Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình với đài truyền hình ZDF, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết cần phải có nỗ lực mới để chấm dứt cuộc xung đột Ukraine đã kéo dài dai dẳng.
"Tôi tin rằng bây giờ là lúc để thảo luận về cách đạt được hòa bình từ tình trạng chiến tranh này, thực sự là với tốc độ nhanh hơn", ông tuyên bố.
Mặc dù ban đầu không muốn đổ viện trợ quân sự hào phóng vào Ukraine như nhiều nước phương Tây khác, nhưng Đức đã trở thành một trong những nước ủng hộ hàng đầu của Kiev trong bối cảnh xung đột.
Đức đã cung cấp cho quân đội Ukraine nhiều loại vũ khí, bao gồm xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 1 và 2, cũng như xe chiến đấu bộ binh Marder.
Việc ông Olaf Scholz nhắc đến việc cần sớm kết thúc xung đột Ukraine ở thời điểm này được cho là không phải ngẫu nhiên.
Tại Đức đang chứng kiến các vấn đề nội bộ bị chia rẽ sâu sắc. Theo một cuộc thăm dò do ZDF công bố riêng và sau đó trong ngày, khoảng 77% người Đức tin rằng ông là một nhà lãnh đạo yếu kém, trong khi chỉ có 17% nói tích cực về phẩm chất lãnh đạo của ông.
Cuộc thăm dò này dường như đã đánh dấu mức tỷ lệ ủng hộ tệ nhất mà Scholz thể hiện trong nhiệm kỳ của mình, với khoảng 74% số người được hỏi tin rằng Thủ tướng không nên trở thành ứng cử viên hàng đầu của đảng Dân chủ Xã hội trong cuộc bầu cử liên bang sắp tới vào tháng 9 năm 2025.
Liên minh cầm quyền của Scholz đã phải chịu những thất bại đau đớn trong cuộc bầu cử khu vực tuần trước, thể hiện kết quả kém ở Thuringia và Saxony, thuộc Đông Đức cũ. Hai khu vực chính đã chứng kiến sự trỗi dậy của đảng dân túy cánh hữu Alternative for Germany (AfD) và đảng dân túy cánh tả Sahra Wagenknecht Alliance (BSW) mới thành lập.
Cả hai đảng đều phản đối mạnh mẽ sự tham gia lâu dài của Đức vào cuộc xung đột ở Ukraine, tình trạng nhập cư ồ ạt và những khó khăn kinh tế liên quan mà chính phủ của ông Olaf Scholz đổ lỗi.
Tình trạng người dân Ukraine tị nạn ở Đức cũng gây bức xúc không kém. Chính quyền của ông Scholz đã bị chỉ trích vì đối xử đặc biệt với người tị nạn Ukraine, thậm chí còn hơn cả những người dân Đức khó khăn.
Người tị nạn Ukraine không giống như những người xin tị nạn từ các quốc gia khác - được nhận Burgergeld, hay trợ cấp công dân. Trợ cấp xã hội này thường dành riêng cho người Đức có thu nhập thấp hoặc công dân EU sống tại quốc gia này.
Đảng CDU bảo thủ và đảng chị em ở Bavaria, Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), đã lập luận rằng các khoản tiền hỗ trợ hào phóng này nhằm mục đích ngăn cản người dân Ukraine tìm kiếm việc làm.
Người ta ước tính có hơn một triệu người tị nạn Ukraine đang sống ở Đức tính đến tháng 7 năm 2024.
Để xử lý vấn đề gây tranh cãi này, trong lần xuất hiện tại khu vực bầu cử của mình, Thủ tướng Olaf Scholz đã công bố rằng, "đã đến lúc người Ukraine phải đi làm".
Nhà lãnh đạo Đức thừa nhận rằng nhiều người tị nạn Ukraine sẽ không thể tìm được việc làm phù hợp với trình độ của mình ngay lập tức hoặc ban đầu sẽ phải làm việc bán thời gian, nhưng nhấn mạnh rằng những yếu tố như vậy không nên ngăn cản họ tìm kiếm việc làm.
Ông cũng bày tỏ sự hoài nghi rằng trong số 2.000 bác sĩ Ukraine đã cố gắng tìm kiếm việc làm trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của Đức, chỉ có 120 người xin được giấy phép lao động.
Bộ trưởng Tài chính kêu gọi các nhà tuyển dụng “xem xét đến con người”, đồng thời nói thêm rằng các chứng chỉ cần thiết có thể được cấp sau.
Vào tháng 7, lãnh đạo CSU Markus Soder, đồng thời là người đứng đầu tiểu bang Bavaria, đã nói với giới truyền thông rằng nếu một chính phủ bảo thủ lên nắm quyền ở cấp liên bang, họ sẽ ngừng trả trợ cấp công dân cho những người tị nạn Ukraine.
Một tháng trước đó, chủ tịch nhóm nghị sĩ CSU tại Bundestag, Alexander Dobrindt, đã nói với tờ Bild rằng “hơn hai năm sau khi chiến tranh nổ ra, nguyên tắc hiện phải được áp dụng: tiếp tục làm việc ở Đức hoặc trở về các khu vực an toàn ở miền tây Ukraine”.
Đầu năm nay, tờ Bild đưa tin rằng tỷ lệ việc làm của những người tị nạn Ukraine tại Đức chỉ ở mức 25%, con số thấp nhất trong số các quốc gia tiếp nhận.