Một trong những yếu tố vô cùng quan trọng tạo nên kết quả này chính là nỗ lực nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên bằng nhiều giải pháp.
Đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên
Thẳng thắn chia sẻ việc triển khai môn tích hợp tại địa phương giai đoạn đầu còn lúng túng, ông Trần Tuấn Khanh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang cho biết, về tổ chức dạy học, sắp xếp các tiết dạy theo từng phân môn, có thời điểm số tiết vượt quá đội ngũ hiện có trên mỗi tuần. Để bảo đảm mạch kiến thức giữa các môn tích hợp đòi hỏi giáo viên phải am hiểu nhiều nội dung trong các phân môn. Nếu giáo viên phụ trách đơn môn, việc tổ chức các bài dạy hiệu quả không cao.
Trước khó khăn này, An Giang đã triển khai các giải pháp trong hai năm học gần đây (2022 - 2023, 2023 - 2024). Cụ thể, nhằm tránh dồn các tiết dạy cho một phân môn, sở GD&ĐT hướng dẫn các phòng GD&ĐT chỉ đạo trường THCS sắp xếp các chủ đề dạy học phù hợp (không nhất thiết phải theo trình tự) khi xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, tổ chuyên môn. Yêu cầu là cần bảo đảm phù hợp với số giáo viên hiện có; có giải pháp tránh giáo viên dạy quá nhiều tiết trong một tuần. Việc làm này thực hiện trên cơ sở tư vấn của Hội đồng cốt cán cấp tỉnh các môn học tích hợp.
Song song việc này, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên được chú trọng. Sở GD&ĐT phối hợp với Trường ĐH An Giang tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên, ưu tiên giáo viên trẻ học thêm phân môn thứ hai. Tính đến cuối năm học 2023 - 2024, 336 giáo viên đã và đang đào tạo bồi dưỡng môn Khoa học tự nhiên, 210 giáo viên bồi dưỡng môn Lịch sử và Địa lý.
Sở GD&ĐT chỉ đạo các phòng GD&ĐT, hiệu trưởng trường THCS, phân công giáo viên hoàn thành khóa bồi dưỡng dạy thêm một phân môn (không dạy hết cả 3 phân môn) ở những chuyên đề dễ của lớp 6, 7 để có kinh nghiệm; sau đó dần dần phân nhiều chuyên đề và lớp cuối cấp.
Những giải pháp trên đã tháo gỡ cho các trường THCS tổ chức dạy học thuận lợi, bảo đảm chất lượng chuyên môn theo yêu cầu của chương trình.
Cô Nguyễn Thị Thanh Hoa - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội) cũng nhấn mạnh việc thiết kế chương trình học tập tích hợp khoa học, phù hợp và giải pháp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ. Nhà trường thường xuyên mời chuyên gia, các tổ chức giáo dục để đào tạo, bồi dưỡng phương pháp dạy học tích hợp; nội dung kiến thức mới nhất trong môn Khoa học tự nhiên và về cách kết nối các phân môn, cách tổ chức các hoạt động học tập.
Tổ nhóm chuyên môn, đội ngũ giáo viên Khoa học tự nhiên thường xuyên hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm thông qua tổ chức hội thảo, dạy chuyên đề hằng tháng. Sau các buổi dạy chuyên đề, thầy cô cùng ngồi lại rút kinh nghiệm; từ đó điều chỉnh nội dung chương trình cho phù hợp. Các nhóm giáo viên dạy Khoa học tự nhiên theo từng khối hằng tuần nghiên cứu và trao đổi trước các bài dạy (trực tiếp hoặc online) để chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau về phương pháp dạy học hiệu quả từng nội dung kiến thức, đặc biệt là phần không đúng chuyên môn chính của mình.
Tổ chức thi chọn đội tuyển học sinh giỏi môn Khoa học tự nhiên; đầu tư cơ sở vật chất (trang thiết bị, đồ dùng dạy học hiện đại) để đội ngũ áp dụng công cụ, nền tảng công nghệ vào giảng dạy; sử dụng phần mềm mô phỏng, trực quan hóa và ứng dụng học tập điện tử, giúp học sinh hiểu sâu về các khái niệm khoa học cũng là giải pháp được nhà trường áp dụng.
Giao quyền tự chủ cho nhà trường
Chia sẻ giải pháp trên địa bàn huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), ông Phạm Viết Phúc - Trưởng phòng GD&ĐT cho biết: Các trường đề xuất cơ quan quản lý (sở/phòng GD&ĐT) ban hành, điều chỉnh các văn bản, quy định giao quyền tự chủ cho nhà trường trong phát triển đội ngũ giáo viên THCS. Nhiều hoạt động bồi dưỡng giáo viên dạy môn tích hợp được tổ chức.
Cùng đó là triển khai đổi mới nội dung sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học. Tổ chuyên môn tạo điều kiện cho giáo viên học tập chủ động qua trải nghiệm thực tế, tổ chức các hội thảo chuyên đề để thầy cô chia sẻ thông tin, học hỏi lẫn nhau trong công việc. Hoạt động dự giờ đồng nghiệp, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, tham gia thao giảng... cũng là một hình thức sinh hoạt chuyên môn được quan tâm và đem lại hiệu quả.
Một giải pháp được triển khai đem lại hiệu quả tích cực là tổ chuyên môn tổ chức, hoặc tham gia biên soạn tài liệu hướng dẫn giáo viên tham gia sinh hoạt chuyên môn; cách làm là lựa chọn nội dung mới, khó cần triển khai để thảo luận theo hướng nghiên cứu bài học.
Hiệu trưởng các trường tập trung xây dựng tổ chuyên môn thành cộng đồng học tập; kết nối tổ chuyên môn theo cụm trường. Đặc biệt, quan tâm chính sách đãi ngộ, môi trường làm việc nhằm tạo động lực làm việc cho đội ngũ giáo viên nói chung, giáo viên dạy môn tích hợp nói riêng. Đổi mới tổ chức đánh giá giáo viên theo hướng gắn với kết quả thực hiện công việc.
Ông Nguyễn Viết Phúc cho rằng, đánh giá là một nội dung quan trọng trong quản lý, không chỉ bảo đảm cho đội ngũ có đủ năng lực để thực hiện công việc, mà còn tạo động lực làm việc cho thầy cô.
Nói về kế hoạch nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên dạy môn tích hợp trong năm học tới tại Trường THCS Nam Từ Liêm, cô Nguyễn Thị Thanh Hoa thông tin, nhà trường sẽ xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên các môn học mới với lớp 9, củng cố với các lớp còn lại, trong đó có môn Khoa học tự nhiên, với sự hỗ trợ của chuyên gia.
Tổ chức soạn mẫu và dạy mẫu các bài trong chương trình, sách giáo khoa môn Khoa học tự nhiên lớp 9. Nghiên cứu nội dung bài học khó để có giải pháp dạy học cho phù hợp. Từ tháng 8, trường sẽ tổ chức bồi dưỡng học sinh giỏi môn Khoa học tự nhiên cho học sinh khối 9.
Giáo viên dạy tích hợp sau khi được đào tạo và bồi dưỡng có năng lực vững vàng hơn trong thiết kế, thực hiện các hoạt động dạy học tích hợp. Họ có thể áp dụng những phương pháp mới, sáng tạo hơn để kết nối các môn học từ đó tạo ra bài giảng sâu, chất lượng và hấp dẫn học sinh hơn. Các hoạt động như hội thảo, lớp học mẫu, dạy chuyên đề và nhóm nghiên cứu giúp tăng cường sự hợp tác, từ đó thầy cô có thể chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau, cùng nâng cao chất lượng giảng dạy… - Cô Nguyễn Thị Thanh Hoa