Hai tấm gương
Sáng 18/4, tại Buổi gặp mặt giao lưu với người khuyết tật TP Đà Nẵng, có không ít tấm gương người khuyết tật thành công trong ngành CNTT, được tuyên dương khen thưởng.
Tiêu biểu như anh Trần Mạnh Huy - Giám đốc Công ty VPBO hay anh Trần Văn Sơn - Trưởng phòng công nghệ tại Công ty Vinatab … Họ đều là những người đã vượt lên chính mình, làm việc không chỉ cho mình mà còn vì tương lai của những người khuyết tật khác.
Anh Trần Mạnh Huy - Giám đốc Công ty VPBO (Công ty chuyên về nghiệp vụ gia công qui trình doanh nghiệp Business Process Outsourcing) sinh ra đã bị liệt nửa người.
Với anh, để đi học như bao bạn bè cùng trang lứa là một thử thách tưởng chừng như không thể vượt qua. Mỗi bước chân đều chứa đựng nỗi đau, không biết bao lần vấp ngã để có thể tự đi đến trường.
Tuy nhiên, bằng nghị lực phi thường, vượt qua nỗi đau thân thể, anh vẫn quyết tâm học tập để khẳng định mình.
Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, anh trúng tuyển vào ngành Khoa học và kỹ thuật máy tính của Trường Đại học Bách khoa TP HCM với số điểm khá cao. Nhưng do điều kiện sức khỏe, việc theo học thật sự rất khó khăn.
“Đối với những môn học đòi hỏi thể lực như thể dục, vẽ mao mạch, hàn mạch điện... thì mình không khỏe như người khác nên phải luyện tập nhiều hơn.
Nhưng khó nhất vẫn là hàn mạch điện, hai tay bình thường hàn còn khó, mình một tay yếu quá nên phải lấy dây chì quấn vào tay để học. Người ta chấm mối chì đẹp, còn mình đụng vô nó nổ hoài” - Anh Huy kể lại những khó khăn trong quãng thời gian học tập.
Chính những khó khăn tuổi thơ, cũng như tinh thần lạc quan đã hun đúc ở người đàn ông này một quyết tâm rất lớn. Cuối cùng, anh đã thành công, trong kỳ tốt nghiệp năm đó anhh nằm ở top 10 người đứng đầu của khoa.
Trước khi trở thành Giám đốc VPBO, anh là giảng viên của Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM, Giám đốc Công ty phần mềm PSV của Mỹ, Giám đốc Công ty Công nghệ Xanh.
Anh là người đầu tiên của Việt Nam nhận chứng chỉ chất lượng CNTT tại Mỹ (năm 2003). Ngoài ra, anh cũng đoạt huy chương bạc và đồng giải thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2003 - 2004.
Lần đầu nhìn thấy anh Trần Văn Sơn, không ai có thể nghĩ chàng trai đó là Trưởng phòng của một Công ty chuyên nghiên cứu và phát triển giải pháp công nghệ Web, đào tạo lập trình viên (Công ty Vinatab). Bị liệt hai chân, anh Sơn phải ngồi xe lăn vì đôi chân quá yếu; đôi tay anh cũng run run khi cầm vật nặng.
Vậy mà bằng tình yêu với CNTT, con người nhỏ bé đó đã vượt qua những khó khăn thách thức để khẳng định mình. “Năm đầu tiên, mình tiếp xúc với CNTT là thời gian đang học lớp 11.Từ đó, mình tìm ra được niềm vui, sự yêu thích với CNTT. Khi thi đại học, mình cũng chọn ngành CNTT vì nhận thấy nó vừa là đam mê, vừa phù hợp với điều kiện sức khỏe” - Anh Sơn chia sẻ.
Bằng nghị lực phi thường, niềm đam mê cháy bỏng với CNTT, anh đã vượt lên chính mình và đạt được những thành công. Không những trở thành Trưởng phòng của Công ty Vinatab, anh còn tự mình mở Trung tâm đào tạo lập trình viên Vinatab và trực tiếp giảng dạy lập trình tại đây.
Anh Trần Văn Sơn - Trưởng phòng công nghệ tại Công ty Vinatab. |
Tiếp sức cho cộng đồng người khuyết tật.
Điểm chung ở các anh là đều có tình yêu rất lớn với CNTT cũng như sự quyết tâm sử dụng công cụ CNTT để thực hiện ước mơ là tạo ra nhiều việc làm cho người khuyết tật.
Anh Trần Mạnh Huy cho biết: “Anh nhận thấy CNTT rất phù hợp với người khuyết tật. Anh mở Công ty liên quan đến ứng dụng CNTT, vừa để khẳng định mình, vừa để thực hiện ước mơ tạo việc làm cho cộng đồng những người khuyết tật.”
Hiện nay, Công ty VBPO, trụ sở tại Đà Nẵng có 18 người khuyết tật đang làm việc, nhiều người trong số đó đảm nhiệm vị trí quan trọng trong Công ty.
Lương những lao động lâu năm từ 6 - 7 triệu đồng, những người mới vào từ 3 - 4 triệu đồng. Anh yêu cầu các chi nhánh của Công ty tại các địa phương như Huế, Quảng Nam, Phú Yên phải tuyển từ 20 - 30 % lao động là người khuyết tật.
Anh Sơn cho biết: “Ước mơ của mình là phát triển Trung tâm Đào tạo lập trình viên Vinatab thành một Trung tâm có chất lượng cao tại Đà Nẵng.
Trung tâm sẽ đào tạo lập trình cho các bạn đam mê với CNTT, đặc biệt là các bạn khuyết tật, giúp các bạn có thêm kiến thức áp dụng vào thực tiễn, tìm kiếm việc làm ổn định”.
Hiện Trung tâm của anh có 6 học viên là người khuyết tật đến từ các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An…
Tại Buổi gặp mặt giao lưu với người khuyết tật TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Hùng Hiệp - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP Đà Nẵng nhấn mạnh: “CNTT là một trong những ngành đi đầu trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế của Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, CNTT còn là một trong những ngành tạo ra nhiều việc làm cho người khuyết tật. Nhu cầu học và tìm việc làm liên quan đến CNTT của người khuyết tật là rất lớn bởi vì nó tương đối phù hợp rất thuận tiện khi họ tiếp cận, học tập cũng như tìm việc làm ổn định với điều kiện sức khỏe của họ. Bên cạnh đó, CNTT còn là phương tiện để họ có thể giao tiếp tốt hơn, tự tin hơn trong cuộc sống”.