Nhìn lại một giai đoạn triển khai với những ưu điểm, kết quả đạt được và cả khó khăn, thách thức, nhiều kinh nghiệm, giải pháp được đưa ra để dạy học tích hợp hiệu quả hơn trong giai đoạn tiếp theo.
Chuyển biến tích cực
Tổ chức dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên tại Trường THCS và THPT Trưng Vương (TP Vĩnh Long, Vĩnh Long) sau 4 năm có nhiều chuyển biến tích cực.
Chia sẻ của cô Lê Thị Trang - Hiệu trưởng nhà trường, nhờ đủ giáo viên, việc phân công giảng dạy và tổ chức dạy học môn này luôn đảm bảo phù hợp về chương trình; thời khóa biểu hợp lý, tạo thuận lợi cho cả thầy và trò trong quá trình tổ chức dạy học. Tổ chức kiểm tra, đánh giá thường xuyên được nhà trường thực hiện trong quá trình dạy học theo từng phân môn. Xây dựng bài kiểm tra, đánh giá định kỳ bao gồm nội dung cả 3 phân môn theo tỷ lệ phù hợp và có sự thống nhất của 3 giáo viên được phân công giảng dạy.
Tuy nhiên theo cô Trang, nhà trường cũng gặp phải khó khăn trong thời gian đầu bởi đây là môn học mới và học sinh phải làm quen với thay đổi giáo viên dạy theo từng chủ đề. Tài liệu tham khảo chưa nhiều, thầy cô phải dành nhiều thời gian để đầu tư, nghiên cứu, biên soạn, tìm hiểu các kho tư liệu trên mạng. Kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kỳ ở giai đoạn đầu cũng gặp khó khăn, nhất là với bài kiểm tra định kỳ do giáo viên còn lúng túng trong xác định tỷ lệ sao cho phù hợp từng phân môn. Tuy nhiên, đến nay việc này đã dần đi vào ổn định.
“Hằng năm, căn cứ tình hình đội ngũ, Hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các chủ đề phù hợp với năng lực chuyên môn. Bên cạnh đó, nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn để thầy cô đáp ứng yêu cầu chuyên môn, đảm nhận dạy học các chủ đề trong môn Khoa học tự nhiên đạt hiệu quả”, cô Lê Thị Trang cho biết.
Từ thực tiễn dạy học, thầy Nguyễn Văn Khuyên - Trường THCS Phong Hòa (Phong Điền, Huế) nhận thấy, dạy học tích hợp giúp kết nối kiến thức nhiều lĩnh vực, từ đó học sinh có cái nhìn tổng thể và hiểu sâu hơn về mối quan hệ giữa các lĩnh vực khác nhau. Học sinh hiểu hoặc giải quyết vấn đề dựa trên kiến thức nhiều môn, lĩnh vực, không đơn thuần là 1 môn học hay lĩnh vực riêng lẻ như trước, giảm thiểu tính phân mảnh trong kiến thức.
Thách thức, khó khăn là chương trình tích hợp yêu cầu giáo viên phải am hiểu nhiều lĩnh vực. Để dạy được các môn tích hợp đòi hỏi giáo viên phải tìm hiểu, học hỏi, nâng cao năng lực chuyên môn của mình. Việc chưa có đội ngũ giáo viên đáp ứng dạy môn học tích hợp buộc thầy cô dạy đơn lĩnh vực trong môn học tích hợp phải có sự hợp tác, liên kết, trao đổi khi xây dựng kế hoạch dạy học, bài dạy và kiểm tra đánh giá học sinh. Tài liệu, học liệu, cơ sở vật chất thiết bị chưa được trang bị đầy đủ, kịp thời…
“Những khó khăn nảy sinh trong quá trình thực hiện Chương trình GDPT mới không thể tránh khỏi. Tuy vậy, Bộ GD&ĐT luôn lắng nghe để có điều chỉnh hợp lý. Trong 4 năm qua, Bộ đã ban hành nhiều công văn nhằm hướng dẫn, triển khai chương trình, đặc biệt chú trọng vào các môn học tích hợp”, thầy Nguyễn Văn Khuyên nhận định.
Cần dạy học theo tinh thần đồng đội
Ở góc độ chuyên gia, TS Nguyễn Thị Việt Nga - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 khẳng định sự cần thiết của dạy học tích hợp; đồng thời chỉ ra thách thức đội ngũ giáo viên chưa được đào tạo đầy đủ về phương pháp dạy học tích hợp; cơ sở vật chất tại nhiều trường học thiếu thốn; sự phối hợp giữa giáo viên các môn học còn nhiều hạn chế.
Để đạt được hiệu quả tối ưu, TS Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, cần khắc phục những hạn chế hiện tại thông qua việc đào tạo giáo viên, cải thiện cơ sở vật chất và khuyến khích sự phối hợp giữa các môn học. Việc làm này sẽ góp phần tạo ra môi trường học tập tích cực, sáng tạo cho học sinh.
Chia sẻ cụ thể hơn về sự phối hợp giữa các môn học, theo TS Nguyễn Thị Việt Nga, cần thiết phải dạy học theo tinh thần đồng đội. Xu hướng trong giáo dục đang khắc phục tư tưởng thiết kế chương trình môn học với quy định khép kín, cứng nhắc, tách rời nhau.
Trước đây, mỗi môn học có một chương trình xác định, giáo viên chỉ đóng khung trong môn mình dạy. Ngày nay, kiến thức học trong nhà trường phải kích thích sự tìm hiểu, quan sát, đặt vấn đề, giúp liên kết các môn học, lĩnh vực lại với nhau. Để thực hiện được điều này, giáo viên không thể làm việc đơn độc như ngày trước mà cần phối hợp với nhau, phát huy tinh thần đồng đội, bổ sung, giúp đỡ nhau.
Chia sẻ kinh nghiệm dạy học môn tích hợp, thầy Nguyễn Văn Khuyên cho rằng, dạy học theo chủ đề nên tùy vào từng học sinh, lớp học để xây dựng kế hoạch dạy học, bài dạy phù hợp. Ví dụ, lớp yếu thì tăng cường thời lượng làm việc của học sinh, thảo luận, đánh giá, chú trọng kiến thức cốt lõi mà chương trình yêu cầu. Với học sinh khá, tốt thì tăng cường thời lượng luyện tập, liên hệ thực tế và vận dụng.
Trong mỗi chủ đề có nhiều bài dạy với nội dung khác nhau, tùy theo tình hình của học sinh để phân bố thời gian hợp lý. Đơn cử, với bài nhiều kiến thức và khó, cần phân bố thời lượng nhiều hơn. Thầy Nguyễn Văn Khuyên đồng thời nhấn mạnh việc tăng cường kết nối, phối hợp với đồng nghiệp trong tổ chuyên môn và phát huy tốt nhất thiết bị dạy học…
Bày tỏ mong muốn để có thể triển khai tốt hơn dạy học môn tích hợp, cô Lê Thị Trang nhắc đến đầu tiên là nhà trường có điều kiện tổ chức cho học sinh tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm đối với môn học này, nhằm nâng cao năng lực nhận thức, kiến thức khoa học, năng lực tìm tòi, khám phá và vận dụng kiến thức khoa học vào thực tiễn.
“Nên chăng, chương trình môn Khoa học tự nhiên cần tinh giản các nội dung có tính mô tả, hàn lâm; tăng cường hoạt động thực hành, thí nghiệm (nhất là với khối lớp 8, 9); tăng cường hoạt động vận dụng kiến thức khoa học vào giải quyết các tình huống thực tế. Từ đó, học sinh nhận thấy đây là môn học thú vị, gần gũi, thiết thực với cuộc sống và học hiệu quả hơn”, cô Lê Thị Trang đề xuất.
Triển khai Chương trình GDPT 2018 với mục tiêu dạy học tích hợp ở cấp THCS qua môn Khoa học tự nhiên có những ưu điểm vượt trội trong việc phát triển năng lực toàn diện cho học sinh.
Tích hợp các môn học giúp giảm bớt áp lực học tập, đồng thời tạo điều kiện cho các em phát triển toàn diện. Học sinh có cơ hội tiếp cận kiến thức một cách liên kết và mạch lạc hơn, giúp tăng cường khả năng tư duy phản biện và sáng tạo. Điều này cần thiết cho sự phát triển cá nhân và nghề nghiệp trong tương lai. - TS Nguyễn Thị Việt Nga - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2