Tình yêu trong trẻo với môn Lịch sử

Cùng với những tín hiệu vui về việc học sinh THPT được thi 4 môn tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2013-2014, thì nhìn vào số lượng thí sinh chọn thi môn Lịch sử đã khiến không ít người lo ngại.

Tình yêu trong trẻo với môn Lịch sử

Để tìm hiểu thực hư về những ý kiến nói trên, chúng tôi đã có nhiều cuộc trò chuyện với "người trong cuộc".

Vẫn trong trẻo tình yêu

Ngày 5/5/2014, Trường THPT Chuyên tỉnh Quảng Bình đã tổ chức chương trình ngoại khóa về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Chương trình do cán bộ, giáo viên tổ Lịch sử của trường đạo diễn với sự tham gia của Tiến sĩ Sử học Nguyễn Khắc Thái.

Với những câu chuyện kể bình dị về thời niên thiếu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, môi trường để phát triển nhân tài và những bước ngoặt lịch sử trong cuộc đời Đại tướng, quá trình chắt lọc tinh hoa trí tuệ của nhân loại để cái tên Võ Nguyên Giáp đi vào lịch sử với vai trò là danh nhân quân sự Việt Nam và thế giới...,

Buổi ngoại khóa đã thu hút sự chú ý lắng nghe của không chỉ riêng các em học sinh mà đối với cả thầy cô giáo trong trường. Không dừng lại ở đó, chương trình đã nhận được nhiều câu hỏi từ phía các em học sinh nhằm làm sáng tỏ hơn về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Và xen giữa chương trình giao lưu là những bài ca đi cùng năm tháng, trong đó có nhạc phẩm Chiến thắng Điện Biên của nhạc sĩ Đỗ Nhuận được cất lên trên nền điệu múa sạp truyền thống của xứ sở hoa ban trắng khiến những người tham gia chương trình giao lưu như được sống lại những thời khắc hào hùng 60 năm trước...

Có thể nói, chương trình giao lưu dù ở quy mô cấp trường nhưng đã mang lại những tín hiệu vui.

Với trên 1.000 học sinh tham gia, trong số khá nhiều câu hỏi từ phía các em không chỉ đến từ các lớp chuyên sử mà có rất nhiều ý kiến từ học sinh các lớp tự nhiên. Để làm được điều đó không thể không kể đến vai trò của "người kể chuyện", mà ở đây là TS Nguyễn Khắc Thái.

Những bài học lịch sử trở nên sống động và hấp dẫn hơn bao giờ. Tin rằng, với cách thức "kể chuyện" hấp dẫn này, các em sẽ dễ dàng ghi nhớ nội dung bài học, đồng nghĩa với việc tình yêu môn Lịch sử vẫn luôn trong trẻo và trường tồn.

Những con số: "Không có gì đáng ngại"

Thống kê của Sở Giáo dục & Đào tạo Quảng Bình cho thấy tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có 1.561/10.765 thí sinh đăng ký thi môn Lịch sử. Nhìn vào con số này, không ít người cảm thấy lo ngại và cho rằng học sinh đã quay lưng lại với môn Lịch sử.

Tuy nhiên qua những cuộc chuyện trò với "người trong cuộc" thì thấy rằng những con số chưa nói lên vấn đề gì và vì thế nên không thể kết luận rằng học sinh quay lưng với môn lịch sử.

Trao đổi với thầy Trương Đình Thách - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh - là trường "trắng" thí sinh thi môn Lịch sử tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, thì có hai lý do cơ bản khiến 100% thí sinh của trường không chọn môn Lịch sử.

Thứ nhất, tỷ lệ thí sinh đăng ký thi đại học khối xã hội chiếm tỷ lệ thấp, đương nhiên ảnh hưởng đến lựa chọn của thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp.

Thứ hai là ngay từ ban đầu, số thí sinh lựa chọn môn Lịch sử chưa cao nên còn có những phân vân trong việc triển khai ôn tập, vì thế các em thay đổi lựa chọn để thuận tiện hơn trong quá trình ôn thi. 

Ngoài hai lý do nói trên thì trong quá trình học tập hoàn toàn không có chuyện các em "ngại" hay "quay lưng" lại với môn học này.

Còn em Nguyễn Vũ Thảo Sương - Học sinh lớp 12 toán, Trường THPT Chuyên - cho biết: Bản thân em rất yêu thích môn Lịch sử và thực tế ba năm học vừa qua, điểm tổng kết của em đều đạt trên 8 điểm.

Tuy nhiên đứng trước những các môn thi tự chọn tại kỳ thi tốt nghiệp năm nay thì em và nhiều bạn trong lớp đều không chọn môn Lịch sử bởi hầu hết học sinh lớp em đều đăng ký thi đại học khối tự nhiên. 

Nếu chọn môn Lịch sử thi tốt nghiệp sẽ phải chia sẻ thời gian ôn luyện, chưa kể kết quả có thể sẽ không cao bằng những môn học khác.

Cũng theo Thảo Sương, một trong những hạn chế của môn Lịch sử hiện nay là đề thi còn thiên về học thuộc với quá nhiều chi tiết và số liệu cụ thể, chưa phát huy được tư duy sáng tạo của học sinh.

Cũng cùng ý kiến với Thảo Sương, em Lê Anh Tuấn (lớp 11 Lý) khẳng định Lịch sử vẫn là một học yêu thích của em. Thế nhưng việc phải học thuộc lòng những bài học quá dài đã khiến cho nhiều bạn không còn hào hứng...

Thầy Lê Thanh Bình - Tổ trưởng tổ Lịch sử Trường THPT Chuyên - cũng khẳng định: Việc học sinh không lựa chọn môn Lịch sử không có nghĩa là các em không thích môn học này mà vì các em phải tính toán phương án để đạt được điểm cao nhất có thể trong các kỳ thi. Vì thế, không thể căn cứ vào những con số để rồi lo lắng và kết luận rằng các em không yêu thích bộ môn này.

Cùng đồng tình với ý kiến của thầy giáo Lê Thanh Bình, TS Nguyễn Khắc Thái cho rằng: Con số thí sinh lựa chọn môn Lịch sử không phản ánh việc các em yêu hay không yêu môn học này. Các em đặt môn Lịch sử lên bàn cân vì những lựa chọn cho mục tiêu nghề nghiệp trong tương lai.

Và việc nhiều em lựa chọn nghề nghiệp không gắn liền với môn Lịch sử không phải lỗi của các em mà do xu hướng phát triển của xã hội trong giai đoạn hiện nay. 

Cùng với những lựa chọn nghề nghiệp của mình, tình yêu môn Lịch sử sẽ song hành suốt cuộc đời chứ không riêng gì giai đoạn ngồi trên ghế nhà trường.

Tuy nhiên bên cạnh lý do trên thì việc những bài học lịch sử chưa thực sự hấp dẫn, quá trình truyền đạt của giáo viên còn hạn chế, bài thi cứng nhắc... cũng góp phần ảnh hưởng đến tình yêu của các em đối với môn học này.

Lời kết

Từ những ý kiến của "người trong cuộc" về lựa chọn của học sinh đối với môn Lịch sử, chúng ta hoàn toàn không nên qua lo lắng về việc học sinh ít lựa chọn môn Lịch sử trong các kỳ thi để từ đó khẳng định các em đã "quay lưng" với môn học.

Tuy nhiên để môn Lịch sử thực sự trở nên hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của các em, đòi hỏi phải đổi mới phương thức dạy LỊch sử. 

Đó là thay vì nêu sự kiện, giáo viên nên kể những mẩu chuyện về sự kiện lịch sử để các em nghe và dễ nhớ, không nên đưa số liệu, mốc lịch sử quá nhiều.

Để làm được điều đó cần phải có sự quan tâm từ phía Bộ Giáo dục & Đào tạo trong quá trình biên soạn sách giáo khoa cho môn học này.

Bên cạnh đó, việc học lịch sử không chỉ nên giới hạn trong sách giáo khoa mà có thể học bằng nhiều hình thức khác thông qua các chương trình ngoại khóa. 

Học lịch sử địa phương cũng cần được coi trọng, để trước hết mỗi một học sinh đều có thể hiểu rõ về vùng đất nơi mình sinh ra và lớn lên, từ đó bồi đắp lòng tự hào và tình yêu quê hương, đất nước, cùng là cách xây dựng và bồi đắp tình yêu đối với môn Lịch sử.

Có ai đó từng nói rằng, không thể vỗ tay bằng một bàn tay. Vì vậy, để học sinh thực sự yêu thích và đam mê môn Lịch sử, bên cạnh tình yêu trong trẻo của các em, các bộ, ban ngành chức năng và mỗi một thầy cô giáo và những người có trách nhiệm trong toàn xã hội cần có sự chung tay góp sức để tiếp tục khơi nguồn và dẫn dắt niềm đam mê cho các em đối với môn học này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ