Phân định rõ nhiệm vụ giáo viên dạy Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp

GD&TĐ - Chưa có giáo viên (GV) chuyên trách, việc đảm nhiệm dạy học Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp tại các nhà trường do hiệu trưởng phân công...

Cô trò Trường THCS Ái Mộ (Long Biên, Hà Nội) trong giờ học tại phòng truyền thống nhà trường.
Cô trò Trường THCS Ái Mộ (Long Biên, Hà Nội) trong giờ học tại phòng truyền thống nhà trường.

Phân định rõ nhiệm vụ

Chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp bao gồm các nội dung, hoạt động được tổ chức trong và ngoài nhà trường với các hình thức sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục theo chủ đề và hoạt động câu lạc bộ.

Tại Trường THCS Ái Mộ (quận Long Biên, Hà Nội), theo chia sẻ của thầy Phó Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Sơn, do chưa có GV chuyên trách nên nhà trường phân công GV chủ nhiệm các lớp 6, 7 trực tiếp phụ trách Hoạt động trải nghiệm. Trong hoạt động này, nhà trường xây dựng các chủ đề cao trào để thực hiện chung cả khối, có sự vào cuộc của các khối trưởng chủ nhiệm và tổng phụ trách.

“Hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về việc GV chủ nhiệm có được tính riêng hoặc trừ vào 4 tiết chủ nhiệm hay không, nên các trường đang áp dụng linh hoạt để bảo đảm đúng số giờ dạy theo quy định cho GV. Mặc dù được tập huấn phương pháp dạy học và kỹ năng tổ chức các chủ đề, nhưng một số GV tổ chức hoạt động chưa thực sự hiệu quả.

Ban giám hiệu nhà trường thường xuyên rút kinh nghiệm sau mỗi buổi sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn. Từ thực tiễn triển khai, tôi mong rằng Bộ/sở GD&ĐT tiếp tục có chuyên đề bồi dưỡng phương pháp tổ chức Hoạt động trải nghiệm với GV hàng năm. Đồng thời có biên chế chính thức trong các trường THCS nội dung này để triển khai được đồng bộ, hiệu quả” - thầy Nguyễn Ngọc Sơn đề xuất.

Triển khai Hoạt động trải nghiệm tại Vĩnh Long, sở GD&ĐT lưu ý các nhà trường: GV được phân công đảm nhận nội dung hoạt động nào phải có năng lực chuyên môn phù hợp với nội dung hoạt động. GV đảm nhận các nội dung hoạt động của chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp thực hiện đúng nhiệm vụ.

Phân định rõ thực hiện chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp với nhiệm vụ của GV làm chủ nhiệm lớp theo quy định hiện hành. Các cơ sở giáo dục, căn cứ vào điều kiện thực tế có thể chọn tối thiểu 2 trong 4 loại hình hoạt động chủ yếu (sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục theo chủ đề và hoạt động câu lạc bộ) để thực hiện nội dung này.

“Trong thực tiễn, lãnh đạo các trường căn cứ vào số lượng và năng lực đội ngũ để phân công cho hợp lý, bảo đảm yêu cầu về định mức biên chế được giao và hiệu quả trong quá trình thực hiện chương trình giáo dục.

Cụ thể, các trường thường theo 4 phương án phân công GV phụ trách Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp: GV tổng phụ trách hoặc bí thư/phó bí thư đoàn trường cùng với ban giám hiệu phụ trách; GV tổng phụ trách, hoặc bí thư/phó bí thư đoàn trường cùng GV có kỹ năng, năng lực thực hiện các hoạt động; GV tổng phụ trách hoặc bí thư/phó bí thư đoàn trường thực hiện. Phương án thứ tư là giao cho GV chủ nhiệm thực hiện” - ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long thông tin.

Ảnh minh họa Internet.

Ảnh minh họa Internet.

Bồi dưỡng đội ngũ, huy động nguồn lực xã hội

Tại Tiền Giang, ông Nguyễn Phương Toàn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Sở GD&ĐT tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho tất cả GV chủ nhiệm về hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Ngoài ra, trước khi triển khai Chương trình GDPT 2018, Sở GD&ĐT đã phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức hướng dẫn sử dụng tài liệu Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp cho GV chủ nhiệm.

Hiện nay, ở hầu hết các trường trên địa bàn tỉnh đều phân công GV chủ nhiệm thực hiện Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp trong Chương trình GDPT 2018. Sở GD&ĐT Tiền Giang đang tổ chức sơ kết đánh giá một năm triển khai Chương trình GDPT 2018 để rút kinh nghiệm cho công tác chỉ đạo các năm tiếp theo.

Lưu ý về tổ chức Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, theo ông Nguyễn Phương Toàn, hiệu trưởng xây dựng kế hoạch và phân công GV dạy hoạt động này cần chú ý với năng lực, sở trường gắn với khoa học các bộ môn GV đang đảm nhận phù hợp chủ điểm (cân đối số tiết thực hiện của GV cho phù hợp). Các GV đã dạy đủ số tiết quy định, nếu được phân công thực hiện các hoạt động này vẫn được tính giờ dư.

Căn cứ vào chủ điểm, nội dung chủ điểm mà xây dựng hình thức tổ chức phù hợp theo quy mô các hoạt động để có sự phối hợp lực lượng tổ chức hoạt động có hiệu quả, thu hút học sinh. Hiệu trưởng xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động này theo quy định và phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ GV để phát huy hiệu quả hoạt động giáo dục này thu hút học sinh, giáo dục tốt kỹ năng sống cho học sinh.

Với Phú Thọ, sở GD&ĐT chỉ đạo các tổ nhóm chuyên môn, nhà trường xây dựng Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp lồng trong khung kế hoạch chung. Việc phân công tùy theo từng trường, liên quan đến đội ngũ và nội dung các hoạt động (có thể là GV chủ nhiệm, GV phụ trách đội, GV bộ môn, cán bộ quản lý của trường…). Ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ chia sẻ việc triển khai trong thực tế có khó khăn, liên quan đến tính giờ dạy cho GV, kinh phí tổ chức Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp...

“Trước khó khăn này, sở GD&ĐT đã tổ chức hội nghị hiệu trưởng để nghe phản ánh, sau đó hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị thực hiện. Sở cũng tham mưu UBND tỉnh đề nghị HĐND ra Nghị quyết về các khoản thu, trong đó có khoản thu liên quan đến tổ chức Hoạt đông trải nghiệm, hướng nghiệp; chỉ đạo các trường đẩy mạnh xã hội hoá kinh phí, nguồn lực, công sức phụ huynh cùng tham gia tổ chúc hoạt động này” - ông Phùng Quốc Lập cho hay.

Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) nhận được công văn của Sở GD&ĐT Long An xin ý kiến hướng dẫn tính số tiết dạy đối với GV dạy Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Ngày 9/9/2022, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) có công văn trả lời Sở GD&ĐT Long An về việc này. Trong đó ghi rõ, căn cứ vào quy định về nhiệm vụ của GV chủ nhiệm lớp, tiết sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp do GV chủ nhiệm lớp đảm nhận tổ chức các hoạt động tập thể thuộc nhiệm vụ của GV chủ nhiệm lớp (theo quy định tại Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT ban hành quy định về chế độ làm việc của GV phổ thông), nên không được tính là tiết dạy cho GV.

Tiết sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp do GV được phân công đảm nhận (kể cả GV chủ nhiệm) để thực hiện các nội dung theo chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được tính là tiết dạy của GV. Việc quy đổi các hoạt động này ra tiết dạy để tính vào định mức tiết dạy của GV thực hiện theo quy định tại Điểm d Khoản 11 Điều 1 Thông tư số 15/2017/TT-BGDĐT, sửa đổi bổ sung một số điều của Quy định về chế độ làm việc đối với GV phổ thông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ