Chia sẻ của giáo viên chủ nhiệm về giờ sinh hoạt lớp

GD&TĐ - Thầy Nguyễn Văn Sang – giáo viên Trường THPT Phú Điền (Đồng Tháp) – chia sẻ giải pháp nâng cao hiệu quả tiết sinh hoạt chủ nhiệm; trong đó đưa ra định hướng và biện pháp nhằm khắc phục một số tồn tại trong tiết sinh hoạt, làm cho hoạt động này có ý nghĩa, tác dụng thiết thực, sinh động và phong phú hơn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nguyên nhân của những tiết sinh hoạt thiếu hấp dẫn

Nhiều năm làm công tác chủ nhiệm, thầy Nguyễn Văn Sang cho biết, tiết sinh hoạt chủ nhiệm chưa được quan tâm đúng mức, có lớp chỉ 10 phút là hết nội dung truyền đạt nên chất lượng giờ sinh hoạt lớp chưa cao.

Một số lý do khiến hiệu quả tiết sinh hoạt lớp kém có thể kể đến: Học sinh không có cơ hội cùng tham gia điều hành giờ sinh hoạt lớp. Nội dung giờ sinh hoạt lớp khô cứng, lặp đi lặp lại, thiếu đa dạng, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của học sinh. Hình thức tổ chức giờ sinh hoạt lớp đơn điệu, nhàm chán;

Giáo viên quá nghiêm khắc, không gần gũi ,thân thiện, không đặt mình vào vị trí của học sinh để hiểu các em.

Từ thực trạng trên, thầy Nguyễn Văn Sang chia sẻ một số hình thức tổ chức giờ sinh hoạt chủ nhiệm từ kinh nghiệm bản thân như sau:

Tổng kết cuối tuần, nhận xét thi đua và triển khai kế hoạch

Trong nội dung này, thầy Nguyễn Văn Sang cho biết, phần báo cáo, đánh giá lại các hoạt động trong tuần, giáo viên chủ nhiệm (GVCN) cố gắng làm ngắn gọn (khoảng 20 phút), cụ thể:

Trước khi bắt đầu tiết sinh hoạt chủ nhiệm, lần lượt các tổ trưởng lên ghi tổng kết thi đua các tổ trên bảng. Vào tiết, GVCN sẽ ghi nhận kết quả thi đua, có tuyên dương, phê bình các tổ thực hiện chưa tốt.

GVCN yêu cầu các ban cán sự trong lớp báo cáo các mặt hoạt động đạt được của lớp trong tuần qua, mỗi ban cán sự sẽ báo cáo theo nhiệm vụ của mình đã được GVCN phân công nhiệm vụ ngay từ đầu năm học.

Theo đó, tổ trưởng báo cáo lại kết quả đạt được của tổ trong tuần qua gồm: việc thực hiện nội quy nề nếp, báo cáo kết quả học tập của các bạn trong tổ, để GVCN nắm bắt được kịp thời ý thức học tập của từng cá nhân, từ đó có hướng điều chỉnh kịp thời.

Lớp trưởng báo cáo tổng quát lại các mặt tổng thể đạt được của lớp trong tuần như: số giờ phê của giáo viên bộ môn vào sổ đầu bài gồm bao nhiêu giờ A, B, C…, nêu nhận xét của giáo viên bộ môn trong tiết học chưa tốt, báo cáo tổng kết lại việc thực hiện nội quy, nề nếp, ý thức học tập các bạn trong tuần, đánh giá lại ưu khuyết điểm về các hoạt động và đề ra phương hướng trong tuần tới để GVCN có cái nhìn tổng thể và vạch ra kế hoạch cho lớp.

Lớp phó học tập báo cáo tình học học tập của lớp gồm: ý thức học tập các bạn thông qua nhận xét giáo viên bộ môn, thống kê điểm trên trung bình và dưới trung bình để từ đó GVCN nắm bắt chính xác tình hình học tập của lớp để có giải pháp.

Lớp phó phụ trách văn thể, lao động, thủ quỹ lớp báo cáo từng mảng do mình phụ trách để các bạn nắm bắt rõ ràng, công khai minh bạch

Cuối cùng GVCN nhận xét tổng kết tuần học vừa qua, nêu ra những ưu khuyết điểm, các mặt đạt được và chưa được để các em rút kinh nghiệm mà thực hiện cho tốt các mặt. GV tuyên dương các bạn học tập tốt, tham gia tốt các phong trào của lớp, của trường; nhắc nhở, phê bình học sinh vi phạm nội quy.

Cuối cùng, lập kế hoạc tuần tiếp theo: Triển khai các kế hoạch của nhà trường và các nhiệm vụ phải làm trong tuần tới.

Sinh hoạt, thảo luận theo chủ đề

Nội dung này kéo dài khoảng 25 phút. Nội dung sinh hoạt có thể là các hoạt động trao đổi phương pháp học tập, sinh hoạt tập thể, thi hùng biện. Nội dung sinh hoạt nên gắn với các hoạt động chủ điểm tháng, gắn với các ngày kỉ niệm lớn, gắn với các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội diễn ra ở địa phương, trong nước…

Hình thức sinh hoạt cũng đa dạng: có thể là thi văn nghệ giữa các tổ, có thể chỉ là đố vui khoa học hay sưu tầm hình ảnh tuyên truyền nhân sự kiện cụ thể...

Giáo viên nên giao lần lượt cho các tổ chủ trì theo vòng, các tổ khác hỗ trợ, tham gia.

Khi thảo luận chuyên đề cần lưu ý: Vấn đề hay chủ đề cần thảo luận phải phù hợp với hứng thú, nhu cầu và trình độ nhận thức chung của học sinh, có nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau;

Vấn đề đưa ra thảo luận đòi hỏi sử dụng nhiều kiến thức và kinh nghiệm để đánh giá, kết luận, hay sáng tạo ý tưởng mới;

Môi trường thảo luận phải luận lợi, an toàn, thoải mái để tất cả học sinh đều có cơ hội bày tỏ những ý kiến, quan điểm và chính kiến của mình;

Người dẫn chương trình khéo léo dẫn dắt, khơi gợi sự mạnh dạn, tự tin, tích cực của mọi học sinh trong lớp để thảo luận sôi nổi và có hiệu quả, cần tôn trọng ý kiến của các thành viên trong thảo luận;

Nếu gặp khó khăn (trường hợp không thống nhất ý kiến), cần mời người cố vấn hay giáo viên giải đáp.

Một số chủ đề mà GVCN cần hướng cho học sinh thảo luận trong các buổi sinh hoạt chủ nhiệm: sức khỏe sinh sản ở tuổi vị thành niên; làm thế nào để hạn chế bạo lực học đường; làm thế nào để học tốt môn ngoại ngữ, các môn học tự nhiên; thanh niên với chủ quyến đất nước.

Tùy theo hoạt động chủ điểm của tháng và các sự kiện diễn ra, các ngày lễ, ngày kỉ niệm mà GVCN sẽ lựa chọn chủ đề thích hợp để tổ chức học sinh thảo luận, chia sẻ lẫn nhau.

Trong giờ sinh hoạt, giáo viên cũng có thể tổ chức các hoạt động văn nghệ hoặc tìm hiểu về các tấm gương vượt khó học giỏi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.