báo), còn 35 phút tôi dành cho việc để HS điều hành, tổ chức các hoạt động tập thể nhằm hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực quan trọng hoàn thiện nhân cách “người học sinh mới”, đặc biệt tôi chú trọng hoạt động trải nghiệm cảm xúc!
Tiết sinh hoạt lớp là thời gian để giáo viên hoặc cán sự lớp tổ chức, điều hành lớp chủ nhiệm tổng kết, đánh giá, nhận xét về mọi hoạt động trong tuần vừa qua và triển khai, phổ biến kế hoạch tuần tới, tuyên dương những học sinh có nhiều điểm tốt hoặc hoạt động tích cực đồng thời phê bình, xử lí các học sinh vi phạm nội quy trong tuần. Nhưng những việc làm đó sẽ có tác động không sâu sắc, lâu bền trong việc uốn nắn, giáo dục, biến đổi “chất” từ bên trong cho học sinh.
Vì vậy, tôi thường cho HS có những giây phút lặng, phút “sống chậm” để các em “ngẫm”, “ngợi”, phút “chạm” vào tâm hồn mình, nhìn nhận mọi điều liên quan đến cuộc sống của mình để các em hiểu rõ bản thân, hiểu hơn về những người xung quanh. Tôi tạo tình huống, tạo không gian và cho các em thời gian để các em HS được chia sẻ, tâm sự với GVCN, với bố mẹ, với bạn bè và với chính bản thân mình. Từ đó, giúp các em lấy lại niềm tin, động lực và phương hướng phấn đấu, bồi dưỡng lý tưởng, khát vọng sống cao đẹp cho các em. Xuất phát từ ý tưởng và mục đích đó, chúng ta có thể tiến hành như sau:
Bước 1. Xây dựng mục tiêu của tiết sinh hoạt lớp
- Tổng kết, đánh giá toàn bộ hoạt động của HS trong một tuần học (ưu điểm, hạn chế, có khen thưởng, phê bình, kỷ luật và xếp loại từng HS)
- Đưa ra kế hoạch cho tuần kế tiếp dựa trên kế hoạch cụ thể của nhà trường và Đoàn trường.
- Mở rộng nội dung sinh hoạt liên quan đến kiến thức cuộc sống, sức khỏe sinh sản vị thành niên, phổ biến pháp luật, đạo đức, lối sống, kết nối yêu thương giữa HS – Phụ huynh – GVCN,… tăng cường kỹ năng sống, góp phần hình thành và phát triển những phẩm chất, năng lực quan trọng cho học sinh.
Bước 2. Lựa chọn nội dung và cách thức tiến hành
Ở đây có hai cách để các em bày tỏ quan điểm, chính kiến, cảm xúc của bản thân HS:
* Cách 1: Cho HS thảo luận
- Nội dung chủ yếu là những vấn đề nóng của giới trẻ ngày nay mà xã hội quan tâm. Bản thân tôi đã tổ chức hội thảo cho các em với các vấn đề: Suy nghĩ về tình yêu tuổi học trò, vấn đề nói chuyện riêng hay ăn quà vặt đối với HS THPT, trách nhiệm của bản thân em đối với vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa ở địa phương, vấn đề chụp ảnh kỷ yếu đối với học sinh 12, sức khỏe sinh sản vị thành niên, bạo lực học đường, văn hóa ứng xử trên mạng xã hội, nụ cười an toàn giao thông, lời cảm ơn và xin lỗi,…
Hoặc đơn giản tôi cho HS xem một số trích đoạn của các bộ phim về giáo dục như: Bước ngoặt đáng nhớ, Bệnh nhân người Anh, Bậc thầy của những ước mơ, Cậu bé Karate,… hay những video truyền động lực như: Gương thầy cô giáo, Những khoảnh khắc đẹp,… Từ đó, tôi cho HS thảo luận về chi tiết em thích nhất từ bộ phim (video), bài học ý nghĩa nhất mà em rút ra được sau khi xem bộ phim (video).
- Cách thức tổ chức hoạt động:
Thứ nhất là, đối với những chủ đề cho các em chuẩn bị trước: GVCN cho HS đăng ký chủ đề mà bản thân yêu thích để trình bày trước lớp. Bản thân tôi thường yêu cầu HS chuẩn bị trước một tuần chủ đề mà các em yêu thích để tiết sinh hoạt tuần tiếp theo cả lớp sẽ bàn về chủ đề đấy. Các HS hoặc tìm cách trình bày phù hợp (trình bày trên giấy A0 hoặc trên powpoint hoặc qua các sản phẩm hanmade, ...).
Có thể mỗi tuần là một cá nhân hoặc đại diện của một tổ lên thuyết trình về vấn đề mà mình yêu thích trong khoảng thời gian được giới hạn (5 -7 phút). Sau đó sẽ là thời gian cho những HS còn lại đặt câu hỏi phản biện. Hoạt động này giúp HS phát triển tư duy phản biện và kỹ năng thuyết trình trước đám đông.
Thứ hai là, đối với chủ đề ngẫu hứng nảy sinh trong buổi sinh hoạt lớp, GVCN cũng có thể nhanh chóng tổ chức buổi thảo luận theo phương pháp: think – pair- share. Đây là cách thảo luận mang tính hợp tác. Theo đó, sự tham gia của mỗi thành viên trong một nhóm sẽ góp phần vào kết quả chung. HS sẽ học cách xử lý mọi vấn đề qua 3 bước sau: Think (Nghĩ): HS suy nghĩ độc lập về vấn đề được nêu ra; tự hình thành nên ý tưởng của mình; Pair (Bắt cặp): HS được ghép cặp với nhau để thảo luận về những ý tưởng vừa có. Bước này giúp HS thể hiện ý tưởng của mình, xem xét ý tưởng của bạn; Share (Chia sẻ): HS chia sẻ ý tưởng vừa thảo luận với nhóm lớn hơn. Thông thường, các em sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi giới thiệu ý tưởng đến cả nhóm nếu được sự hỗ trợ của bạn bắt cặp với mình. Hơn nữa, ý tưởng của từng HS sẽ được củng cố và nâng cao hơn trong quá trình thực hiện 3 bước này. Tất cả đều có cơ hội được bày tỏ suy nghĩ và quan điểm sống của mình.
Khi tiến hành buổi sinh hoạt thành một buổi hội thảo, bản thân tôi nhận thấy các em rất hào hứng và thể hiện hết mình. Qua đó, các em sẽ học cách duy trì tình bạn lành mạnh thông qua chia sẻ, lắng nghe và học hỏi lẫn nhau.
- Kết quả đạt được: HS được hình thành và phát triển phẩm chất: yêu nước (liên quan đến vấn đề bảo tồn, phát huy di sản văn hóa,…), nhân ái (các em biết đồng cảm, chia sẻ với bạn, yêu quý ý tưởng của bản thân và của bạn bè), trung thực (nêu lên quan điểm, chính kiến của bản thân về các vấn đề xung quanh, về quan điểm của các bạn khác), trách nhiệm (có trách nhiệm góp ý cho bạn và hoàn thiện bản thân đồng thời biết liên hệ thấy rõ vai trò của bản thân đối với các vấn đề đặt ra), chăm chỉ (các em tự tìm hiểu, tìm kiếm thông tin về các vấn đề đưa ra để hội thảo, lắng nghe những ý kiến của bạn để học hỏi, làm đầy kiến thức, kỹ năng cho mình).
Đồng thời, HS được hình thành và phát triển năng lực tự chủ và tự học (tự biết nên tìm hiểu những thông tin liên quan đến vấn đề hội thảo, tự tìm cách thể hiện vấn đề tốt nhất cho nhóm và tự học thông qua việc tìm kiếm thông tin, làm việc nhóm, chủ động trình bày ý tưởng, quan diểm của mình và lắng nghe các ý kiến, chủ động học hỏi), năng lực giao tiếp và hợp tác (kỹ năng thuyết trình, phản biện, lắng nghe), năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo (cách giải quyết của bản thân trước những vấn đề được đưa ra thảo luận và đưa ra các giải pháp tích cực, hiệu quả), năng lực tìm hiểu xã hội (tìm hiểu những vấn đề xã hội đang được nhiều người nhất là giới trẻ quan tâm), năng lực ngôn ngữ (nói và viết), năng lực thẩm mỹ (phát hiện ra những nét đẹp, vẻ đẹp của cuộc sống xung quanh, tìm cách trình bày, thiết kế các sản phẩm thuyết trình một cách hấp dẫn, ấn tượng), năng lực tính toán (khảo sát, thống kê số liệu khảo sát), năng lực tin học (tra cứu thông tin trên google, mạng xã hội, trình bày qua powpoint, tờ rơi), …
* Cách 2: Cho HS tự “lắng nghe” chính mình. Các em tự viết những dòng tâm sự về cuộc sống, về những người xung quanh (bố mẹ, thầy cô, bạn bè), về những gì đang diễn ra, về ước mơ, về tương lai của bản thân, …
- Nội dung: Tôi thường hướng HS đến những chủ đề: Mưa điều ước, Thư gửi thầy /cô, Thư gửi bố / mẹ (hoặc bố mẹ), Gửi tôi ở tương lai.
- Hình thức sinh hoạt: Tôi thường cho các em viết thư hoặc ghi vào tờ note gửi thầy (cô), bố (mẹ), cho chính mình hiện tại và tương lai (mấy chục năm sau này),… Ở đây mỗi HS sẽ ghi ba điều ước về mục tiêu của bản thân trong năm học, ba điều ước về bố mẹ, ba điều ước về thầy cô, sau đó các em trang trí theo từng nhóm và treo lên.
Bên cạnh đó, tôi còn hướng dẫn HS viết thư chia sẻ với bố/ mẹ, thầy /cô những tâm sự thầm kín nhất mà trong thực tế hàng ngày tiếp xúc trực tiếp, các em khó chia sẻ, khó bộc lộ với bố/mẹ, thầy /cô. Những bức thư các e gửi cho bản thân sau này, các em bỏ vào phong bì hoặc xếp máy bay và ghi họ tên, lớp học ở bên ngoài. GVCN sẽ là người lưu giữ những bức thư này đến mai sau hoặc cuối năm trao cho các em để các em giữ.
- Kết quả thu được: HS được hình thành và phát triển phẩm chất: trung thực (tâm sự tất cả những điều bản thân nghĩ về những chủ đề liên quan), trách nhiệm (bản thân thấy được trách nhiệm đối với xã hội, với gia đình, thầy cô, bạn bè và với chính bản thân mình), nhân ái (yêu thương gia đình, thầy cô, bạn bè, lớp học và chính bản thân), chăm chỉ (tự mình nhận ra những điều bản thân phải nỗ lực hoàn thiện về học tập, về kinh nghiệm cuộc sống).
Bên cạnh đó, HS được hình thành và phát triển năng lực giao tiếp và hợp tác (kỹ năng trao đổi, hợp tác khi chia sẻ), năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo (tìm ra cách chia sẻ chân thực và ý nghĩa), năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội (tìm hiểu về thế giới tự nhiên và những vấn đề xã hội và chính bản thân mình,…), năng lực ngôn ngữ (năng lực diễn đạt để nói lên tất cả tâm tư của bản thân), năng lực thẩm mỹ (nhận biết các yếu tố về cái đẹp trong cuộc sống, ở những người xung quanh và chính mình), ….
Các phẩm chất và năng lực được hình thành, phát triển thông qua những giây phút trải nghiệm cảm xúc như đã trình bày ở trên thực sự sẽ thấm sâu và tạo nên sự chuyển biến về chất trong tâm hồn, nhân cách mỗi người HS để “Trên cơ sở đó, các em tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, tự phát hiện năng lực, nguyện vọng của bản thân. Các em được rèn luyện thói quen và khả năng tự học, phát huy tiềm năng và kiến thức, kỹ năng đã tích lũy được để phát triển” (GS Nguyễn Minh Thuyết).