Phú Thọ: Cơ bản hoàn tất chuẩn bị cơ sở vật chất, SGK đón năm học mới

GD&TĐ - Theo bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ, đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, sách giáo khoa, trang thiết bị dạy – học cho giáo viên và học sinh đã cơ bản hoàn tất. Ngành Giáo dục tỉnh Phú Thọ đã sẵn sàng cho năm học mới 2018 – 2019.

Các trường học của tỉnh Phú Thọ đã sẵn sàng cho năm học mới. Ảnh: Cô, trò Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Việt Trì, Phú Thọ)
Các trường học của tỉnh Phú Thọ đã sẵn sàng cho năm học mới. Ảnh: Cô, trò Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Việt Trì, Phú Thọ)

Chủ động rà soát cơ sở vật chất, thiết bị dạy - học

* Được biết là Phú Thọ cũng là địa phương bị ảnh hưởng bởi đợt mưa bão. Chuẩn bị bước vào năm học mới, vậy tỉnh đã có những giải pháp như thế nào để khắc phục những khó khăn?

- Ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa rồi, tỉnh Phú Thọ có một số huyện như: Tân Sơn, Thanh Sơn, Tam Nông bị thiệt hại nặng nề. Ngành Giáo dục, đã chỉ đạo các đơn vị trường học, tập trung huy động các lực lượng, khắc phục hậu quả sau mưa bão.

Cùng với đó, tập trung vào việc dọn dẹp, vệ sinh môi trường và trường, lớp học. Đồng thời tiến hành rà soát lại cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đã bị hư hỏng. Trên cơ sở đó, có phương án và tham mưu với cấp quản lý để sửa chữa cải tạo, hoặc mua sắm bổ sung mới.

Chúng tôi cũng đã phát động trong toàn ngành, vận động các đơn vị ủng hộ các trường học bị ảnh hưởng bởi mưa bão và đã tạo hiệu ứng rất tích cực. Các đơn vị trên địa bàn đã ủng hộ kinh phí, sách vở, thậm chí kể cả nhân công lao động để giúp các trường bị thiệt hại bởi mưa lũ khắc phục khó khăn, ổn định trường lớp. Đến nay, các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã sẵn sàng đón năm học mới.

* Năm học 2018 -2019, ở một số thành phố lớn xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa. Với Phú Thọ, ngoài khó khăn do ảnh hưởng của mưa lũ, thì địa phương có gặp khó khăn về vấn đề này hoặc những vấn đề khác hay không?

- Sở GD&ĐT Phú Thọ đã phối hợp với các huyện, thành thị tiến hành rà soát lại toàn bộ hiện trạng cơ sở vật chất và thiết bị dạy học. Trên cơ sở đó, các đơn vị trường học sẽ báo cáo và tham mưu với cấp quản lý để có kế hoạch sửa chữa, cải tạo và nâng cấp, đầu tư mua sắm mới.

Về sách giáo khoa, Phú Thọ không có tình trạng khan hiếm hay thiếu sách giáo khoa. Đến thời điểm này đã đảm bảo cung ứng đầy đủ sách giáo khoa cho học sinh. Tất cả đã sẵn sàng cho năm học mới 2018 – 2019.

Về điều kiện cơ sở vật chất, giống như nhiều tỉnh, Phú Thọ cũng gặp phải khó khăn chung. Riêng đối với học sinh các lớp đầu cấp như lớp 1, chúng tôi hoàn toàn chủ động được trên cơ sở rà soát cơ sở vật chất hiện tại và có kế hoạch từ trước đó trong việc sửa chữa, cải tạo và xây mới. Vì thế đến thời điểm này, số phòng học của chúng tôi đáp ứng theo yêu cầu.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ.
 Bà Nguyễn Thị Thu Huyền – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ.

Sẵn sàng cho năm học mới

* Vậy Phú Thọ đã chuẩn bị về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên như thế nào cho chương trình giáo dục phổ thông mới sắp tới?

- Như tôi đã có ý kiến, hiện chúng tôi đã rà soát toàn bộ hiện trạng về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên và các điều kiện khác.

Đến thời điểm này, chúng tôi có thể khẳng định rằng, Phú Thọ đã sẵn sàng cho năm học mới cũng như sẵn sàng cho việc tổ chức thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới của lớp 1 bắt đầu từ năm học 2019 - 2020.

* Về lâu dài cũng cần phải có quy hoạch mạng lưới trường lớp thật tốt. Vậy bà có đề xuất giải pháp hay kiến nghị gì về công tác việc quy hoạch mạng lưới trường lớp học ở địa phương mình?

- Hiện nay chúng tôi đang thực hiện Nghị quyết số 19 về rà soát mạng lưới trường lớp, trên cơ sở đó sẽ có quy hoạch lại các trường lớp phù hợp. Cùng với đó đảm bảo tinh gọn bộ máy để nâng cao hiệu quả quản lý.

Đến thời điểm này, Phú Thọ đang rà soát, sắp xếp lại trên cơ sở đề xuất từ các huyện, thành thị nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế và đáp ứng được quyền lợi cũng như là nhu cầu học tập của học sinh.

* Một trong những việc được quan tâm đó là trang thiết bị dạy học. Vậy Phú Thọ có kế hoạch khảo sát những thiết bị dạy học này ở các trường như thế nào, vì hiện nay có rất nhiều trang thiết bị có khi không dùng đến hoặc là vẫn còn rất là mới có thể tận dụng được cho những năm học sắp tới?

- Chúng tôi đã thực hiện tổng thể, rà soát toàn bộ thiết bị trường học. Trên cơ sở đó sẽ có phương án tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh, bố trí các nguồn lực để đầu tư, bổ sung mua sắm mới. Cùng với đó, thực hiện việc xã hội hóa để bổ sung những thiết bị chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bên cạnh đó, nhiều năm nay, chúng tôi tăng cường khuyến khích giáo viên và học sinh về việc tự làm thiết bị, đồ dùng dạy học trên cơ sở phải đảm bảo sự an toàn, tính khoa học và ứng dụng vào trong thực tế giảng dạy.

Qua đó giáo viên cũng gắn với hoạt động chuyên môn, đồng thời học sinh cũng được trải nghiệm cảlý thuyết và thực hành. Mặt khác, các em cũng có những tư duy về khoa học và thích ứng trong thực tế học tập hiện nay.

Xin cảm ơn bà!

"Mặc dù là tỉnh rất là khó khăn nhưng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh; đến thời điểm này, giáo dục của Phú Thọ tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp học đã đạt gần 90%. Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia bình quân ở tất cả các bậc học đã đạt trên 72%. Đấy là những điều kiện cơ bản nhất và đã đáp ứng được yêu cầu"- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thị Thu Huyền.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.